Những mô hình đảm bảo trật tự ATGT đường bộ - đường thủy
Một xã hội an toàn, không tai nạn, thân thiện và đầy tình người là mục tiêu của Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa giao thông” do Ủy ban ATGT Quốc gia phát động. Đây cũng là mục tiêu Nghị quyết 88/CP của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT hướng tới.
Với tinh thần đó, lực lượng CSGT đường bộ - đường sắt, Cảnh sát đường thủy đã tham mưu Ban Giám đốc CA tỉnh đề ra kế hoạch thực hiện, đồng thời phối hợp với các ngành, đoàn thể xây dựng các mô hình tiêu biểu, nhằm phòng ngừa và hạn chế tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra. Đây cũng là cơ sở để nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân tích cực tham gia giữ gìn trật tự ATGT.
Trên đường thủy nội địa, xuất phát từ thực tế: 24% số vụ TNGT xảy ra trên tuyến sông Tiền (từ năm 2008 đến nay) có nguyên nhân chính là do người điều khiển phương tiện ngủ gật trên hành trình, ngày 24-4-2012, Phòng Cảnh sát đường thủy đã đưa ra mô hình“Đánh thức người điều khiển phương tiện trên đường hành trình vào ban đêm”.
Mô hình được triển khai thực hiện trên tuyến sông Tiền và kinh Chợ Gạo. Tuyến sông Tiền được chia thành 4 khu vực tuần tra kiểm soát (TTKS), với 4 tổ công tác cùng 22 đồng chí làm nhiệm vụ. Riêng khu vực từ vàm Kỳ Hôn đến cửa Tiểu và tuyến ven biển Gò Công, lực lượng làm nhiệm vụ còn có Trạm Biên phòng cửa Tiểu và Vàm Láng. Tuyến kinh Chợ Gạo từ vàm Kỳ Hôn đến kinh Nước Mặn được giao cho 1 tổ với 15 đồng chí làm nhiệm vụ TTKS từ 0 giờ đến 5 giờ sáng hàng ngày và lúc thủy triều lên.
Trên đường tuần tra, Cảnh sát đường thủy sẽ dùng tín hiệu đèn, còi hoặc loa để ra tín hiệu đánh thức khi phát hiện người điều khiển phương tiện có những biểu hiện ngủ gật. Ngoài ra, trong quá trình TTKS, lực lượng làm nhiệm vụ còn tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như: vận chuyển hàng hóa, hành khách, đánh bắt thủy hải sản không đúng quy định, không đăng ký - đăng kiểm phương tiện, tránh vượt sai nguyên tắc, không bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn…
Đồng thời, tuyên truyền để người điều khiển và chủ phương tiện thông suốt, chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa một cách nghiêm túc.
Đến nay, sau hơn 2 tháng thực hiện, mô hình này đang được các chủ phương tiện, thuyền trưởng, tài công và đông đảo người tham gia giao thông trên đường thủy nội địa đồng tình, ủng hộ… Tại các địa phương, căn cứ vào điều kiện thực tế cũng có những mô hình phù hợp như: Bến đò an toàn, tuyến kinh an toàn…
Mới đây, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” huyện Cai Lậy mà nòng cốt là CA huyện đã tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình “Đoạn sông văn hóa -
an toàn” được triển khai thí điểm trên đoạn sông Ba Rài thuộc xã Cẩm Sơn.
Thực hiện mô hình này, Đội CSGT CA huyện phối hợp Phòng Văn hóa -Thông tin, CA các xã Thanh Hòa, Hội Xuân và Cẩm Sơn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là vận động nhân dân không chất chà, đáy cá tạo chướng ngại vật trên sông, không xây cất lấn chiếm hành lang đường thủy, chiếm luồng tàu chạy, không vứt rác xuống sông…
Đồng thời, sẽ tiến hành khảo sát thực tế các chướng ngại vật, nguy hiểm phát sinh trên đoạn sông để có biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, CA huyện Cai Lậy còn tăng cường kiểm tra việc đăng ký, đăng kiểm đối với phương tiện đưa khách ngang sông, phương tiện neo đậu lấn chiếm luồng…
Trên đường bộ, lực lượng CSGT đã liên tục mở nhiều cao điểm TTKS xử lý vi phạm đối với xe khách, xe môtô, chống đua xe trái phép… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ TNGT xảy ra. Lực lượng CA đã phối hợp MTTQ, Hội LHPN tổ chức nhiều mô hình như “Câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật”, “Toàn dân tham gia đảm bảo trật tự ATGT”…
Từ năm 2003 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 164 CLB tuyên truyền pháp luật; MTTQ tỉnh đã xây dựng được 517 khu dân cư điểm thực hiện “Hộ gia đình, khu dân cư ATGT”. Thực hiện mô hình này ở các khu dân cư, từng hộ gia đình ký cam kết đảm bảo trật tự ATGT, gia đình không có người vi phạm…
Qua khảo sát kết quả thực hiện ở 10 xã, thị trấn làm điểm cho thấy tình hình trật tự ATGT có nhiều chuyển biến đáng kể, ý thức của người dân có nâng lên, trật tự công cộng và trật tự đô thị được đảm bảo. Các vi phạm phổ biến như: không đội nón bảo hiểm, chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, lấn chiếm lòng lề đường… đã giảm hẳn, đặc biệt là ở các địa bàn làm thí điểm không xảy ra TNGT.
Từ hiệu quả các mô hình nói trên, có thể khẳng định rằng, để đảm bảo trật tự ATGT không thể chỉ áp dụng cứng nhắc các quy định pháp luật mà còn phải tập hợp, phát huy cho được sức mạnh, sự ủng hộ của người dân, phải nâng cao ý thức thật sự tự giác chấp hành của các tầng lớp nhân dân. Đây là giải pháp cơ bản để xây dựng văn hóa giao thông.
HỒNG VÂN