Tiền Giang: Chung tay giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng
Với vai trò nòng cốt trong công tác hỗ trợ, giúp đỡ những người lầm đường lạc lối, tái hòa nhập cộng đồng, thời gian qua, lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng kế hoạch, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác này.
Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
![]() |
Công an xã Tân Phú và các ban, ngành, đoàn thể xã thăm hỏi, động viên ông Lê Văn Tỏ. Ảnh: Thanh Việt |
Tại xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương được Công an xã tổ chức triển khai thực hiện với nhiều biện pháp phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng, bảo đảm an ninh, trật tự địa phương.
Thiếu tá Đoàn Ngọc Ẩn, Phó trưởng Công an xã Cẩm Sơn cho biết: Xã Cẩm Sơn có 9 trường hợp chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Thời gian qua, Công an xã Cẩm Sơn đã tham mưu cho UBND xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp Công an xã quản lý, giáo dục, giúp đỡ; đến tận nhà để tìm hiểu, có biện pháp cụ thể, thiết thực.
Tùy từng hoàn cảnh mà có hướng giúp đỡ phù hợp, như Hội Nông dân giúp các trường hợp tìm việc làm ổn định. Cụ thể, có 2 trường hợp vay vốn theo Quyết định 22 của Chính phủ, mỗi trường hợp 100 triệu đồng để phát triển kinh tế. Đến nay, cả 9 trường hợp đều chấp hành tốt, có việc làm ổn định.
Đơn cử như anh Nguyễn Huy Cường, cư trú ấp 4, xã Cẩm Sơn. Năm 2024, anh Cường trở về địa phương nhưng không có đất canh tác, không việc làm. Được sự động viên của gia đình cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện từ các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là lực lượng Công an, Hội Cựu chiến binh xã Cẩm Sơn động viên, tư vấn pháp luật, giới thiệu việc làm, hướng dẫn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh quyết tâm làm lại cuộc đời.
Với số vốn được vay 100 triệu đồng, anh Cường mở quán giải khát tại nhà, đầu tư 2 bàn bi da. Ban ngày, anh cùng vợ trông quán, vận chuyển, giao hàng… Buổi tối, anh đi làm thuê cho một vựa mít để kiếm thêm thu nhập. Hiện nay, anh Cường có thu nhập ổn định, từ 8 - 10 triệu đồng/tháng.
Trên địa bàn xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng được các ban, ngành, đoàn thể, các cơ sở, cá nhân tham gia tích cực. Qua đó, kịp thời giúp đỡ những người lầm lỡ xóa bỏ tự ti, mặc cảm trở thành công dân lương thiện. Điển hình như ông Nguyễn Văn Trường, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ấp Tân Xuân, xã Tân Phú.
Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, ông Trường thường xuyên cùng lực lượng Công an xã tuyên truyền tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với những người chấp hành xong án phạt tù, định hướng khuyến khích mọi người hỗ trợ, giúp đỡ, không kỳ thị, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng.
Năm 2024, trên địa bàn xã Tân Phú có 4 trường hợp chấp hành xong án phạt tù về địa phương, ông Trường cùng lực lượng Công an, các đoàn thể trực tiếp đến nhà thăm hỏi, động viên. Ngoài ra, ông Trường còn phối hợp Hội Nông dân xã tìm việc làm, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn chăn nuôi, trồng trọt, mua bán; đến nay, cả 4 trường hợp đều có cuộc sống ổn định.
Ông Trường cho biết, bản thân không hề nghĩ ngợi gì khi giúp đỡ người sai phạm trở lại gia nhập cộng đồng, làm ăn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Nhờ sự giúp đỡ của ông Trường mà ông Lê Văn Tỏ, cư trú ấp Tân Xuân, xã Tân Phú mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình. Sau khi được hỗ trợ vay 60 triệu đồng, ông Tỏ cùng gia đình mở rộng vựa nông sản tại TP. Hồ Chí Minh, kinh tế ngày càng phát triển.
Để thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, ngoài sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ chính quyền các cấp, rất cần sự chung tay của cộng đồng, xã hội và gia đình để những người trót lầm lỡ có thêm niềm tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, ý chí, quyết tâm làm lại cuộc đời của người tái hòa nhập cộng đồng rất quan trọng. Bản thân mỗi người phải biết tự nhận ra lỗi lầm, sống có trách nhiệm, tích cực lao động, làm ăn phát triển kinh tế, trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội.
HỒ SƯƠNG