Chủ Nhật, 14/10/2012, 04:37 (GMT+7)
.

Một vụ tranh chấp đất đai cần xem xét lại

Án đã tuyên và có hiệu lực pháp luật nhưng giọng bà Ngô Thị Hường (SN 1927, ngụ khu 2, thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè) vẫn còn ấm ức, bức xúc: “Cũng tại tui thương người nên mới ra nông nỗi. Đất tui cho ông Võ Văn Dính ở nhờ, giờ ông Dính đem bán, tui ngăn cản và đòi lại đất thì tòa lại xử cho ông Dính thắng kiện. Những chứng cứ tôi trình bày, tòa không xem xét mà chỉ căn cứ vào cái sổ đỏ của ông Dính. Còn cái sổ đỏ của ông Dính cấp có đúng luật hay không thì tòa không xem xét”.

Xác minh thực tế, chúng tôi thấy khiếu nại của bà Hường là có cơ sở bởi: Ngày 8-3-2005, ông Dính làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) nhưng trên thực tế, giấy chứng nhận QSDĐ của ông Dính đã được cấp trước đó, vào ngày 24-11-2004. Ngoài ra, ông Dính khai nguồn gốc đất mua lại của bà Hường, nhưng trong hồ sơ cấp “sổ đỏ” không hề có giấy tờ mua bán đất.

Đơn xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ đề năm 2005 (ảnh 1) nhưng thật sự “sổ đỏ” của ông Dính đã được cấp trước đó - năm 2004 (ảnh 2).
Đơn xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ đề năm 2005 (ảnh trái) nhưng thật sự “sổ đỏ” của ông Dính đã được cấp trước đó - năm 2004 (ảnh phải).

Tại bản án sơ thẩm 221/DSST ngày 1-9-2011 và bản án phúc thẩm 567/DSPT ngày 26-12-2011, tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều căn cứ vào bản tự khai mốc thời gian sử dụng đất của ông Dính khai ngày 8-3-2005, trong đó có ghi xác nhận của ông Võ Thành Đức, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cái Bè: “Ông Võ Văn Dính đã và đang ở tại lô đất nêu trên từ 30-4-1975 cho đến nay là đúng”. Do đó, tòa cho rằng: “Ông Dính đã sử dụng đất liên tục từ ngày 30-4-1975 đến ngày khởi kiện đã trên 35 năm”.

Kết luận này xem ra thiếu sự thẩm tra và không đúng với thực tế. Bởi qua xác minh, chúng tôi được biết, ông Dính tham gia chế độ cũ, sau năm 1975 mới về quê vợ ở Cái Bè sống nhưng không nhà cửa. Ông cất tạm một căn chòi bên cạnh trường trung học Cái Bè; đến năm 1985 thì bị giải tỏa mới đến xin bà Hường ở nhờ.

Trước đó, ông Dính đăng ký hộ khẩu thường trú tại 46/6 Trương Công Định, khu 2, thị trấn Cái Bè. Riêng tại địa chỉ tranh chấp, CA huyện Cái Bè xác nhận: “Hộ ông Võ Văn Dính đăng ký thường trú tại số 480B, tổ 25, khu 2, thị trấn Cái Bè từ ngày 17-8-1992”. Như vậy, UBND thị trấn Cái Bè xác nhận mốc thời gian sử dụng đất của ông Dính là chưa đúng với thực tế.

Mặt khác, trong biên bản hòa giải ngày 4-11-2010, ông Dính khai: “Bà Hường sang đất với giá 100.000 đồng” nhưng tại biên bản hòa giải ngày 20-4-2011, ông lại khai: “Cất nhà ở trên đất hoang không chủ”. Điều đáng nói là trong đơn xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ, ông Dính khai nguồn gốc sử dụng đất là: “Mua lại của bà Hường” nhưng trước tòa, ông Dính không đưa ra được bằng chứng là tờ giấy mua bán đất (cho dù là viết tay).

Trả lời câu hỏi của chúng tôi vì sao ông Dính làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ, bà không tranh chấp? Bà Hường buồn rầu trả lời: “Ông Dính làm đơn xin cấp sổ đỏ, tui không hề biết và tui cũng không hề ký tên vào bất cứ một loại giấy tờ nào. Thực tình thì tui không có ý định đòi lại đất vì hoàn cảnh gia đình ông Dính quá nghèo. Tui chỉ cho ông Dính ở nhờ, còn đem bán thì tui mới tranh chấp, ngăn cản và không đồng ý vì là gốc đất của gia đình tui”.

Từ thực tế và các chứng cứ nêu trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần xem xét lại quá trình giải quyết và kết luận của 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân.

Nhóm PV. CTXH

.
.
.