.

Quyết liệt giảm nguồn "cầu" về ma túy để mang lại an toàn cho xã hội

Cập nhật: 10:05, 03/01/2025 (GMT+7)

Mặc dù kết quả phòng, chống ma túy thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song cuộc đấu tranh này vẫn chưa căn cơ do nguồn “cung”, nguồn “cầu” hiện vẫn lớn. Việc đưa ra các giải pháp giảm “cầu” về ma túy là yêu cầu cấp thiết, trong tình hình mới.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đồng chủ trì, phối hợp Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) đấu tranh, phá đường dây vận chuyển ma túy từ Campuchia, Lào về Việt Nam.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đồng chủ trì, phối hợp Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) đấu tranh, phá đường dây vận chuyển ma túy từ Campuchia, Lào về Việt Nam.


Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết: Từ năm 2022 đến nay, lực lượng công an chủ trì, phối hợp lực lượng chức năng phát hiện, đấu tranh hơn 67.000 vụ, bắt giữ hơn 105.000 đối tượng, thu giữ gần 1,6 tấn heroin, hơn 1,7 tấn cần sa, 7 triệu viên ma túy tổng hợp... Kết quả nêu trên cho thấy, cơ bản việc đấu tranh chặn nguồn cung ma túy đã được lực lượng chức năng làm tốt, kiểm soát được nguồn “cung” ma túy từ bên ngoài lãnh thổ xâm nhập vào nước ta, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.

Nguồn “cầu” ngoài cộng đồng còn cao

Theo số liệu từ C04, tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện ma túy tính đến tháng 10-2024 là hơn 228.200. Tuy nhiên, Trung tướng Nguyễn Văn Viện đã chỉ ra thực tế: Nhiều người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy được phát hiện qua các vụ án, vụ việc, kế hoạch kiểm tra chuyên đề… nhưng không nằm trong danh sách quản lý của địa phương. Năm 2023, toàn quốc phát hiện gần 35.300 đối tượng dương tính với ma túy thông qua công tác bắt giữ, trong đó có hơn 6.200 đối tượng (chiếm 18%) có trong danh sách quản lý, hơn 29.000 đối tượng (chiếm 82%) không nằm trong danh sách quản lý.

Với số lượng người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy như hiện nay, nhất là số người nghiện, nghi nghiện ngoài cộng đồng còn cao, được xác định là nguồn “cầu” tiêu thụ ma túy lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, nguồn lực lao động, gây thiệt hại lớn cho kinh tế. Ma túy thường là xuất phát điểm dẫn đến các loại tội phạm khác (trộm cắp, cướp, cướp giật, cố ý gây thương tích, giết người...). Hiện, có hơn 900 đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp trong thời gian dài dẫn đến rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi. Đã có những trường hợp “ngáo đá” giết cả người thân trong gia đình. Thực trạng này gây mất an ninh trật tự tại các địa phương, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút đầu tư quốc tế của nước ta.

Tình hình tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng trái phép ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về an ninh trật tự. Thời gian gần đây, nổi lên tình trạng các đối tượng thuê, sử dụng nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, căn hộ chung cư, resort nghỉ dưỡng cao cấp để tổ chức sử dụng trái phép ma túy. Cả nước hiện có 126 điểm và 4 tụ điểm phức tạp về ma túy, 4 điểm phức tạp về ma túy hoạt động trên không gian mạng, 2.787 cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ nhạy cảm tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy; gần 4.000 đối tượng bán lẻ ma túy. Tình trạng sử dụng “bóng cười” và ma túy “núp bóng”, tẩm ướp, pha trộn vào thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử... gia tăng phức tạp, nhất là trong thanh, thiếu niên, tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về an ninh, trật tự.

Bên cạnh đó, năng lực tổ chức cai nghiện của các cơ sở cai nghiện đang không đáp ứng nhu cầu thực tế. Cả nước hiện có 97 cơ sở cai nghiện công lập mới đáp ứng được 60% nhu cầu so với thực tiễn. Nhiều cơ sở xuống cấp; nhiều cơ sở được giao đa chức năng (nuôi dưỡng cả đối tượng tâm thần). Chỉ có 50% số cơ sở cai nghiện công lập đáp ứng được cơ sở vật chất theo quy định; trong khi, chưa có chính sách cụ thể để thu hút các tổ chức, tư nhân đầu tư vào công tác cai nghiện. Mới chỉ có 13 cơ sở tư nhân, quy mô còn rất nhỏ tham gia vào công tác cai nghiện ma túy.

Giảm “cầu” mới cắt được “cung”

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần thống nhất về nhận thức và đồng bộ trong hành động, nhất là phải nâng cao hiệu quả vai trò quản lý, đấu tranh, cắt “cung”, giảm “cầu”, giảm tác hại; làm tới cùng, triệt để, không cắt khúc, phải bằng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xã hội vào cuộc mới đạt được hiệu quả, mang lại bình yên, an toàn cho xã hội, đất nước. Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến khẳng định, việc đưa ra các giải pháp giảm cầu về ma túy là yêu cầu cấp thiết, đặc biệt quan trọng đối với phòng, chống ma túy trong tình hình mới. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng: Hệ thống chính trị ở các cấp phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, điều này có tác dụng rất lớn đến kết quả “thôn, bản, xóm, xã, phường không ma túy”. Cùng với đó, cần đầu tư nguồn lực cho hoạt động phòng, chống ma túy, kéo giảm nguồn cầu về ma túy.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang đã nhấn mạnh 4 nội dung lớn, đồng thời chỉ ra 6 nhiệm vụ cần làm ngay trong lực lượng Công an nhân dân, cụ thể: Tổng rà soát thống kê số người nghiện ma túy trên toàn quốc; Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội chỉ đạo lực lượng cảnh sát khu vực, công an xã nhập dữ liệu những người nghiện ma túy lên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong phòng, chống ma túy; Chủ trì bảo đảm rút ngắn thời gian xác minh thông tin đối tượng nghiện ma túy không quá 3 giờ, tạo thuận lợi tối đa cho công an các địa phương hoàn thành thủ tục đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện.

Bộ trưởng Lương Tam Quang yêu cầu, cần đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy theo hướng mở rộng triệt phá toàn bộ đường dây, không đánh khúc giữa, làm rõ nguồn cung, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chứa chấp, sản xuất, tàng trữ, mua bán, truy tận gốc, xử lý nghiêm, không để xảy ra tình trạng cắt khúc, bắt gì xử đó. Lực lượng công an phối hợp chặt chẽ Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp, không để bị can phạm tội về ma túy bỏ trốn trong quá trình điều tra; nghiên cứu kiến nghị thay đổi, chỉnh sửa luật liên quan đến phòng, chống ma túy nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa...

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Công an, tại hội nghị giao ban trực tuyến thực hiện Kế hoạch 483/KH-BCA-C04 của Bộ Công an về cao điểm tổng rà soát, phát hiện, thống kê, quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện ma túy và đấu tranh, triệt xóa điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy (Kế hoạch 483), Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Long nhấn mạnh: Nếu cứ tập trung giải quyết nguồn “cung” thì không bao giờ giải quyết được cái gốc của công tác phòng, chống ma túy. Do vậy, phải giảm nguồn “cầu” mới cắt được nguồn cung.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long khẳng định: Công an các địa phương phải bám sát phương châm đấu tranh với tội phạm ma túy, giải quyết, bóc gỡ các đường dây mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia, theo tinh thần là từng khu phố phải sạch; rà từng khu phố, rà từng địa bàn xã, phường để xác định đối tượng nghiện, đối tượng nghi nghiện, đối tượng sử dụng, nghi sử dụng, đối tượng bán lẻ, điểm bán lẻ, tụ điểm bán lẻ để triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xử lý triệt để hoặc làm tan rã. Công an các địa phương “chỉ đi một hàng, tinh thần trên dưới một lòng, dọc ngang thông suốt”. Nếu địa phương để tồn tại những bất cập mà lãnh đạo Bộ đã nêu thì lãnh đạo công an tỉnh phải chịu trách nhiệm, trưởng công an quận, huyện phải bị xử lý kỷ luật ■

(Theo nhandan.vn)

.
.
.