Bạo lực học đường dưới góc nhìn của nhà giáo
Thời gian gần đây, nhiều vụ bạo lực học đường (BLHĐ) liên tiếp diễn ra. Không chỉ dừng lại bằng việc đánh nhau mà bạo lực ngày càng trở nên nặng nề hơn. Đỉnh điểm của những vụ bạo lực này là những vụ chém nhau, đâm nhau ngoài cổng trường, trên sân trường gây thương vong.
NHÀ GIÁO NÓI GÌ?
Vào ngày 10-2-2012, tại trường THCS Lê Ngọc Hân (TP. Mỹ Tho), 2 học sinh Q.T và N.T.K vừa rời khỏi cổng trường thì vô cớ bị một nhóm thanh niên xông vào chém. Ngày 9-4, tại trường THCS Mỹ Đức Tây (Cái Bè), H.T.T (17 tuổi) đã dùng dao đâm chết H.N.H (15 tuổi) tại sân trường vào giờ ra chơi chỉ vì chiếc điện thoại.
Trước đó, tại trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Châu Thành) cũng đã xảy ra vụ em T.T.C.T (SN 1996) dùng dao dâm chết bạn gái là em L.T.T.T học cùng lớp. Sau khi đâm chết bạn, T. còn bình tĩnh cầm dao đem vào nhà vệ sinh rửa sạch máu rồi ra hành lang gọt táo ăn…
Học sinh C.T (trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa) đã sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn với bạn cùng lớp, gây chết người. Ảnh: N.V |
Đó chỉ là vài trong số nhiều vụ BLHĐ nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây. Còn các vụ xung đột nhỏ, đánh nhau thì có lẽ khó thống kê hết được. Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở GD-ĐT, chỉ từ tháng 8-2010 đến tháng 8-2012, trên toàn tỉnh có khoảng 425 vụ việc có liên quan đến BLHĐ.
Cô Lê Thu Thủy, trường Văn hóa II - Bộ Công an (TP. Mỹ Tho) cho rằng: Tình trạng BLHĐ đang ở mức nghiêm trọng và nguy hiểm. Một bộ phận không nhỏ học sinh hiện nay có suy nghĩ coi việc sử dụng bạo lực như một cách “thể hiện mình”, để gây sự chú ý của mọi người.
Cô Thủy cũng cho biết, theo số liệu chưa đầy đủ, chỉ trong năm học 2009-2010, tại các trường học đã xảy ra 35 vụ đánh nhau mang tính chất bạo lực. Đó là chưa kể đến những vụ trẻ em vi phạm pháp luật, bị lập hồ sơ đề nghị truy tố hoặc xử lý hành chính. Chỉ tính riêng năm 2010, trên địa bàn tỉnh xảy ra 86 vụ trẻ em làm trái pháp luật với 135 trẻ vi phạm, 36 vụ/43 đối tượng trong số đó bị lập hồ sơ đề nghị truy tố; xử lý hành chính 50 vụ/92 đối tượng…
Cô Lê Thúy Kiều, Phó Hiệu trưởng trường THCS Trừ Văn Thố (Cai Lậy) cho rằng: Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến BLHĐ là: Lứa tuổi học sinh (HS) thường nhạy cảm, thích chứng minh ấn tượng “mạnh, sâu sắc” của mình với mọi người, dễ bị bạn bè xấu kích động, bị các tác động xấu lôi kéo, ảnh hưởng bởi phim ảnh, game bạo lực, ít hiểu biết về pháp luật. Hơn nữa, từ phía gia đình và nhà trường, xã hội chưa thật sự quan tâm đến tâm, sinh lý của các em cũng là nguyên nhân.
Còn theo ông Trần Văn Nhum, Phó Hiệu trưởng trường THCS Hậu Mỹ Phú (Cái Bè) thì nguyên nhân của tình trạng trên, đó là: Môi trường xã hội bị ô nhiễm (phim ảnh bạo lực, game online, văn hóa phẩm xấu); gia đình thiếu quan tâm, bản thân các em thiếu kỹ năng sống, kỹ năng điều chỉnh hành vi, kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Nhà trường tuy có quan tâm giáo dục về đạo đức, lối sống, hành vi ứng xử nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn; việc xử lý học sinh vi phạm nội quy chưa đủ mạnh và chưa đủ răn đe, giáo dục cao…
Nhiều ý kiến cho rằng, BLHĐ không chỉ diễn ra ở thành thị mà còn tràn về nông thôn ngày càng nhiều và mức độ đáng báo động. Mặt khác, nhiều ý kiến cũng cho rằng đa số HS biết BLHĐ là sai nhưng không dám lên tiếng vì sợ liên lụy, sợ bị trả thù, đe dọa. Một bộ phận HS không quan tâm vì cho rằng vụ việc không xảy ra với mình hoặc tệ hơn là cổ vũ, đồng tình với các hành vi có tính chất bạo lực.
ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP?
Đâu là giải pháp cho vấn đề này? - Câu hỏi đặt ra đã nhận được nhiều phản hồi từ phía các thầy cô. Nhiều ý kiến cho rằng cần củng cố lại sự cân bằng của chiếc “kiềng ba chân”, đó là gia đình, nhà trường và xã hội.
Ở gia đình, phụ huynh cần quan tâm hơn nữa đến sự phát triển tâm, sinh lý của con em mình, đặc biệt là các em vị thành niên. Nhà trường cần có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt là nên giám sát các hoạt động trong giờ ra chơi, những góc khuất sân trường và cả phía cổng trường; có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và các tổ chức xã hội để kịp thời phát hiện sai phạm, giáo dục và uốn nắn các em…
Ông Đặng Xuân Sơn, giảng viên Khoa Sư phạm, trường Đại học Tiền Giang phân tích: “Gia đình, nhà trường và xã hội như “kiềng ba chân”, một chân lung lay là “có vấn đề”… Cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ cả ba môi trường giáo dục này”.
Ông Sơn lưu ý: Giáo dục đạo đức cho học sinh là một vấn đề quan trọng mà các trường cần tập trung hơn nữa; các bài học đạo đức chỉ được xây dựng trong tiết giáo dục công dân, nhưng không phải tiết học nào cũng chỉ xoay quanh vấn đề này… Bên cạnh đó, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cũng được các thầy cô rất quan tâm. Nhà trường nên tổ chức nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa nhằm giáo dục kỹ năng sống cho các em.
Ông Nguyễn Tiến Thành, trường Văn hóa II, Bộ Công an đề nghị: “Bộ Giáo dục - Đào tạo nên biên soạn giáo trình và đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống thành môn học chính thức trong trường học, đây mới thật sự là môn học cần thiết để trang bị kỹ năng sống cho các em”. Các thầy, cô giáo cũng mong rằng các trường cần có nhiều sân chơi hơn nữa để các em gần gũi, hiểu biết lẫn nhau.
Nhiều ý kiến cũng đề xuất phát huy vai trò của người giáo viên chủ nhiệm cũng như cần có phòng tham vấn tâm lý cho các em trong nhà trường để kịp thời phát hiện những biểu hiện không bình thường của học sinh và chấn chỉnh.
Về vấn đề này, ông Châu Minh Sơn, Hiệu trưởng trường THPT Long Bình nhận định: “Đây là một giải pháp thiết thực nhưng không dễ thực hiện. Thực tế, ở trường cũng có phòng tham vấn tâm lý, tuy nhiên từ khi thành lập đến nay có rất ít học sinh tìm đến, nếu không muốn nói là không có.
Có lẽ cần có thời gian (để tạo sự tin tưởng của học sinh), đặc biệt là cần có sự phối hợp đồng bộ từ phía giáo viên chủ nhiệm. Chính các giáo viên chủ nhiệm sẽ là người phát hiện ra những biểu hiện lạ từ các em và đưa các em đến với phòng tham vấn; chứ để tự các em tìm đến thì đúng là rất khó”.
MINH CHÂU