Bổ sung yêu cầu PCCC tại chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng
Bộ Công an xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) đang dự kiến bổ sung một số điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, công trình ngầm, đường hầm, phương tiện giao thông cơ giới...
Ngoài những yêu cầu đã được quy định tại Luật PCCC, các chợ và trung tâm thương mại phải tách điện phục vụ kinh doanh, sinh hoạt, bảo vệ và chữa cháy thành từng hệ thống riêng biệt; có phương án thoát nạn và giải tỏa hàng hóa khi có cháy xảy ra; dự thảo còn bổ sung yêu cầu các chợ và trung tâm thương mại phải trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động theo quy định.
Đối với nhà cao tầng thì ngoài giải pháp chống tụ khói, lan truyền khói và hơi độc do cháy sinh ra... thì dự thảo còn yêu cầu vật liệu xây dựng, vật liệu trang trí nội thất phải là vật liệu không cháy hoặc khó cháy.
Quy định về PCCC đối với nhà khung thép, mái tôn cũng được bổ sung vào dự thảo. Theo đó, nhà khung thép, mái tôn có diện tích lớn sử dụng làm nơi sản xuất, kho chứa hàng hóa dễ cháy, nổ phải có giải pháp tăng giới hạn chịu lửa đối với các kết cấu chịu lực để chống sụp đổ công trình khi xảy ra cháy.
Phòng Cảnh sát PCCC-Cứu nạn cứu hộ (CATG) đã được trang bị xe thang để chữa cháy đối với nhà cao tầng. Ảnh: P.Long |
Còn phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC được đóng mới và cải tạo chỉ được cơ quan đăng kiểm cấp chứng chỉ đăng kiểm khi đã được duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung thêm đối tượng bắt buộc phải có phương án chữa cháy là khu phố, cụm dân cư. Đồng thời, quy định thêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, trưởng thôn, trưởng ấp, trưởng bản, tổ trưởng dân phố, trưởng khu phố, trưởng cụm dân cư, chủ rừng, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC trong phạm vi quản lý của mình phải tổ chức xây dựng phương án chữa cháy. Phương án chữa cháy phải được phê duyệt và tổ chức thực tập.
Bộ Công an cho biết, trong công tác PCCC, việc quy định thành lập và duy trì hoạt động của đội PCCC dân phòng ở thôn, ấp, bản, tổ dân phố có ý nghĩa rất quan trọng, lực lượng này làm nòng cốt để thực hiện công tác PCCC ở địa phương.
Hiện nay ở một số địa phương đã thành lập đội dân phòng ở khu phố hoặc cụm dân cư hoạt động có hiệu quả. Do đó, ngoài thôn, ấp, bản và tổ dân phố, dự thảo đã bổ sung khu phố, cụm dân cư là những nơi phải thành lập đội PCCC dân phòng.
Mặt khác, lực lượng dân phòng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện và xử lý các sự cố về cháy, nổ, sự cố tai nạn hàng ngày ngay từ ban đầu, nhưng hiện chưa có quy định cụ thể về nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ hàng ngày của lực lượng này. Do vậy, dự thảo cũng bổ sung thêm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ hàng ngày cho lực lượng dân phòng.
(Theo chinhphu.vn)