.

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng: "Nhận biếu 300.000 USD là sai lầm của đời tôi"

Cập nhật: 20:01, 07/01/2025 (GMT+7)

“Đây là một sai lầm trong cuộc đời tôi”, bị cáo Nhưỡng phân trần trước tòa và cho rằng bản thân chưa bao giờ gợi ý việc tiền bạc trong các vụ việc mà người dân, hay doanh nghiệp đề nghị giúp đỡ.

Chiều 7-1, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Lưu Bình Nhưỡng (sinh năm 1963, trước khi bị bắt là đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội) và 4 đồng phạm trong vụ án "Cưỡng đoạt tài sản" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã bắt đầu thẩm vấn, xét hỏi các bị cáo và những người có liên quan vụ án.

Trước tòa, trả lời HĐXX, các bị cáo Phạm Minh Cường (sinh năm 1986, thường gọi là Cường "quắt", ở xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, Thái Bình) và Vũ Đăng Phương (sinh năm 1976, ở xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy) thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng. Trong khi đó, bị cáo Nhưỡng xin giữ nguyên như lời khai tại cơ quan điều tra, không bổ sung thêm.

a
Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng và 4 bị cáo tại phiên tòa xét xử

Tuy nhiên, khi trả lời đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình về việc hưởng lợi 300.000 USD khi “can thiệp” cho Công ty Mạnh Đức được phê duyệt thực hiện dự án Quế Võ III của tỉnh Bắc Ninh, bị cáo Nhưỡng thừa nhận hành vi nhận tiền biếu là sai lầm nên sau đó đã cùng gia đình khắc phục.

“Đây là một sai lầm trong cuộc đời tôi”, bị cáo Nhưỡng phân trần trước tòa và cho rằng bản thân chưa bao giờ gợi ý việc tiền bạc trong các vụ việc mà người dân, hay doanh nghiệp đề nghị giúp đỡ, vì “đây là phong cách trong suốt cả cuộc đời tôi”.

Liên quan việc “can thiệp” tới lãnh đạo TP Hải Phòng để giải quyết theo hướng có lợi cho ông Bùi Văn Thao, bị cáo Nhưỡng biện minh là việc rất bình thường của đại biểu Quốc hội và không nhằm tư lợi bộ cổng gỗ lim trị giá 75 triệu đồng được lắp tại nhà thờ tổ của ông Nhưỡng ở Thái Bình, vì "đây là tặng cho nhà thờ chứ không tặng cho cá nhân tôi".

Theo cáo trạng vụ án, từ năm 2020 đến năm 2023, các bị cáo trên đã gây ra các vụ cưỡng đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra tại các tỉnh: Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Nội. Trong đó, bị cáo Nhưỡng có vai trò trong 5 vụ việc.

Vụ đầu tiên là tháng 5 và 6-2021, Cường “quắt” đến gặp và nói cho ông Nhưỡng biết việc Cường dùng thủ đoạn để lấy tiền của Công ty TNHH Sao Đỏ khi khai thác mỏ cát tại khu vực biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy và nhờ ông Nhưỡng can thiệp để tạo điều kiện cho Cường làm ăn thuận lợi.

Sau vụ việc này, ông Nhưỡng được Cường bán cho 30ha bãi triều với giá khoảng 1,2 tỷ đồng (chỉ lấy 900 triệu đồng). Sau đó, ông Nhưỡng giao diện tích này cho Cường quản lý, khai thác, còn vợ chồng ông Nhưỡng thu tiền. Để tạo điều kiện cho Cường, ông Nhưỡng đã điện thoại đến một số cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình can thiệp, gây thanh thế, tạo điều kiện cho Cường tiếp tục cưỡng đoạt tài sản.

a
Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng trả lời trước tòa

Trong một vụ khác, vào tháng 12-2020 và tháng 5-2021, ông Nhưỡng lấy tư cách đại biểu Quốc hội ký văn bản gửi lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, Chánh án, Viện trưởng Viện kiểm sát và Giám đốc Công an TP Hải Phòng can thiệp để giải quyết theo hướng có lợi cho ông Bùi Văn Thao (ở Hải Phòng) và sau đó hưởng lợi bộ cánh cổng gỗ lim trị giá 75 triệu đồng và 1 lô đất trị giá 160 triệu đồng.

Cũng trong năm 2021, ông Nhưỡng lấy tư cách đại biểu Quốc hội đã “can thiệp” đến Chính phủ để Công ty Mạnh Đức được phê duyệt thực hiện dự án Quế Võ III của tỉnh Bắc Ninh và đã được hưởng lợi 300.000 USD. Tiếp đó, từ tháng 7 tới tháng 10-2023, ông Nhưỡng thời điểm này là Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã gọi điện, ký văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp để Công ty CP Trường Sinh sớm được cấp phép khai thác dự án đồi Bắc Sơn và đã hưởng lợi 210 triệu đồng.

Trong khi đó, bị cáo Lê Thanh Vân đã ký 4 văn bản can thiệp gửi đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ để cho Công ty TNHH dịch vụ vận tải Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36ha ở Quảng Ninh; qua đó hưởng lợi 1 lô đất ở Đông Anh (Hà Nội) trị giá hơn 1,8 tỷ đồng và 1.000 m2 đất tại dự án 36ha.

Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài trong 1 tuần.

Theo sggp.org.vn

.
.
.