Cách làm hay nhằm giảm bạo lực học đường
Trước tình trạng bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng hơn, nhiều trường đã đề ra những giải pháp tích cực để khắc phục và bước đầu đạt kết quả. Điều này được kiểm chứng qua cách làm của trường THCS Xuân Diệu, TP. Mỹ Tho.
GIÁM SÁT...
Theo dõi, phát hiện và kịp thời ngăn chặn khi vụ việc chưa xảy ra là cách trường THCS Xuân Diệu áp dụng từ nhiều năm nay. Những người có nhiệm vụ thực hiện biện pháp này là các giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường và bảo vệ (trường thuê 3 người, có 2 người do phụ huynh và các thầy cô trả lương).
Các bảo vệ này có trách nhiệm theo sát từng biểu hiện của học sinh nhằm phát hiện ra các hành động bất thường như: Có thái độ nóng nảy, tụ tập nhóm… để cùng giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu giải quyết kịp thời.
Bên cạnh đó, trường còn có 4 giám thị. Đây cũng là những người sát cánh cùng bảo vệ trong việc giám sát và uốn nắn học sinh, đặc biệt là các em được xếp vào diện “có vấn đề”. Tất nhiên, sự việc này diễn ra trong âm thầm để tránh tâm lý ức chế cho các em.
"Không gian xanh" tạo sự thoải mái cho học sinh. |
Cô Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ: “Mấy năm nay việc giám sát khá tốt. Đó là công lao không nhỏ của các giáo viên, giám thị và bảo vệ. Họ là những người phát hiện ra biểu hiện bất thường ở các em và đề ra những giải pháp phù hợp nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề.
Các giải pháp thường được chọn là ngăn xung đột ngay từ ban đầu, tiếp cận các em xem có vấn đề gì để kịp thời giúp đỡ. Chính vì thế, trong 2 năm gần đây hầu như không còn tình trạng các em đánh nhau trong trường”.
Thực hiện việc giám sát, ngay từ đầu giờ, các bảo vệ có nhiệm vụ đảo các vòng sân, chỗ nào đông và có nghi vấn là kịp thời có mặt ngay. Nếu không thể giải quyết, các bảo vệ sẽ nhờ đến sự phụ giúp của giám thị và giáo viên chủ nhiệm.
Đặc biệt, làm bảo vệ trong nhà trường phải tận tâm, có mặt ở trường từ 6 giờ sáng đến 17 giờ 30 chiều, đến khi học sinh về hết. Đó là không kể chuyện bảo vệ không được dùng biện pháp mạnh, mà phải giải quyết sự việc dựa trên sự thông cảm và hiểu cho hoàn cảnh của các em.
Anh Nguyễn Quốc Phi, bảo vệ nhà trường cho hay: “Công việc này thoáng nghe thì đơn giản, nhưng để làm tốt quả thật không dễ chút nào. Các bảo vệ không được để mình có thành kiến với các em, nhìn các em bằng con mắt kỳ thị hay hà khắc, vì như thế các em rất dễ tổn thương, hậu quả còn khó khắc phục hơn”.
Anh Phi nhớ nhất là vụ học sinh có sử dụng hung khí khi gây nhau khiến có em phải nhập viện, đó cũng là năm đầu tiên anh mới về trường làm bảo vệ được vài ngày. Những năm gần đây, các vụ việc giảm dần, có chăng chỉ là những vụ gây gỗ nho nhỏ giữa các học sinh với nhau. Tuy nhiên, các vụ này giải quyết nhanh chóng khi người lớn nắm bắt và kịp thời giải quyết gút mắc giữa các em “có vấn đề”.
Anh Phi chia sẻ: Làm việc nhiều năm, chúng tôi gần như biết mặt từng em, đặc biệt là các em thuộc dạng “đối tượng”. Em nào biểu hiện như thế nào, tính tình ra sao, hoàn cảnh… đều được chúng tôi biết đến. Chính vì thế, việc dàn xếp vụ việc cũng dễ dàng hơn.
NHIỀU GIẢI PHÁP PHỐI HỢP
Bên cạnh việc giám sát, theo dõi, các giáo viên nhà trường cũng có nhiều biện pháp khác nhằm nâng cao đạo đức học sinh. Đây cũng được xem là các biện pháp thiết thực nhằm giảm thiểu bạo lực học đường hiệu quả của trường. Mỗi thầy cô sẽ là một tấm gương cho các em noi theo và giáo viên cũng là những nhà tâm lý của học sinh.
Tuy chưa có phòng tham vấn tâm lý riêng, nhưng Văn phòng Đoàn trường và bí thư chi đoàn sẽ cùng giáo viên chủ nhiệm các lớp tham vấn cho các em khi cần. Các em có thể liên lạc với thầy cô qua email, điện thoại… để chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và cùng thầy cô tìm ra giải pháp tốt nhằm giải tỏa tâm lý.
Trường cũng thường xuyên chăm lo, tích cực giáo dục truyền thống cho các em. “Phòng Tiền vãng” được đặt tại trường cũng chính là một điểm thuận lợi. Mỗi đầu tuần hay các dịp lễ, tết… học sinh sẽ đến thắp nhang cho các giáo viên đã khuất, cùng nhau chia sẻ những bài học đạo đức, những lời dạy cũng như tấm gương của các thế hệ giáo viên.
Trường cũng tổ chức nhiều phong trào như thể dục thể thao, vẽ tranh… bằng cách xây dựng các câu lạc bộ, nhằm thu hút những học sinh có năng khiếu. Đây cũng là cách để phát hiện và bồi dưỡng, giúp các em phát huy thế mạnh bản thân.
Ngoài ra, Ban giám hiệu nhà trường cũng cố gắng tạo một không gian học tập tốt cho các em. Lớp học phải thoáng, mát; sân trường phải rộng rãi, thoải mái để các em có một không gian nhằm giải tỏa căng thẳng sau những giờ học mệt mỏi.
Cô Nguyễn Thị Thúy chia sẻ: Chủ trương của nhà trường là tạo cho học sinh một không gian học tập vui vẻ, thoáng mát; hướng học sinh đến cái lành mạnh, bớt đi những cái xấu. Tôi nghĩ giáo dục đạo đức học sinh là một vấn đề khó, nhưng không phải là không thể làm.
Điều quan trọng là mỗi giáo viên phải có tình thương thật sự vì tình thương sẽ cảm hóa được mọi thứ. Các em còn nhỏ nên tôi tin rằng chỉ cần bỏ công sức ra sẽ dễ dàng hướng các em trở thành người tốt. Quan trọng là mỗi thầy cô phải tạo được lòng tin cho các em và sẵn sàng tìm hiểu kỹ hoàn cảnh, tâm tư của từng em khi các em “mắc lỗi”.
Vì chỉ cần nắm được tâm tư, tình cảm cũng như biết được nguyện vọng của các em là có biện pháp thích hợp ngay. Phải thống nhất là không được đẩy các em vào đường cùng, phải luôn tạo cơ hội cho các em sửa mình và vươn lên.
MINH CHÂU