Tin đồn thất thiệt - Cảnh giác và xử lý kịp thời
Gần đây, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng và ở các tỉnh ĐBSCL nói chung đã xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt gây thiệt hại về của cải, vật chất ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội, kinh tế, chính trị địa phương… Tìm giải pháp ngăn chặn và xử lý “tin đồn thất thiệt” là vấn đề đặt ra cho cơ quan hữu quan và cả cộng đồng.
Từ những tin đồn gây thiệt hại về kinh tế
Năm 2007, tin đồn “ăn bưởi bị ung thư” đã làm thiệt hại cho nhà vườn trồng bưởi không chỉ ở Tiền Giang mà còn ở các tỉnh khác như Bến Tre, Vĩnh Long… Nhà vườn trồng bưởi lúc đó điêu đứng vì giá bưởi tuột xuống chỉ còn 1.500-2.000 đồng/kg, thậm chí bưởi chín rụng đầy vườn mà thương lái cũng chẳng mua vì người tiêu dùng hoang mang bởi tin đồn nhảm.
Để ổn định dư luận và ngăn chặn tổn hại, cơ quan chức năng đã phải bỏ nhiều công sức, phản bác, làm rõ thậm chí xử lý người và đơn vị phát tán tin. Riêng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè phải nhiều lần cải chính về thông tin sai lệch và hướng dẫn, giải thích, chia sẻ cùng nhà vườn.
Từ tin đồn thất thiệt, hàng trăm người dân hiếu kỳ đổ xô về xã Tân Hội (Cai Lậy) để chứng kiến đào bới tìm xác bé T. CA huyện Cai Lậy đã kết luận đây chỉ là vụ mất tích chưa rõ nguyên nhân. Ảnh: QUỐC VIỆT |
Trường hợp tin đồn thất thiệt khác là “thông tin cá nuôi bị nhiễm Trifluralin” vào tháng 4-2012 đã làm làng bè nuôi cá điêu hồng của tỉnh Tiền Giang với hơn 1.500 bè lâm vào cảnh khó khăn. Tin đồn làm giá cá sụt giảm gây lỗ lã mỗi bè gần 20 triệu đồng.
Làng cá bè điêu hồng ở tỉnh Đồng Tháp cũng lâm vào tình trạng như vậy. Chi cục Thủy sản của hai tỉnh đã phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành các cuộc kiểm tra và khẳng định không có chuyện cá điêu hồng bị nhiễm hóa chất như tin đồn thất thiệt đã nêu.
Ngoài ra, trước đây còn nhiều tin đồn thất thiệt khác như: “ăn hạt dưa, trứng, ăn cá rô đầu vuông bị ung thư”… làm nhiều người tiêu dùng “quay lưng” với các loại thực phẩm này.
Đến những tin đồn nhảm về an ninh trật tự
Trong lĩnh vực an ninh trật tự, nhiều tin đồn nhảm đã gây hoang mang dư luận, làm tình hình trật tự xã hội ở các địa phương trở nên phức tạp, đồng thời làm đau đầu chính quyền và ngành Công an.
Cụ thể như vào khoảng tháng 5-2010, tin đồn về “cô gái N.T.T ở xã Tân Hội, huyện Cai Lậy mất tích bí ẩn” gây một hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Bà Lê Thị Điệp (ở gần nhà cô gái mất tích) thêu dệt thêm câu chuyện về sự mất tích của bé T. là bị giết và giấu xác. Sau đó, bà Điệp cùng một số đối tượng quá khích lợi dụng chuyện này đã đập phá nhà cửa của gia đình cô gái và đe dọa người thân gia đình, làm sự việc trở thành “điểm nóng” ở địa bàn.
Cơ quan Công an tiến hành lập biên bản hiện trường, sau đó khởi tố vụ án, truy cứu trách nhiệm hình sự bà Lê Thị Điệp, Chế Thị Ngọc Hương và đồng bọn về hành vi gây rối trật tự công cộng, gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 24-4-2010, TAND huyện Cai Lậy đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm tuyên phạt Lê Thị Điệp 3 năm 6 tháng tù, Chế Thị Ngọc Hương 3 năm tù, những đối tượng khác từ 2 năm đến 3 năm tù cùng về tội gây rối trật tự công cộng. Cơ quan điều tra CA huyện Cai Lậy khẳng định không có dấu hiệu cháu T. bị hiếp và giết chết mà đây là một vụ mất tích chưa rõ nguyên nhân.
Một trường hợp khác xảy ra vào năm 2011 trên địa bàn huyện Gò Công Đông khi một số kẻ xấu tung ra những tin đồn thất thiệt về “cướp công khai ập vào nhà khống chế, cướp của” làm hoang mang dư luận, gây mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn. Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy CA huyện Gò Công Đông đã chỉ đạo lực lượng trinh sát đi xác minh, điều tra và triển khai thông báo khẳng định nội dung các tin đồn là không có thật để trấn an dư luận.
Trước đó, vào năm 2008, người dân ở huyện Cái Bè đã hoang mang vì một số tin đồn nhảm từ các vụ cướp giật xảy ra trên địa bàn huyện Cái Bè (đã bị khám phá). Để định hướng dư luận, Công an huyện Cái Bè đã tổ chức nhiều cuộc họp dân, tổ chức thông báo tình hình ANTT trên địa bàn trên đài truyền thanh huyện, xã, giúp người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Về tin bịa đặt “Cha chồng “dính” nàng dâu” gây dư luận xấu gần đây đã được cơ quan chức năng làm rõ và các cơ quan báo chí kịp thời thông tin phản bác, đồng thời UBND tỉnh đã có công văn đề nghị cơ quan chủ quản cải chính và xử lý tác giả bản tin. |
Hiện nay, hành vi tung tin đồn nhảm, tin đồn thất thiệt tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của tin đồn mà người tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử phạt hành chính, buộc bồi thường dân sự hoặc bị xử lý hình sự.
Cụ thể như hành vi “bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường” sẽ bị xử phạt theo quy định tại điều 18, Nghị định 84/2011/NĐ-CP (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá)…
Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng tung tin đồn nhảm, tin đồn thất thiệt là khó khăn đối với ngành chức năng. Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc CA tỉnh cho biết: Công tác xác minh, điều tra, truy nguyên nguồn gốc, diễn biến hình thành tin đồn để chủ động ngăn chặn, hạn chế tác động tiêu cực mất nhiều thời gian và công sức. Tuy vậy, nếu xác định rõ các đối tượng thực hiện hành vi này thì cơ quan điều tra sẽ có biện pháp xử lý tùy theo mức độ, tính chất.
Ngoài ra, để hạn chế hậu quả của các tin đồn thất thiệt, ngành CA sẽ tăng cường tuyên truyền trong các cuộc họp tổ NDTQ để định hướng dư luận. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông đại chúng cần tăng cường công tác tuyên truyền để thông tin, hướng dẫn, hình thành dư luận tích cực. Đặc biệt, các ngành có liên quan đến nội dung tin đồn cần có sự phản hồi để khẳng định thông tin chính thống.
PHÙNG LONG