Thứ Sáu, 17/08/2012, 13:40 (GMT+7)
.

Cần cảnh giác với hàng gian, hàng giả

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT), 6 tháng đầu năm 2012 lực lượng QLTT ở 52 tỉnh, thành đã kiểm tra và xử lý 6.619 vụ buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; giá trị hàng hóa tịch thu, tiêu hủy là 6,7 tỷ đồng; riêng Tiền Giang là 63 vụ với giá trị hàng hóa bị tịch thu, tiêu hủy là 63,5 triệu đồng.

Một số sản phẩm vi phạm phổ biến là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả nhãn hiệu, không đủ hàm lượng chất trong thành phần; sữa, rượu, mỹ phẩm, hàng điện tử nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc được thay nhãn, giả nhãn hiệu nổi tiếng…

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng thường gặp là: Hàng giả không sản xuất và hoàn chỉnh tại cùng một địa điểm mà có sự phân chia công đoạn sản xuất, gia công bộ phận, rồi lắp ráp, đóng gói, dán nhãn tại nhiều địa điểm; không  tồn trữ nhiều mà tiêu thụ đến đâu sản xuất đến đó; đặc biệt là nhập khẩu bán thành phẩm, linh kiện từ Trung Quốc để lắp ráp, gắn nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng, kể cả thương hiệu Việt Nam được yêu chuộng.

Sở Công thương Tiền Giang khuyến cáo người tiêu dùng cần cảnh giác khi mua hàng, phải xem kỹ về nhãn, thời hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, trọng lượng, hóa đơn chứng từ. Phải so sánh chi tiết giữa các sản phẩm cùng chủng loại, cần cân kiểm chứng lại trọng lượng ở các chợ có bố trí cân chuẩn; tạo thói quen mua hàng hóa giữ lại hóa đơn, vì đây là cơ sở cho việc khiếu nại nếu bị thiệt hại sau khi mua hàng. Khi phát hiện các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, không an toàn, người tiêu dùng phải mạnh dạn thông tin cho cơ quan chức năng, báo chí; kiên quyết tố cáo các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Riêng với các doanh nghiệp, phải tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong việc đấu tranh chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại. Khi bị làm giả sản phẩm, xâm phạm nhãn hiệu, doanh nghiệp phải chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng hoặc gởi đơn khiếu nại, tố giác đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền (QLTT, Cục Sở hữu trí tuệ, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…) để được xem xét, giải quyết.

DS

.
.
.