Tiền Giang: Hiệu quả sức mạnh toàn dân trong phòng, chống tội phạm
Năm 2024, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tội phạm về trật tự xã hội giảm 8,9% so với năm 2023, tỷ lệ điều tra khám phá án vượt 5,9% so với chỉ tiêu, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT), tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
KẾT QUẢ ĐÁNG GHI NHẬN
Năm 2024, công tác phòng ngừa tội phạm được triển khai sâu rộng với 35.138 cuộc tuyên truyền, thu hút hơn 42 triệu lượt người tham dự. Nhờ đó, người dân đã cung cấp 1.347 nguồn tin có giá trị, góp phần xử lý 1.452 đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã phát triển mạnh mẽ, trở thành phong trào rộng khắp với sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân.
![]() |
Các tập thể, cá nhân xuất sắc nhận Bằng khen của Bộ Công an vì có thành tích trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. |
Theo đó, Công an tỉnh tiếp tục xây dựng và đưa vào hoạt động mới 3 mô hình, nâng tổng số 27 mô hình phòng, chống tội phạm trên địa bàn. Đặc biệt, mô hình “Dân vận khéo” về ANTT tại các địa bàn, lĩnh vực phức tạp đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng nhiều địa bàn an toàn về ANTT.
Ngoài ra, hệ thống phòng ngừa tội phạm được củng cố mạnh mẽ thông qua việc xây dựng và nhân rộng 2.056 cổng rào an ninh; lắp đặt 2.267 camera giám sát tại các “điểm nóng”; triển khai 1.527 tuyến đường ánh sáng và thành lập 113 Tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy.
Các mô hình tự quản về ANTT phát triển đa dạng với 13 Câu lạc bộ “Thắp sáng niềm tin”; 53 khu nhà trọ công nhân tự quản; 2.161 Tổ công nhân, sinh viên tự quản và 24 tuyến đường “Thanh niên tự quản”. Đáng chú ý, việc ứng dụng công nghệ trong phòng, chống tội phạm ngày càng được đẩy mạnh. Nổi bật trong công tác phòng ngừa từ cơ sở là việc triển khai hiệu quả lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở với 1.005 tổ, có 3.338 thành viên…
Có thể nói, nhờ những nỗ lực toàn diện này, tình hình tội phạm về trật tự xã hội được kiềm chế, giảm 87 vụ (8,9%) so với năm cùng kỳ. Tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 80,9%, vượt 5,9% so với chỉ tiêu đề ra, đặc biệt với án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 83,7%.
Đặc biệt, lực lượng chức năng đã bắt, xử lý 1.259 đối tượng, triệt xóa 8 nhóm thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật và xử lý 50 đối tượng. Công tác đấu tranh, khám phá án ghi nhận nhiều chiến công xuất sắc. Công tác phòng, chống tham nhũng, kinh tế cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác phòng, chống ma túy được triển khai quyết liệt. Công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy được thực hiện hiệu quả…
Những kết quả đáng ghi nhận không chỉ thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của lực lượng Công an mà còn là minh chứng cho hiệu quả của phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ANTT, tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
QUYẾT TÂM GIỮ VỮNG ANTT
Đại tá Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Công an tỉnh đã cho biết về nhiều giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Theo đó, Đại tá Nguyễn Văn Nhựt yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung tăng cường công tác quản lý, bảo vệ hàng hóa, sản phẩm, đất đai, tài nguyên, trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống cháy nổ. Đặc biệt, cần chú trọng công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội hoặc tái phạm tội như người sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng “ngáo đá”, đối tượng mới được đặc xá, tha tù.
Tăng cường lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa đối tượng đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc; quản lý, giúp đỡ các đối tượng trở về địa phương sớm tái hòa nhập cộng đồng, không tái phạm…
Bên cạnh đó, Đại tá Nguyễn Văn Nhựt cũng chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường; chấn chỉnh công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; công tác bắt, giam, giữ, điều tra, xử lý tội phạm.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số cũng được đặc biệt chú trọng, nhất là việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, phục vụ quản lý xã hội, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Riêng ngành Công an, Đại tá Nguyễn Văn Nhựt yêu cầu lực lượng cần tăng cường phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Đồng thời, nâng cao hơn nữa cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các ngành về phòng, chống tội phạm. Các lực lượng cần tập trung xây dựng lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT tại cơ sở, đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay, đặc biệt là tập trung các nguồn lực cho hoạt động của Công an xã.
Đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Đại tá Nguyễn Văn Nhựt đề nghị tiếp tục phát huy thành tích đạt được, phấn đấu đạt thành tích cao hơn nữa để được khen thưởng các hình thức cấp Nhà nước.
Phổ biến tuyên truyền thành tích, nhân rộng các điển hình tiên tiến để cùng lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ ANTT, phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương, giữ gìn cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
TUẤN LÂM