Hành trình 20 năm củng cố thế trận lòng dân
Trải qua gần hai thập kỷ, Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) đã thực sự trở thành một dấu ấn quan trọng khắc sâu trong bức tranh chính trị - xã hội Việt Nam.
Vượt xa một sự kiện thường niên, Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ là minh chứng sống động cho sức mạnh đoàn kết kiên cường của nhân dân, không ngừng bồi đắp và khơi dậy tinh thần yêu nước nồng nàn, cùng ý thức trách nhiệm cao cả trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
NỀN TẢNG TỪ TRUYỀN THỐNG VẺ VANG
Việc chọn ngày 19-8 là Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ, trùng với Ngày Truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân (CAND) không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của một quá trình lịch sử dài lâu, kế thừa và phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu đầy biến động của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quán triệt sâu sắc tư tưởng “lấy dân làm gốc”. Chính Người đã khẳng định: “Công an của ta là CAND, vì dân mà phục vụ”. Với “kim chỉ nam” đó, các tổ chức quần chúng như “Việt Dũng thanh niên đoàn”, “Việt nữ đoàn” hay “Cảnh sát danh dự không lương” đã được huy động mạnh mẽ, tạo thành lá chắn vững chắc bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.
![]() |
Lễ ký kết giao ước thi đua đảm bảo ANTT tại Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ, thể hiện tinh thần đồng lòng của các lực lượng và nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. |
Trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đầy cam go, khẩu hiệu “Ba không” cùng với phong trào “Phòng gian bảo mật” đã lan rộng khắp mọi ngõ ngách, ăn sâu vào ý thức tự giác của mỗi người dân. Sức mạnh tổng hợp từ quần chúng đã tạo nên những đóng góp vĩ đại, góp phần trực tiếp vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vang dội và Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, các phong trào này được hợp nhất thành “Phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ”, ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, thực sự khơi dậy sức mạnh to lớn của nhân dân trong việc chủ động phòng ngừa và kiên quyết trấn áp tội phạm, giữ vững bình yên cho xã hội.
Chính nhờ những đóng góp không ngừng nghỉ của nhân dân, vào ngày 13-6-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 521, chính thức công nhận và lấy ngày 19-8 hằng năm là Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ. Đây là một dấu mốc lịch sử mang ý nghĩa trọng đại, không chỉ khẳng định tầm vóc và ý nghĩa chiến lược của công tác vận động quần chúng mà còn là dịp quan trọng để giáo dục truyền thống yêu nước, nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi tầng lớp xã hội.
20 NĂM CỦNG CỐ THẾ TRẬN LÒNG DÂN
Trải qua gần hai thập kỷ triển khai, Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ đã thực sự đi sâu vào cuộc sống, trở thành một Ngày hội của toàn thể nhân dân, góp phần kiến tạo và củng cố vững chắc thế trận lòng dân, tạo nên một thế trận an ninh nhân dân bền vững từ cơ sở. Sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công an và Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho phong trào.
Một trong những điểm sáng nổi bật nhất của phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” là sự phát triển và nhân rộng của các mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải tại cơ sở. Hiện cả nước có 4.793 mô hình hoạt động rất hiệu quả, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: “Liên kết xây dựng vùng giáp ranh an toàn về an ninh, trật tự (ANTT)”, “Khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục an toàn về ANTT”, hay ứng dụng công nghệ với “Camera phòng, chống tội phạm”.
![]() |
Mô hình “Camera phòng, chống tội phạm” - một giải pháp công nghệ hiệu quả góp phần giữ vững ANTT tại cơ sở. |
Tinh thần sáng tạo của nhân dân còn thể hiện qua các mô hình như “Tổ Covid-19 cộng đồng”, “Vùng xanh an toàn” trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, cùng hơn 900 mô hình “Dân vận khéo”. Nhờ sự tham gia tích cực và tinh thần cảnh giác của nhân dân, lực lượng CAND đã tiếp nhận hàng triệu nguồn tin có giá trị, giúp phát hiện, điều tra, xử lý hàng loạt vụ án phức tạp, đặc biệt là tham nhũng, ma túy, mua bán người.
Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tạo diễn đàn để người dân trực tiếp đóng góp ý kiến, xây dựng cấp ủy, chính quyền và lực lượng CAND ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đáng chú ý, từ năm 2022, Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, cùng việc trao tặng hàng trăm ngàn suất quà đã tạo nên một khí thế thi đua sôi nổi, lan tỏa rộng khắp.
Tổng kết gần 20 năm thực hiện, triển khai Quyết định 521 của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được hiệu quả thiết thực và sâu rộng. Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ thu hút đông đảo cán bộ và nhân dân tự giác tham gia, nhiều mô hình điển hình tiên tiến được xây dựng và nhân rộng, góp phần ổn định ANTT ngay tại cơ sở, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
THÀNH QUẢ TẠI ĐỒNG THÁP TRONG 7 THÁNG ĐẦU NĂM 2025
Những thành quả chung của Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ cũng như phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” càng được minh chứng rõ nét qua dấu ấn mạnh mẽ của tỉnh Đồng Tháp trong 7 tháng đầu năm 2025. Tỉnh đã thể hiện sự tiên phong với những biện pháp đồng bộ và hiệu quả vượt trội. Công tác tuyên truyền và vận động quần chúng được triển khai với mật độ và phạm vi đáng kể, trở thành một chiến dịch truyền thông đa chiều. Tỉnh đã tổ chức hơn 3.200 điểm tuyên truyền thu hút trên 153.000 lượt người, cùng hơn 2.400 cuộc họp dân và gần 3.000 cuộc tuyên truyền lưu động.
Sự cam kết xây dựng nền tảng “An toàn về ANTT” từ gốc là tuyệt đối, với 100% các đơn vị và địa bàn đã đăng ký và xây dựng đạt chuẩn theo Thông tư 124 của Bộ Công an, bao gồm hàng trăm ấp, khóm, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục. Tỉnh Đồng Tháp cũng nổi bật với 115 mô hình phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” hiệu quả, trong đó có mô hình “Tổ nhân dân tự quản” và “Tuyến đường kiểu mẫu an toàn giao thông” đã được Bộ Công an công nhận kinh nghiệm toàn quốc.
Chất lượng hoạt động của lực lượng Công an cơ sở được nâng cao rõ rệt, với 8 Công an phường đạt chuẩn “Kiểu mẫu về ANTT và văn minh đô thị” trong năm 2024. Phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” còn đóng góp quan trọng vào các chương trình mục tiêu quốc gia; cụ thể tỉnh Đồng Tháp (bao gồm sáp nhập tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024 với toàn bộ 249/249 xã đạt chuẩn (trong đó 131 xã nông thôn mới nâng cao, 25 xã nông thôn mới kiểu mẫu), 15/17 huyện và cả 6 đô thị cũng hoàn thành nhiệm vụ này.
Năng lực của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở cũng được củng cố, với hơn 3.600 lượt huấn luyện chính trị, pháp luật, nghiệp vụ và duy trì 1.703 Tổ bảo vệ ANTT với 5.539 thành viên. Nhờ đó, nhân dân đã cung cấp hàng ngàn tin báo có giá trị, giúp Công an xử lý hàng trăm vụ án phức tạp. Công tác dân vận và an sinh xã hội được đẩy mạnh qua 7 mô hình “Dân vận khéo” và đã hỗ trợ 6 căn nhà tình nghĩa, tình thương cùng các hoạt động thăm hỏi với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng.
Công tác thi đua, khen thưởng kịp thời đã tạo động lực mạnh mẽ: 32 tập thể và 16 cá nhân được Bộ Công an và UBND tỉnh tặng Bằng khen; 120 tập thể và 976 cá nhân được Công an tỉnh tặng Giấy khen. Việc tổ chức 18 điểm Ngày hội Toàn dân bảo ANTQ năm 2025 (trong đó có 1 điểm cấp Trung ương dự) cũng là minh chứng cho sự quan tâm đặc biệt từ các cấp lãnh đạo.
Hành trình 20 năm của Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ đã khẳng định tầm vóc và ý nghĩa chiến lược của công tác vận động quần chúng trong sự nghiệp bảo vệ ANTQ. Từ nền tảng truyền thống vẻ vang đến những thành tựu toàn diện đạt được, đặc biệt là dấu ấn nổi bật tại tỉnh Đồng Tháp rộng lớn sau sắp xếp đơn vị hành chính, phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” đã thực sự củng cố thế trận lòng dân, tạo môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
ĐẶNG THANH