Xã Tân Hòa Thành: Rác - cấm chỗ này, vứt chỗ khác
Trên tuyến tỉnh lộ 866 từ ngã ba xã Tân Lý Tây (Châu Thành) đi xã Phú Mỹ (Tân Phước), dọc hai bên đường không khó để nhận thấy những hình ảnh rác vứt bừa bãi, vừa mất mỹ quan, vừa ô nhiễm môi trường.
Nhiều nhất có thể kể đến là xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước. Tại 2 ấp Tân Phú, Tân Quới, chính quyền có đặt bảng cấm đổ rác 2 bên đường; các bảng cấm này thường xuyên phải di dời, bởi cấm chỗ này thì họ đổ nơi khác. “Cấm cứ cấm, đổ cứ đổ”, đây là một thách thức đối với chính quyền trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường tại địa phương.
Theo số liệu của xã, Tân Hòa Thành có khoảng 100 hộ dân nằm cặp 2 bên đường tỉnh 866 phải nộp phí thu rác. Chính quyền xã đã thường xuyên tổ chức họp dân tại 2 ấp nói trên để tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường và lấy ý kiến người dân về mức thu phí.
Cách làm này rõ ràng là hết sức dân chủ, công khai, cùng nhau bàn bạc để đi đến thống nhất chung. Trong các cuộc họp như vậy, hầu hết mọi người đều thống nhất ký tên vào biên bản, chấp nhận với mức 20.000 đồng/tháng đối với hộ bình thường, 30.000 đồng/tháng đối với hộ có mua bán làm ăn (do rác thải nhiều hơn).
Tuy nhiên, việc thu phí rác không suôn sẻ như lời cam kết. Bà Nguyễn Thị Xinh, ngụ ấp Tân Phú, là thành viên của Ban quản lý chợ, được phân công thu phí rác hàng tháng; bà Xinh cho biết: “Đi thu tiền rác khó hơn thu tiền điện, nước. Bởi tiền điện, tiền nước người dân đâu dám chậm trả. Nếu chậm trễ hoặc không nộp thì người ta “cắt” lấy đâu mà xài. Còn rác thì khác. Không nộp phí hốt rác thì họ bỏ rác vào bao ny-lông, đợi trời tối rồi đem đi quăng bừa bãi… Có ai phát hiện được đâu mà bị xử lý”.
Rác tràn ra lộ Trên đường tỉnh 878B (huyện lộ 30 cũ) thuộc địa bàn ấp Hòa Phú (Hòa Tịnh, Chợ Gạo), rác thải bừa bãi tại dốc cầu đúc (kinh Bảo Định) và rải rác kéo dài đến giáp ranh xã Tân Lý Tây (Châu Thành). Trên tuyến đường này đã hình thành 3 đống rác to tràn ra lộ (ảnh). Theo chính quyền xã Hòa Tịnh, dù có bảng cấm đổ rác nhưng những người thiếu ý thức cứ quăng, ném thản nhiên, nhất là vào lúc trời tối, vắng người. |
Trước vấn nạn này, bà Đỗ Thị Lối, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Thành cho biết: “Mặc dù xã đã nhiều lần họp, vận động 100 hộ dân cam kết thực hiện vệ sinh môi trường, xin ý kiến mức thu phí và tất cả đều thống nhất.
Thế nhưng hàng tháng thu khoảng 600.000 đồng, trong khi đó, hợp đồng với Phòng Kinh tế - Hạ tầng mỗi tháng lấy rác 2 lần, tổng chi phí hơn 1,5 triệu đồng/tháng. UBND xã đã phải “bấm bụng” nợ Phòng Kinh tế từ tháng 1-2012 đến nay”.
Bà Lối khẳng định: Người dân trong xã quăng rác bừa bãi cũng có, nhưng đa số là ở nơi khác. “Họ vô đầy bao, chở bằng môtô đến ngang chỗ có rác tuôn xuống rồi chạy, có ai mà phát hiện” – bà Lối bức xúc.
Câu chuyện về xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn vốn là chuyện dài nhiều tập, không phải chỉ có ở các địa chỉ như đã nêu. Vậy nên, cùng với các giải pháp quyết liệt từ phía chính quyền, mong rằng trong mỗi người dân cần xây dựng ý thức tự giác, biết giữ gìn vệ sinh chung, không nên vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường sống.
ANH TUẤN