Tiền Giang: Ghi nhận 25 vụ giả danh, mạo danh cán bộ, đơn vị Quân đội nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
Cập nhật: 19:00, 13/01/2025 (GMT+7)
(ABO) Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xuất hiện tình trạng các đối tượng mạo danh cán bộ công tác tại các cơ quan, đơn vị Quân đội để gọi điện, nhắn tin đến các cửa hàng, cơ sở kinh doanh hỏi mua hàng với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tinh vi.
Trong năm 2024, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Tiền Giang đã ghi nhận trên địa bàn tỉnh xảy ra 25 vụ giả danh, mạo danh cán bộ, đơn vị Quân đội nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; trong đó, có 8 vụ đối tượng thực hiện thành công, tổng thiệt hại tài sản của người dân với số tiền 826 triệu đồng. Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi hình thức lừa đảo này trên các phương tiện thông tin đại chúng; đại đa số người dân đã đề cao cảnh giác, tuy nhiên vẫn còn một số người dân do chủ quan nên bị thiệt hại, trong đó có 2 vụ bị thiệt hại nặng, với tổng số tiền 618 triệu đồng, cụ thể:
Vụ thứ nhất, khoảng 16 giờ ngày 22-12-2024, có 1 đối tượng sử dụng thuê bao di động 0354712325 liên lạc đến Sạp khô Thanh - Phụng (Địa chỉ: Ki ốt 33, Trưng Trắc, phường 1, TP. Mỹ Tho, do anh Lê Thanh Tuấn, sinh năm 1980 làm chủ) tự xưng là: “Trần Ánh Nguyệt” là nhân viên nấu ăn thuộc Phòng Hậu cần - Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang gửi yêu cầu kết bạn Zalo và đặt hàng 5 kg tôm khô, trị giá 2.250.000 đồng (có gửi kèm hình ảnh “Báo cáo kê mua hàng” và “Giấy ra vào cổng” giả con dấu, chữ ký của Đại tá Phạm Văn Thanh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh), hẹn giao hàng lúc 16 giờ ngày 23-12-2024 tại cổng Bộ CHQS tỉnh (số 1, Hùng Vương, phường 1, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).
Bảng kê mua hàng do đối tượng lừa đảo cung cấp cho người bán hàng đều giả mạo con dấu và chữ ký của Bộ CHQS tỉnh. |
Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 23-12-2024, đối tượng tiếp tục liên hệ nhờ anh Tuấn mua giúp 1.600 hộp thịt gà cắt lát hiệu Chiken Luncheon Meat và 1 chai rượu Chivas 50 (gửi kèm hình ảnh 2 “Báo cáo kê mua hàng” giả con dấu, chữ ký của Đại tá Phạm Văn Thanh). Đồng thời, gửi số thuê bao di động 0362559999 để liên hệ đặt hàng và cam kết sẽ thanh toán toàn bộ bằng tiền mặt khi giao hàng.
Sau khi liên lạc, đối tượng tự xưng làm việc tại “Công ty Home Farm” báo giá tổng số tiền hàng là 372 triệu đồng (thịt gà đóng hộp là 120.000 đồng/hộp và rượu Chivas 50 là 180 triệu đồng/chai) và yêu cầu chuyển khoản đặt cọc trước 322.000.000 đồng vào 2 số tài khoản gồm: 687888666 - Ngân hàng Nam Á; 687888666 - Agribank, cùng chung người thụ hưởng: “CÔNG TY TNHH XNKVN”; đồng thời, hẹn sẽ cùng giao hàng tại vị trí nêu trên.
Bảng kê mua hàng do đối tượng lừa đảo cung cấp cho người bán hàng đều giả mạo con dấu và chữ ký của Bộ CHQS tỉnh. |
Đến khoảng 14 giờ ngày 23-12-2024, do đối tượng liên tục điện thoại yêu cầu giao hàng, nên anh Tuấn đã chuyển khoản số tiền 324 triệu đồng vào 2 số tài khoản trên lần lượt là 144 triệu đồng và 180 triệu đồng.
Vụ thứ hai, vào khoảng 11 giờ ngày 31-12-2024, có 1 đối tượng sử dụng thuê bao di động 0366131364 liên lạc đến Cửa hàng Hữu Nên (Địa chỉ: 484, ấp Hòa Lạc Trung, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang do ông Đỗ Hữu Nên, sinh năm 1975 làm chủ) tự xưng: “Đoàn Hải Kiều” là cán bộ Hậu cần - Ban CHQS TP. Mỹ Tho; gửi yêu cầu kết bạn Zalo và đặt hàng 20 con gà giá 3.762.000 đồng (có gửi kèm hình ảnh “Báo cáo kê mua hàng” giả con dấu, chữ ký tên Thượng tá Huỳnh Minh Mừng), hẹn giao hàng lúc 14 giờ ngày 31-12-2024 tại cổng Ban CHQS TP. Mỹ Tho (Quốc lộ 50).
Khoảng 30 phút sau, đối tượng tên “Đoàn Hải Kiều” tiếp tục liên hệ nhờ ông Nên mua giúp 3.000 hộp thịt gà cắt lát hiệu Chiken Luncheon Meat (gửi kèm hình ảnh “Báo cáo kê mua hàng” giả con dấu, chữ ký tên Thượng tá Huỳnh Minh Mừng). Đồng thời, gửi số thuê bao di động 0586349999 để liên hệ đặt hàng và cam kết sẽ thanh toán toàn bộ bằng tiền mặt khi giao hàng.
Sau khi liên lạc, đối tượng tự xưng làm việc tại “Công ty Home Farm” báo giá tổng số tiền hàng là 246 triệu đồng và yêu cầu chuyển khoản thanh toán vào số tài khoản: 9282648821000 - Ngân hàng Nam Á, người thụ hưởng: “CÔNG TY TNHH XNKVN”; đồng thời, hẹn sẽ cùng giao hàng tại cổng Ban CHQS TP. Mỹ Tho. Đến khoảng 13 giờ cùng ngày, do đối tượng liên tục điện thoại yêu cầu giao hàng nên ông Nên đã chuyển khoản số tiền 246 triệu đồng vào số tài khoản trên theo yêu cầu đối tượng.
Cả 2 vụ việc trên, khi người bán hàng đến nơi hẹn để giao hàng, liên hệ với số điện thoại của người mua hàng thì tất cả đều không liên lạc được.
Sau khi tiếp nhận thông tin, các cơ quan chuyên môn của Bộ CHQS tỉnh đã thông báo cho người bị hại biết về thủ đoạn mạo danh lừa đảo của các đối tượng. Đồng thời, hướng dẫn người bị hại liên hệ với ngân hàng và Công an địa phương để trình báo vụ việc.
Hình ảnh hàng hóa của đối tượng lừa đảo gửi cho người bán hàng nhờ đặt mua giúp. |
Về phương thức, thủ đoạn chủ yếu: Sử dụng thuê bao di động tự xưng là cán bộ Quân đội, liên lạc đến các chủ cửa hàng, đại lý kinh doanh để mua sản phẩm và yêu cầu giao đến các cơ quan, đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn. Quá trình đặt hàng có yêu cầu một số sản phẩm không phổ biến trên thị trường hoặc cửa hàng, đại lý không kinh doanh, cung cấp số điện thoại (nhận định là đồng phạm) đề nghị chủ cửa hàng liên lạc để đặt giúp, nhằm thuận lợi cho quá trình thanh toán, quyết toán. Sau khi liên lạc số điện thoại đã được cung cấp thì đối tượng yêu cầu đặt cọc bằng hình thức chuyển khoản mới giao hàng dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản. Đáng chú ý, để tăng độ tin tưởng các đối tượng sử dụng Zalo có ảnh đại diện người mang, mặc quân phục Quân đội để trao đổi thông tin với chủ cửa hàng và cung cấp các phiếu “Kiểm kê mua hàng và duyệt chi” giả, chữ ký và con dấu của cơ quan có liên quan.
Ngày 18-12-2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng; trong đó, quy định nếu khách hàng chuyển tiền trên 10 triệu đồng mỗi lần giao dịch buộc phải xác thực sinh trắc học; các đối tượng lừa đảo bắt đầu có hình thức lách sang việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng tổ chức (doanh nghiệp, công ty, hội, nhóm…) dẫn đến xuất hiện tình trạng nhiều khách hàng tổ chức mới thành lập và chung người đại diện, đều đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử (Internet banking) và chỉ giao dịch trên kênh ngân hàng điện tử, số lượng giao dịch lớn, tiền chuyển đi ngay (do là khách hàng tổ chức nên không có bước xác thực sinh trắc học - Face ID, gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong xác minh, truy vết).
Việc mạo danh cán bộ, đơn vị Quân đội thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản xảy ra trong thời gian vừa qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của Quân đội nói chung và Lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh nói riêng, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Trong thời gian tới, khả năng các đối tượng sẽ tiếp tục sử dụng phương thức, thủ đoạn lừa đảo này để tiến hành các hoạt động phạm tội. Các tổ chức, cá nhân khi gặp các trường hợp tương tự, cần nêu cao cảnh giác, xác minh kỹ thông tin, đồng thời trình báo ngay với cơ quan chức năng.
THANH LÂM - HÀ NAM