.

Truy tố cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ TT-TT) và các đồng phạm

Cập nhật: 10:57, 20/11/2024 (GMT+7)

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ra cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế - AIC) và 12 bị can khác cùng về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo cáo trạng, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) trực thuộc Bộ TT-TT, do bị can Nguyễn Trọng Đường làm giám đốc (sau này là Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính).

VNCERT có nhiệm vụ chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về ứng cứu sự cố máy tính và an toàn thông tin mạng theo phân công của Bộ trưởng; chủ trì điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố máy tính và an toàn thông tin mạng trên toàn quốc…

VNCERT được Bộ TT-TT giao cho lập và trình bộ phê duyệt dự án mua sắm trang thiết bị và thuê dịch vụ kỹ thuật nhằm theo dõi, phân tích sự cố, tấn công an toàn thông tin mạng trên một số kênh kết nối internet quốc tế. Tổng mức đầu tư là 95 tỷ đồng.

Quá trình triển khai dự án, trong đó có gói thầu số 8 đầu tư mua sắm hệ thống thiết bị, phần mềm, theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Các bị can thuộc chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định giá, đơn vị tư vấn đã thực hiện những hành vi thông đồng, gian lận trong đấu thầu, vi phạm quy định về đấu thầu, để AIC trúng thầu và gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 17 tỷ đồng.

Nguyễn Trọng Đường, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ TT-TT).
Nguyễn Trọng Đường, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ TT-TT).


Cơ quan công tố cáo buộc, trong vụ án, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn có vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu. Chủ tịch HĐQT AIC đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới là Nguyễn Văn Thế (Trưởng ban Kỹ thuật 7 thuộc AIC); Đỗ Văn Sơn (Trưởng ban 2 thuộc AIC) và nhân viên dưới quyền, thông đồng, cấu kết với chủ đầu tư để tạo điều kiện cho AIC trúng thầu; gian lận trong việc lập hồ sơ dự thầu.

Bị can Nguyễn Trọng Đường là đại diện chủ đầu tư nhưng đã chỉ đạo cấp dưới trực tiếp là Ngô Quang Huy, Trần Nguyên Chung, Nguyễn Thị Ánh Hồng thực hiện hành vi thông thầu.

Cũng theo cáo trạng, tại giai đoạn tư vấn lập dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo Nguyễn Văn Thế liên hệ với các hãng bán hàng hỏi giá các thiết bị theo danh mục của VNCERT, cộng thêm 40% để ra giá dự toán, đưa vào báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

Sau khi VNCERT phát hành hồ sơ mời thầu, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo Đỗ Văn Sơn đề xuất phần tài chính tham gia gói thầu cho AIC là 70 tỷ đồng; chỉ định Công ty Cổ phần Mopha (thuộc hệ sinh thái AIC) làm quân xanh. Quá trình lập hồ sơ dự thầu, để đảm bảo hồ sơ năng lực của AIC đáp ứng các yêu cầu của gói thầu số 8, AIC đã làm khống các tài liệu về hợp đồng lao động với một số nhân sự nhằm thể hiện năng lực chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ thông tin (tăng thời gian làm việc của nhân sự chủ chốt).

Mặc dù AIC không đáp ứng yêu cầu đánh giá về năng lực hợp đồng và nhân sự chủ chốt nhưng nhóm bị can chủ đầu tư vẫn lập báo cáo đánh giá AIC là nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và được tham gia mở hồ sơ đề xuất tài chính. Sau đó, đại diện chủ đầu tư, bị can Nguyễn Trọng Đường đã ký quyết định phê duyệt AIC là nhà thầu trúng thầu.

Sau khi đấu thầu, bị can Nguyễn Trọng Đường đã nhận của AIC số tiền 1 tỷ đồng và giao cho Dương Thị Minh (Kế toán trưởng VNCERT), chia cho các thành viên tham gia dự án vào dịp Tết Nguyên đán năm 2019.

Với số tiền trên, cơ quan công tố cáo buộc, bị can Đường nhận 200 triệu đồng. Trong vụ án, một số bị can khác nhận từ 20 đến 50 triệu đồng. Đến nay, cơ quan điều tra đang tạm giữ số tiền 1,5 tỷ đồng của các bị can và kê biên 3 căn nhà để đảm bảo thi hành án sau này.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.