Ngăn ngừa tiêu cực trong sát hạch, cấp giấy phép lái xe
Trường Trung cấp Nghề Giao thông vận tải (GTVT) là đơn vị chủ công trong việc đào tạo các lớp kỹ thuật điều khiển xe môtô, ôtô các hạng và thuyền trưởng, máy trưởng tàu sông của tỉnh. Trung bình hàng năm, trường đào tạo khoảng 15.000 học viên. Thời gian gần đây, dư luận có phản ánh về “tiêu cực trong công tác đào tạo” có liên quan đến một số giáo viên nhà trường. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Kính (N.V.K), Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề GTVT, khẳng định:
Quan điểm của Ban Giám hiệu nhà trường là nếu phát hiện tiêu cực trong công tác giảng dạy, đào tạo thì nhà trường có biện pháp ngăn chặn ngay tức khắc.
Ông Nguyễn Văn Kính. |
Quá trình đào tạo lái xe môtô, ôtô, thuyền trưởng và máy trưởng tuân thủ chặt chẽ theo quy trình đào tạo của Bộ GTVT và Tổng cục Dạy nghề. Bên cạnh đó, Thanh tra Sở GTVT còn kiểm tra thường xuyên (điểm danh đột xuất) các học viên trong thời gian đào tạo.
Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp và nhận chứng chỉ tại trường, các học viên phải tham gia kỳ thi sát hạch về lý thuyết và thực hành được tổ chức nghiêm ngặt tại TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, BGH nhà trường còn phân công trực tiếp một Phó hiệu trưởng phụ trách công tác nắm bắt dư luận, lắng nghe ý kiến của các học viên phản ánh về thái độ, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy của giáo viên. Qua đó, BGH sẽ xác minh, làm rõ và có những biện pháp chấn chỉnh về những tiêu cực (nếu có).
Phóng viên: Vậy ông giải thích thế nào về những “tiêu cực” mà dư luận phản ánh?
Ông N.V.K: Trong thời gian qua, do nhu cầu đào tạo, nhà trường đã kêu gọi học viên trong và ngoài tỉnh tham dự; qua thực tế đã thu hút được nhiều học viên. Đối với một số trường hợp “bất khả kháng” học viên không thể tham dự thi tốt nghiệp cuối khóa theo thời gian quy định, nhà trường có thể linh động giải quyết cho thi vào ngày thích hợp hoặc có thể kéo dài thời gian kết thúc lớp đào tạo trễ hơn quy định vài ngày vì điều kiện chưa đủ số lượng để khai giảng…
Có thể vì lý do này mà gây hiểu lầm trong dư luận. Từ đó, một số đối tượng “cò” lợi dụng cách làm này để tung ra thông tin “có quen biết với giáo viên trong trường” để “trục lợi” đối với những học viên không nắm rõ quy trình đăng ký, đào tạo tại trường.
Thực hành lái xe ôtô ở trường Trung cấp Nghề GTVT Tiền Giang. |
PV: Năm 2012 là “Năm An toàn giao thông”, trong đó có nội dung liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX). Theo ông, nhà trường sẽ có biện pháp nào để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo?
Ông N.V.K: Hàng năm, nhà trường đều tổ chức hội giảng để nâng cao chất lượng giảng dạy, qua đó tuyển chọn giáo viên dạy giỏi để tham gia hội thi cấp tỉnh và cấp quốc gia. Hiện nay, nhà trường cũng đang hoàn chỉnh chương trình “giáo án tích hợp” nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giúp học viên có thể tiếp thu một cách sinh động khi học lý thuyết lẫn thực hành.
Về nhân sự, Ban Giám hiệu sẽ tiếp tục tuyển chọn những giáo viên có đủ trình độ, nghiệp vụ chuyên ngành và phải đảm bảo đạt yêu cầu các khóa tập huấn về tiêu chuẩn sát hạch viên, giám khảo… để bố trí giảng dạy.
Nhà trường cũng đang hoàn tất hồ sơ để cử 4 cán bộ, giáo viên tham gia khóa tập huấn nghiệp vụ ở Malaysia theo chương trình mục tiêu quốc gia về nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX.
Đối với cơ sở vật chất, nhà trường sẽ đầu tư phát triển phương tiện tập lái; sẽ mua 3 xe tải và 2 xe con; đồng thời, nhà trường cũng đã xin chủ trương phê duyệt dự án xây dựng Trung tâm Sát hạch tại địa phương nhằm khép kín quy trình đào tạo, sát hạch cấp GPLX.
PV: Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN HỮU (thực hiện)