Cảnh báo về thảm họa tai nạn giao thông
Ngày 19-11, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT). Nhân sự kiện này, báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã phỏng vấn ông Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia.
PV: Thưa Bộ trưởng, nước ta lần đầu tiên tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT, xin ông cho biết ý nghĩa của sự kiện này? Qua đây, Ủy ban ATGT Quốc gia có chuyển thông điệp gì tới các ngành, các cấp và tới tất cả những người tham gia giao thông?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Trên thế giới cứ mỗi ngày có hơn 3.500 người chết và khoảng 100.000 người bị thương tật do TNGT đường bộ. Những đau thương, mất mát mà gia đình nạn nhân phải gánh chịu là rất lớn. Để nhắc nhở mọi người luôn ý thức về mối hiểm nguy đó, năm 1993, Tổ chức Hòa bình Đường bộ (Road Peace) đã khởi xướng Ngày Thế giới tưởng nhớ các nạn nhân tai nạn giao thông đường bộ.
Ngày 27-10-2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức công nhận và chọn ngày chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là "Ngày Tưởng nhớ nạn nhân TNGT” trên phạm vi toàn cầu.
Tại Việt Nam, năm ATGT 2012 là năm đầu tiên Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT vào ngày 19-11. Thông qua đó nhằm cảnh báo cho toàn xã hội về thảm họa TNGT, các nguyên nhân và nguy cơ gây TNGT tại Việt Nam; đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức của toàn dân trong việc chấp hành pháp luật trật tự ATGT; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Bên cạnh đó, lễ tưởng niệm cũng là dịp để mọi người bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số khi tham gia giao thông; bày tỏ sự chia sẻ nỗi mất mát, chia sẻ gánh nặng với người thân của họ.
Bộ trưởng Đinh La Thăng (trái) tặng quà cho cháu Bùi Thị Chúc 10 tuổi bị chấn thương sọ não tại Bệnh viện Việt Đức hôm 3-11. Ảnh: Báo Lao Động |
PV: Trong hơn 10 tháng của năm 2012, tình hình TNGT giảm mạnh, trong đó, số vụ giảm 22,1%, số người chết giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này nói lên điều gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Trong 10 tháng của năm 2012, tình hình TNGT giảm mạnh, trong đó, số vụ giảm 22,1%, số người chết giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy nỗ lực của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong việc thực hiện các giải pháp cấp bách và lâu dài trong công tác bảo đảm trật tự ATGT; mặc dù trong điều kiện nguồn lực đầu tư nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải còn hạn hẹp, không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện.
Thế nhưng công tác bảo đảm trật tự ATGT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông đã được nâng cao, bước đầu thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm trật tự ATGT trên phạm vi cả nước.
Điều đó cũng khẳng định các giải pháp mà Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành và đang được triển khai thực hiện trong thời gian qua là phù hợp với thực tiễn, mang tính khả thi cao cần phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ hơn trong năm 2012 và các năm tiếp theo.
PV: Thưa Bộ trưởng, kết quả nêu trên là đáng trân trọng, tuy nhiên thực tế tình hình TNGT vẫn ở mức cao (gần 7.700 người chết trong 10 tháng năm 2012), vậy từ nay đến cuối năm, Ủy ban ATGT Quốc gia có chỉ đạo triển khai các giải pháp gì mới để nhằm giảm thiểu TNGT?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Như đã nói ở trên, trong 10 tháng của năm 2012, TNGT so với cùng kỳ năm 2011 giảm mạnh cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy đã vượt được mục tiêu do Quốc hội đề ra cho năm 2012, nhưng đây mới là kết quả bước đầu, tình hình trật tự an toàn giao thông nhìn chung vẫn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp và vẫn là một thách thức lớn.
Để bảo đảm trật tự ATGT trong những tháng cuối năm 2012, Ủy ban ATGT Quốc gia vừa ra Công điện 336/CĐ-UBATGTQG yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, Trưởng ban Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Tập trung chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động bảo đảm trật tự ATGT những tháng cuối năm 2012, nhất là các địa phương có xu hướng gia tăng số người chết do TNGT thời gian qua; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức đợt hoạt động cao điểm bảo đảm trật tự ATGT Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2013 (từ ngày 16-12-2012 đến 15-3-2013)...
Tổ chức tổng kết hoạt động Năm ATGT 2012 và xây dựng kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT năm 2013 với chủ đề “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”, xây dựng chương trình hành động và kế hoạch cụ thể để triển khai Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông tốt hơn ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, cần phải công khai danh tính cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật giao thông và không bình xét thi đua cuối năm đối với những trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm. Vậy, quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Việc công khai danh tính cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật giao thông không phải là giải pháp mới. Thực tế việc công khai danh tính cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật giao thông đã được Bộ Công an quy định trong Thông tư số 38/2010/TT-BCA về quy định việc thông báo người có hành vi vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đến nơi người đó cư trú, công tác, học tập hoặc thông báo đến cơ quan thông tin đại chúng.
Công an xã, phường, thị trấn khi nhận được thông báo vi phạm có trách nhiệm vào sổ theo dõi và chuyển thông báo vi phạm đó đến tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn nơi cư trú của người vi phạm hoặc đến cơ quan, trường học nếu người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên để kiểm điểm, giáo dục; nơi nhận thông báo có trách nhiệm báo lại cho cơ quan đã ra thông báo vi phạm theo phiếu báo.
Trong thời gian tới, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ ban hành văn bản quy định rõ việc khen thưởng và kỷ luật đối với các thủ trưởng các Bộ, ngành, người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT và khắc phục ùn tắc giao thông.
Quy định việc chấp hành pháp luật về giao thông là một tiêu chuẩn đánh giá kết quả công tác của cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và của cán bộ, đảng viên, hội viên.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
(Theo dangcongsan)