.

Tiền Giang: Tăng cường các giải pháp phòng cháy, chữa cháy

Cập nhật: 15:11, 15/05/2025 (GMT+7)

(ABO) Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an, trong quý I-2025, toàn quốc xảy ra 935 vụ cháy, nổ, làm chết 15 người, bị thương 20 người, thiệt hại tài sản ước tính sơ bộ thành tiền khoảng 51,14 tỷ đồng.

Riêng địa bàn tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay xảy ra 8 vụ cháy, làm chết 4 người, thiệt hại tài sản ước tính sơ bộ khoảng 6 tỷ đồng. Đáng chú ý là vụ cháy nhà dân tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, khu phố 7, phường 4, TP. Mỹ Tho xảy ra ngày 10-4-2025 làm 4 người chết.

Trước tình hình trên, để chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhằm kiềm chế, làm giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, đặc biệt là vào mùa hanh khô, thời tiết nắng nóng. 

Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và đề nghị các đoàn thể tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nội dung trọng tâm:

1. Tăng cường, quyết liệt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, nhân dân, người lao động, cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống cháy, nổ và hậu quả nghiêm trọng sau khi cháy, nổ gây ra; từ đó, tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định về PCCC và CNCH.

Lấy phòng ngừa là chính, làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy; thường xuyên tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC và CNCH để chủ động phát hiện và loại trừ những nguy cơ dẫn đến cháy, nổ, sự cố, tai nạn... với phương châm “Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn”.

Huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm “Lực lượng ở trong dân - Phương tiện ở trong dân - Hậu cần ở trong dân - Chỉ huy ở trong dân”, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.

2. Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Công văn 4249-CV/TU ngày 6-5-2025 Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn 2040/UBND-NC ngày 27-3-2025 về xử lý cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước và sau ngày Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực và Công văn 2201/UBND-KT ngày 3-4-2025 về thực hiện Nghị định 58/2025/NĐ-CP ngày 3-3-2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.

3. Công an tỉnh

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH, nhất là tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ, sự cố, tai nạn.

- Thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, tất cả các hành vi vi phạm về PCCC và CNCH phải được xử lý nghiêm theo quy định và bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và CNCH.

- Phối hợp với các ngành liên quan công khai các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và người dân cùng tham gia giám sát; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các cá nhân, tổ chức cố tình đưa dự án, công trình, cơ sở vào sử dụng nhưng không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH gây hậu quả nghiêm trọng.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị

- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1601/QĐ-UBND ngày 31-7-2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phân cấp quản lý Nhà nước và bàn giao danh mục quản lý cơ sở về PCCC và CNCH cho Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; tổ chức thực hiện các quy định, những giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH đối với các cơ sở theo phân cấp quản lý quy định tại Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 của Chính phủ.

- Tập trung rà soát, bổ sung, xây dựng và nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng” trong khu dân cư, ấp, khu phố đảm bảo các tiêu chí theo quy định của Bộ Công an và hướng dẫn của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, nhất là tiêu chí phải bảo đảm 100% nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ và liền kề nhau tham gia “Tổ liên gia an toàn PCCC”; 100% hẻm tại khu dân cư có nguy hiểm cháy, nổ ở các ấp, khu phố có chiều dài từ 50 mét trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được phải có “Điểm chữa cháy công cộng”. 

Tiếp tục rà soát đối với các nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy để bảo đảm 100% phải tham gia “Tổ liên gia an toàn PCCC” và hướng dẫn 100% “Tổ liên gia an toàn PCCC” tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

- Thường xuyên tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC đến thành viên hộ gia đình; nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh bằng nhiều hình thức phù hợp (tổ chức lớp tập huấn, lồng ghép trong thực hiện kiểm tra an toàn PCCC, xây dựng mô hình an toàn PCCC, sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố), bảo đảm 100% hộ gia đình; nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có ít nhất 1 người được tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH và trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy. 

Hướng dẫn, yêu cầu người được tuyên truyền, tập huấn ký xác nhận và cam kết thực hiện các quy định về PCCC và CNCH tại hộ gia đình, Tổ liên gia và khu dân cư.

- Tăng cường tuyên truyền, vận động 100% nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh từ 2 tầng trở lên chưa có lối thoát nạn thứ 2 tự mở lối thoát nạn thứ 2 và tự trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, cứu nạn.

P.V







 

.
.
.