Cảnh sát THAHS & HTTP: Lực lượng thầm lặng
Sau mỗi chuyên án, vụ án thì đơn vị trực tiếp tham gia phá án được vinh danh là điều dễ hiểu. Thế nhưng để đi đến thắng lợi, cùng với đơn vị chủ công còn có sự phối hợp, cống hiến thầm lặng vì một kết thúc trọn vẹn. Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (THAHS & HTTP) là một đơn vị như vậy.
Ngày 15-7-2010, CA tỉnh triển khai quyết định thành lập Phòng Cảnh sát THAHS & HTTP, với chức năng giúp Giám đốc CA tỉnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về THAHS; quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn công tác THAHS trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận, quản lý vật chứng, bảo vệ các phiên tòa đưa kẻ phạm tội ra trước ánh sáng pháp luật.
Lực lượng Cảnh sát THAHS & HTTP góp phần quan trọng trong quá trình xét xử tại các phiên tòa. |
Sau 2 năm thành lập, đơn vị luôn chú trọng việc rèn luyện về tinh thần chiến đấu, ý thức tổ chức kỷ luật trong CBCS, làm cơ sở để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đơn vị đã làm tham mưu, phục vụ Ban Giám đốc CA tỉnh lãnh đạo thực hiện tốt công tác THAHS, bảo vệ xét xử gần 400 phiên tòa, xây dựng phương án và bảo vệ an toàn gần 1.000 lượt phạm nhân di chuyển nơi giam giữ, trong đó có nhiều vụ áp giải bị cáo, phục vụ xét xử sơ - phúc thẩm tại TAND tỉnh và TAND tối cao ở TP. Hồ Chí Minh; xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch chuyển 249 phạm nhân từ Trại Tạm giam CA tỉnh vào các trại giam chấp hành án như: Trại giam Mỹ Phước, Trại giam Phước Hòa…
Mặt khác, đơn vị luôn đảm bảo việc tiếp nhận, quản lý và xử lý vật chứng, quản lý kho vật chứng đúng quy định, phục vụ tốt cho yêu cầu công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Song song đó CBCS hướng dẫn thực hiện chặt chẽ công tác giáo dục, cải tạo, giam giữ phạm nhân…
Công tác hướng dẫn, kiểm tra, quản lý giáo dục phạm nhân được thực hiện theo quy trình chặt chẽ. Tổ chức hướng dẫn việc quản lý phạm nhân, thực hiện quy định về canh gác, dẫn giải phạm nhân; nắm tình hình, duy trì kiểm tra các buồng giam giữ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp phạm nhân trốn, vượt trại, đưa các đồ vật cấm vào trại...
Đơn vị còn tổ chức kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành pháp luật trong công tác tạm giam, tạm giữ, công tác hỗ trợ tư pháp và quản lý kho vật chứng ở CA cấp huyện.
Từ khi triển khai thực hiện Cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa, vì nhân dân phục vụ”, Ban chỉ đạo tại đơn vị đã đề ra kế hoạch thực hiện gắn với tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND”.
Từng CBCS đơn vị đều nêu cao quyết tâm thực hiện nghiêm túc, nhất là trong công tác giúp đỡ người sau đặc xá, sau khi chấp hành xong hình phạt tù trở về cộng đồng.
Đơn vị đã phục vụ Ban Giám đốc CA tỉnh tham mưu UBND tỉnh triển khai Nghị định 80/CP của Chính phủ chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá hòa nhập cộng đồng; thống kê lập danh sách số người được đặc xá, chấp hành xong hình phạt tù nhưng không về địa phương để theo dõi, quản lý, kịp thời hướng dẫn họ đăng ký cư trú theo đúng quy định của pháp luật.
Từ kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác, CA Tiền Giang là 1 trong 5 tỉnh của cả nước (Hải Phòng, Tuyên Quang, Ninh Bình, Khánh Hòa và Tiền Giang) được chọn làm điểm để hướng dẫn kiểm tra thực hiện công tác THAHS & HTTP và công tác giam giữ phạm nhân.
DUY THÁI