Tiền Giang: Tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người
(ABO) Qua báo cáo sơ kết năm thứ 4 thực hiện Công văn 1676/TTg-NC ngày 30-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người, Ban Chỉ đạo 138/CP Chính phủ nhận định, đánh giá:
Toàn quốc xảy ra 1.150 vụ giết người, chiếm 1,78% trong cơ cấu phạm pháp hình sự (1.150/64.595 vụ), làm 735 người chết và 577 người bị thương. So với năm 2021, tăng 143 vụ (+14,2%); so với năm 2022, giảm 254 vụ (-18,09%); so với năm 2023, giảm 395 vụ (-25,57%). Nguyên nhân dẫn đến các vụ án giết người chủ yếu là do mâu thuẫn bộc phát xảy ra 734 vụ (chiếm 63,83%), mâu thuẫn từ trước xảy ra 400 vụ (chiếm 34,78%), nguyên nhân khác như dùng điện làm bẫy dẫn đến chết người, xảy ra 16 vụ (chiếm 1,39%).
Trong các vụ án giết người đối tượng chủ yếu dùng các loại hung khí nguy hiểm như dao, kiếm, mã tấu, tuýp sắt, gậy, gạch, đá (933 vụ, chiếm 81,13%) để thực hiện hành vi phạm tội. Đây là những loại công cụ có tính nguy hiểm cao, thông dụng, dễ mua, dễ sử dụng, dễ cất giấu, thậm chí có sẵn ở hiện trường.
Ngoài ra các đối tượng còn sử dụng cả súng quân dụng hoặc súng có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng (14 vụ), súng tự chế (29 vụ), vật liệu nổ (3 vụ), hóa chất (49 vụ) hoặc dùng tay chân và các loại khác (122 vụ) để gây án.
Riêng địa bàn tỉnh Tiền Giang, năm 2024 xảy ra 14 vụ, làm chết 14 người, bị thương 01 người (giảm 03 vụ, - 21,4% so với năm 2021; giảm 7 vụ, - 20% so với năm 2022 và giảm 05 vụ, - 26,3% so với năm 2023). Điều tra khám phá 14/14 vụ, đạt 100%; bắt, khởi tố 14 bị can. Nguyên nhân các vụ giết người trên địa bàn tỉnh chủ yếu do mâu thuẫn, thù tức xuất phát từ những va chạm, mâu thuẫn nhất thời trong sinh hoạt, tình ái,…
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và đề nghị các đoàn thể tỉnh, cơ quan Trung ương đóng địa bàn tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Công văn số 1676/TTg-NC ngày 30-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người, gắn trực tiếp hoặc lồng ghép với thực hiện các chương trình, kế hoạch về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, lan tỏa những thông tin tích cực về bảo vệ an ninh, trật tự đến người dân. Chú ý nội dung tuyên truyền liên quan đến những người bị rối nhiễu tâm trí, người bị bệnh tâm thần để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm giết người.
2. Công an tỉnh - Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh
- Tăng cường khai thác, sử dụng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thường xuyên rà soát, cập nhật dữ liệu đối tượng trên phần mềm (đảm bảo dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống”); vừa sử dụng vừa có kiến nghị đề xuất để cải thiện, nâng cao chất lượng đảm bảo phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay; chuyển đổi từ hình thức thủ công sang công nghệ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
- Chú trọng công tác nắm, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ đầu, từ cơ sở, nhằm hạn chế các khả năng dẫn đến nguyên nhân làm phát sinh tội phạm giết người.
- Làm tốt công tác quản lý địa bàn, quản lý giáo dục đối tượng tại địa bàn cơ sở. Trong đó, tập trung lực lượng để đấu tranh, triệt phá các nhóm đối tượng hoạt động xâm phạm trật tự xã hội chưa đủ các tiêu chí để xác định là băng nhóm nhưng có nguy cơ phát sinh, hình thành băng nhóm; các đối tượng tụ tập, giải quyết mâu thuẫn theo kiểu “tội phạm đường phố”, có biểu hiện, nghi vấn hoạt động theo kiểu “bảo kê”, đòi nợ thuê, liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
- Tăng cường công tác quản lý cai nghiện, quản lý đối tượng nghiện, thường xuyên kiểm tra, xét nghiệm và xử lý nghiêm các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy để chủ động phòng ngừa tội phạm từ các đối tượng này.
- Thực hiện hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội theo các giai đoạn phù hợp với địa bàn cơ sở và tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm.
- Tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các bài viết, nội dung, hình ảnh, các trang web, đường dẫn, ứng dụng có liên quan đến hoạt động tội phạm, nhất là liên quan tội phạm giết người.
- Tăng cường công tác tuần tra tại những tuyến, địa bàn trọng điểm, các khu - cụm công nghiệp, nơi tập trung nhiều lao động tự do và cửa hàng ăn đêm có sử dụng rượu, bia, chất kích thích; duy trì các tổ công tác kiểm tra tại các khung giờ cao điểm nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; trong đó, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, góp phần giảm các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa tội phạm giết người.
- Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; đồng thời, vận động quần chúng nhân dân để thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm góp phần hạn chế điều kiện làm phát sinh tội phạm giết người.
3. Sở Tư pháp
- Tập trung nâng cao chất lượng hòa giải viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra nhằm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở để giải quyết triệt để các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, nhất là liên quan đến vấn đề đất đai, môi trường, thực hiện chế độ, chính sách, quan hệ lao động..., không để mâu thuẫn kéo dài, phát sinh vụ việc phức tạp, hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự, góp phần làm giảm nguyên nhân xảy ra tội phạm giết người.
- Xây dựng các tài liệu hướng dẫn, in ấn, cấp phát các tài liệu pháp luật, tổ chức các hình thức giải đáp, tư vấn pháp luật cho nhân dân.
- Rà soát, kiện toàn, nâng cao chất lượng các tổ hòa giải ở cơ sở, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hòa giải; giải quyết ngay, kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột, xô xát dẫn đến hành vi phạm tội.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chú trọng tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, kiến thức và kỹ năng ứng xử lành mạnh cho học sinh, sinh viên, cán bộ quản lý, nhà giáo, người học tại các cơ sở giáo dục.
- Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, ngăn chặn bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.
5. Sở Y tế
- Triển khai hướng dẫn quy định cụ thể về việc quản lý đối với các loại chất độc, thuốc độc và có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những người bán các loại chất độc này khi Bộ Y tế ban hành.
- Trong công tác khám chữa bệnh, giám định, cần xác định những người bị rối nhiễu tâm trí, người bị mắc bệnh tâm thần để có phác đồ điều trị cụ thể đối với từng trường hợp, nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra tội phạm giết người.
- Triển khai xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý khu vực, quản lý người bệnh tâm thần được cho về cư trú tại địa phương sau khi chữa bệnh, bệnh ổn định xuất viện khi Bộ Y tế ban hành.
6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và đề nghị Báo Ấp Bắc
Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an các cấp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phản ánh kịp thời, chính xác về tình hình và kết quả thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm giết người.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
Chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát huy vai trò nòng cốt trong công tác hòa giải ở cơ sở; phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải bảo đảm đáp ứng yêu cầu công tác hòa giải ở cơ sở.
8. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh phối hợp với Công an tỉnh:
- Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ, phổ biến các quy định, văn bản hướng dẫn thi hành luật; phân công cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm thụ lý các vụ án giết người. Chỉ đạo liên ngành tư pháp các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án giết người, nhất là các vụ án gây hoang mang trong dư luận xã hội, kiên quyết không để tồn đọng các vụ án giết người không rõ thủ phạm, bỏ lọt tội phạm.
- Lựa chọn các vụ án điểm để tập trung điều tra, truy tố và xét xử nhằm phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng và răn đe tội phạm.
- Chủ động phát hiện các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, các sơ hở thiếu sót, bất cập trong thi hành pháp luật để kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, xử lý.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị
- Giải quyết tốt những vấn đề về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động. Phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý quyết liệt, triệt để các vụ việc do các nhóm thanh thiếu niên gây ra, không để kéo dài hoặc phát sinh ra các vụ việc khác.
- Tăng cường hiệu quả công tác hòa giải, giải quyết tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ Nhân dân, nhất là những tranh chấp về đất đai, kinh tế..., giải quyết mâu thuẫn trong gia đình, mâu thuẫn giữa các băng nhóm thanh thiếu niên.
- Làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực an ninh trật tự, văn hóa, giáo dục, y tế, thông tin truyền thông... nhằm từng bước khắc phục những sơ hở, thiếu sót, hạn chế các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm giết người.
- Tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng ngừa tội phạm giết người trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng, với các hình thức, biện pháp, nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, phù hợp với nhiều nhóm đối tượng và từng khu vực.
10. Giao Công an tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nội dung Công văn này; phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp định kỳ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá công tác phòng ngừa tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh theo quy định.
P.V