.

Công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến quan trọng

Cập nhật: 17:20, 24/12/2024 (GMT+7)
(ABO) Ngày 24-12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì hội nghị.
 
Tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành, địa phương tham dự hội nghị. 
 
Sau 5 năm thi hành Luật PCTN, công tác PCTN đã có bước tiến quan trọng, mạnh mẽ với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt kết quả tích cực, toàn diện, đồng bộ; được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao. Tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm.
 
Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo và thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác PCTN, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh PCTN với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng.
 
Kết quả tích cực của công tác PCTN đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
 
Lãnh đạo dự tại điểm cầu Tiền Giang.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang.
 
Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật PCTN cho thấy, những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị. Hành lang pháp lý đã được củng cố, tạo ra một nền tảng vững chắc cho cuộc chiến chống tham nhũng. Các cơ quan chức năng đã triển khai hàng triệu cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý hàng nghìn vụ việc vi phạm, thu hồi số tiền và diện tích đất đáng kể. Điều này không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị cao mà còn góp phần quan trọng vào việc làm trong sạch bộ máy nhà nước, tăng cường niềm tin của nhân dân.
 
Trong kỳ, toàn ngành Thanh tra đã triển khai hơn 37.000 cuộc thanh tra hành chính và hơn 935.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra góp phần chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 658.383 tỷ đồng, 28.321 ha đất; kiến nghị thu hồi 558.977 tỷ đồng, 5.516 ha đất; ban hành 599.203 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân với số tiền 27.325 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 12.934 tập thể và 15.873 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 1.714 vụ, 1.334 đối tượng.
 
Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính nhà nước tiếp nhận 1.178.622 đơn các loại; đã xử lý 1.133.558 đơn. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 78.448 tỷ đồng, 226 ha đất; khôi phục đảm bảo quyền lợi cho 1.199 tổ chức, 3.225 cá nhân; kiến nghị xử lý 2.583 người; chuyển cơ quan xử lý 123 vụ, 140 đối tượng.
 
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác PCTN vẫn còn có những hạn chế nhất định. Tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp với tính chất nghiêm trọng hơn cả về số lượng tài sản tham nhũng và chức vụ, quyền hạn của người có hành vi tham nhũng; hiệu quả một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa cao. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát vẫn còn thấp; giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn lớn. Các quy định của pháp luật về xử lý người có hành vi tham nhũng còn chưa đủ mạnh, chưa đủ chế tài, sức răn đe nên chưa thực sự phát huy hiệu quả trong công tác phòng ngừa tham nhũng nói riêng, PCTN nói chung…
 
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.
 
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề nghị trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương xác định rõ, PCTN, tiêu cực là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong đó, cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN nói riêng. Ưu tiên triển khai ngay việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về bộ máy nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức cùng với quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương qua tổng kết thực hiện Nghị quyết 18.
 
Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, tăng cường giáo dục "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong PCTN.
 
Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN, tiêu cực theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo. Tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực…
HÀ NAM
 
.
.
.