Bức xúc tình trạng bắc cầu lấn chiếm lòng kinh
Trên tuyến kinh Trần Thị Thơm (đoạn từ đường Thái Sanh Hạnh đến QL50 thuộc KP.1, P.9, TP. Mỹ Tho) có 7 hộ bắc cầu qua kinh chiếm hết toàn bộ diện tích mặt tiền phần đất của họ. Một số hộ còn chiếm dụng lòng kinh để nới rộng diện tích nhà trên những chiếc cầu này. Tình trạng lấn chiếm khiến dòng chảy bị cản trở, nguồn nước ứ đọng gây ô nhiễm.
Bắc cầu qua kinh vào nhà mà đậu được cả xe tải! |
Ông Đỗ Ngọc Văn, người dân ở đây cho biết, ngay từ lúc mới xảy ra tình trạng bắc cầu lấn chiếm, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, chính quyền đến làm việc nhưng không thấy xử lý, giải tỏa.
Vì vậy, hộ này nhìn hộ kia mà làm theo, khiến số lượng cầu kiểu này ngày càng nhiều. Một người dân khác bức xúc: Xây cầu kiểu này gây tắc nghẽn dòng chảy, nguồn nước bị ô nhiễm, trời nắng thì bốc mùi hôi thối...
Nguồn nước bị ô nhiễm, gần chục hộ dân trồng cây kiểng, hoa tết ở khu phố này không còn nguồn nước tưới.
Hộ ông Cao Văn Đẹp phải đào 3 con mương trong phần đất của gia đình để trữ nước tưới hoa kiểng. Ông Đẹp cho biết: “Nếu tình trạng này không được xử lý thì các hộ trồng hoa kiểng ở đây không có nước để tưới cây. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện để đào mương như nhà tui”.
Nhìn bức ảnh này thì không ai còn nhận ra con kinh Trần Thị Thơm. |
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch UBND P.9 cho biết, UBND thành phố hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về việc bắc cầu qua kinh.
Vì vậy, chúng tôi chỉ cho các hộ này làm cam kết, nếu sau này buộc phải tháo gỡ thì không bồi thường. Tới đây, chúng tôi sẽ kiến nghị UBND thành phố có quy định, hướng dẫn cụ thể.
Việc bắc cầu qua kinh để đi lại là điều tất nhiên. Nhưng một số hộ dân lợi dụng điều này để chiếm dụng lòng kinh, khiến người dân bức xúc là vấn đề cần quan tâm.
Thiết nghĩ, UBND TP. Mỹ Tho sớm có biện pháp xử lý, làm thông thoáng dòng kinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
B.T