Tiền Giang: Chuyển biến trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông
Mặc dù tình hình tai nạn giao thông (TNGT) vẫn còn diễn biến phức tạp, song với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) tại Tiền Giang trong năm 2024 đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, TNGT giảm cả số vụ tai nạn và số người tử vong so với năm 2023
NỖ LỰC ĐẢM BẢO TTATGT
Theo số liệu thống kê từ Ban ATGT tỉnh Tiền Giang, trong năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 340 vụ TNGT (bao gồm cả đường bộ và đường thủy nội địa), làm 220 người tử vong và 202 người bị thương. So với năm 2023, số vụ tai nạn giảm 2% (giảm 7 vụ), số người tử vong giảm 12,6% (giảm 32 người), tuy nhiên số người bị thương tăng 35,5% (tăng 53 người).
Lực lượng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang quyết liệt xử lý vi phạm giao thông. |
Theo phân tích của Ban ATGT tỉnh Tiền Giang về tình hình TNGT đường bộ, toàn tỉnh xảy ra 338 vụ, làm 219 người tử vong và 202 người bị thương. So với năm 2023, số vụ giảm 1,4% và số người tử vong giảm 13%.
Đáng chú ý là so với năm 2013, số vụ TNGT liên quan đến nồng độ cồn giảm từ 105 vụ còn 90 vụ, số người tử vong giảm từ 78 người còn 63 người, số người bị thương giảm từ 58 người còn 57 người. Tuy nhiên, đáng lo ngại là TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh vẫn ở mức cao, với 46 vụ, làm 17 người tử vong và 23 người bị thương. Mặc dù số vụ có giảm 4 vụ so với năm 2023, nhưng số người tử vong, bị thương đều tăng lần lượt 1 người và 4 người.
Phân tích chi tiết về mức độ nghiêm trọng của các vụ TNGT cho thấy, va chạm giao thông chiếm 38,7% tổng số vụ (với 131 vụ, tăng 99 vụ so với năm 2023). TNGT nghiêm trọng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,9% (196 vụ), gây ra 89,5% số người tử vong. Đặc biệt, năm 2024 ghi nhận 1 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 3 người tử vong và 2 người bị thương.
Trong công tác xử lý vi phạm năm 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã xuất quân 21.359 cuộc với 71.207 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia (tăng 1.591 cuộc và 7.784 lượt cán bộ, chiến sĩ so với năm 2023). Kết quả, đã phát hiện và xử lý 74.783 vụ vi phạm TTATGT, tăng 27.519 vụ so với năm trước, thu nộp ngân sách nhà nước 161,226 tỷ đồng tiền phạt, tăng 72,064 tỷ đồng so với năm 2023.
Đặc biệt, trong công tác xử lý vi phạm theo các nhóm chuyên đề, lực lượng chức năng đã tập trung xử lý mạnh các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn và ma túy. Cụ thể, trên đường bộ đã phát hiện và xử lý 17.889 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (tăng 7.834 trường hợp so với năm 2023) và 49 trường hợp vi phạm về ma túy (tăng 42 trường hợp).
Trên đường thủy nội địa, phát hiện và xử lý 7 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng 7 trường hợp so với năm trước. Đối với nhóm học sinh, lực lượng đã phát hiện và xử lý 1.873 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt lên đến 937 triệu đồng.
QUYẾT TÂM XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG GIAO THÔNG AN TOÀN
Mặc dù số vụ xử phạt vi phạm giao thông có tăng, TNGT vẫn chưa được cải thiện như mong muốn, nhất là TNGT trên các tuyến đường nông thôn đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân chính là do hệ thống hạ tầng ATGT chưa được đầu tư đồng bộ...
Trong bối cảnh này, TX. Cai Lậy nổi lên như một điểm sáng với số vụ TNGT giảm liên tục trong 2 năm qua. Chủ tịch UBND TX. Cai Lậy Trần Văn Thức cho biết: “Thành công này có được nhờ sự phối hợp đồng bộ của nhiều giải pháp. Trong đó, TX. Cai Lậy đã tập trung mạnh vào công tác tuyên truyền trong trường học, tổ chức cho học sinh ký cam kết và vận động người dân chấp hành pháp luật giao thông. Đồng thời, thực hiện thường xuyên, kịp thời công tác duy tu, sửa chữa các tuyến đường”.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác đảm bảo TTATGT năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 và cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 vào chiều 10-1, Đại tá Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đề nghị các đơn vị, địa phương cần tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của các cấp như các chỉ thị 23, 31, 10 và Chỉ thị 35 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý cán bộ, công chức và Lực lượng vũ trang vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Đặc biệt, đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải nêu gương trong việc chấp hành các quy định về ATGT.
Lực lượng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang quyết liệt xử lý vi phạm giao thông. |
“Khi các chỉ thị, quy định mới được ban hành, nhiều người có thể cảm thấy bỡ ngỡ so với thói quen sinh hoạt trước đây. Tuy nhiên, qua thời gian, những quy định này sẽ dần đi vào nền nếp và tạo thành thói quen tốt trong văn hóa giao thông. Bên cạnh đó, cần phải làm rõ là không cấm việc sử dụng rượu, bia, mà cấm điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia. Đây là quy định nhằm bảo vệ tính mạng của chính người tham gia giao thông và cộng đồng.
Thực tế cho thấy, đã có những vụ việc đáng tiếc xảy ra do điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia dẫn đến TNGT nghiêm trọng. Điều này càng khẳng định tính đúng đắn và cần thiết của việc thực thi nghiêm các quy định xử phạt giao thông liên quan nồng độ cồn và Công an tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, Đại tá Nguyễn Văn Nhựt cho biết.
Cũng tại Hội nghị tổng kết công tác đảm bảo TTATGT năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 và cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng nhấn mạnh, TNGT là vấn đề đáng quan ngại hàng đầu, thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra.
Theo đó, tỉnh đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp cấp bách, đặc biệt là việc đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, chú trọng hệ thống chiếu sáng và mở rộng các tuyến đường tại các “điểm đen” về TNGT.
Đồng chí Trần Văn Dũng cũng chỉ ra 4 thách thức lớn cần tập trung giải quyết, đó là sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện giao thông trong khi hạ tầng chưa đáp ứng kịp nhu cầu thực tế; ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người dân còn hạn chế; lực lượng đảm bảo TTATGT chưa đủ để bao phủ toàn địa bàn; nguồn kinh phí đầu tư cho công tác đảm bảo TTATGT còn thiếu.
Đối với nhiệm vụ trọng tâm trong đảm bảo TTATGT thời gian tới, đồng chí Trần Văn Dũng yêu cầu tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò của Chủ tịch UBND các cấp trong công tác đảm bảo TTATGT.
Đồng thời, cần đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục và xử lý vi phạm, đảm bảo nguồn lực về nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra. Mục tiêu cụ thể đặt ra là phải giảm cả 3 tiêu chí: Số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương trong năm 2025.
Với những nỗ lực không ngừng và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tin rằng Tiền Giang sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong công tác đảm bảo TTATGT trong năm 2025, góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh cho người dân.
TUẤN LÂM