Thứ Tư, 14/11/2012, 12:19 (GMT+7)
.

Quy trình bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là vấn đề được rất nhiều người dân, cơ quan, tổ chức quan tâm. Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu chính đáng này của người dân, xin giới thiệu tóm tắt nội dung quy trình bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất được thực hiện theo các bước sau:

Người dân nhận tiền đền bù. Ảnh Duy Sơn
Người dân nhận tiền đền bù. Ảnh Duy Sơn

Giai đoạn trước khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, giao đất.  

Bước 1: Thỏa thuận địa điểm    

Các chủ đầu tư hoặc tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án đầu tư (gọi chung là chủ đầu tư) nộp hồ sơ tại cơ quan tiếp nhận về đầu tư tại địa phương (Sở Kế hoạch và Đầu tư).

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến các cơ quan liên quan đến dự án đầu tư để xem xét giới thiệu địa điểm theo thẩm quyền hoặch trình UBND cấp tỉnh xem xét giới thiệu địa điểm. 

Bước 2: Công bố chủ trương thu hồi đất

- Ngay sau khi giới thiệu địa điểm đầu tư, UBND cấp tỉnh thông báo thu hồi đất hoặc uỷ quyền cho UBND cấp huyện thông báo thu hồi đất; trường hợp thu hồi đất theo quy hoạch thì thực hiện thông báo sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được xét duyệt và công bố.

- Nội dung thông báo thu hồi đất gồm: lý do thu hồi đất, diện tích và vị trí khu đất thu hồi trên cơ sở hồ sơ địa chính hiện có hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt và dự kiến về kế hoạch di chuyển.

-  Việc thông báo thu hồi đất được thực hiện trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã nơi có đất, tại địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư có đất thu hồi.

Bước 3: Giao nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Ngay sau khi chấp nhận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư được tiến hành khảo sát, lập dự án đầu tư; Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm lập và giao nhiệm vụ cho Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện hoặc Tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện nhiệm vụ bồi thường.

Bước 4: Lập phương án tổng thể.

- Chủ đầu tư liên hệ với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng để lập phương án tổng thể. Phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là một nội dung của dự án đầu tư do nhà đầu tư lập và được phê duyệt cùng với phê duyệt dự án đầu tư; trường hợp dự án đầu tư không phải trình cơ quan Nhà nước xét duyệt hoặc không phải cấp giấy chứng nhận đầu tư, UBND cấp huyện nơi có đất có trách nhiệm xem xét, chấp thuận phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

- Nội dung phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gồm:

Diện tích các loại đất dự kiến thu hồi; tổng số người sử dụng đất trong khu vực dự kiến thu hồi đất; dự kiến số tiền bồi thường, hỗ trợ; việc bố trí tái định cư (dự kiến về nhu cầu, địa điểm, hình thức tái định cư); dự kiến thời gian và kế hoạch di chuyển, bàn giao mặt bằng.

Phương án tổng thể phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt hoặc văn bản chấp thuận để làm căn cứ lập hồ sơ đề nghị thu hồi đất, giao đất hoặc thuê đất.

Giai đoạn thu hồi đất, bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, tái định cư:

Sau khi dự án đầu tư được xét duyệt hoặc chấp thuận thì Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc Tổ chức phát triển quỹ đất có trách nhiệm lập và trình phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, gồm các bước sau:

Bước 1. Kiểm kê đất đai, tài sản có trên đất

Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có trách nhiệm phối hợp với chủ đầu tư (tổ chức thực hiện bồi thường), UBND cấp xã tiến hành kiểm kê gồm:

Đất đai: Họ tên, địa chỉ người có đất bị thu hồi; nguồn gốc đất, diện tích, loại đất, vị trí đất bị thu hồi...; tài sản trên đất, gồm nhà ở, công trình, kiến trúc, cây trồng...; khi kê khai, kiểm kê cần phải thực hiện việc đo, đếm cụ thể, xác định đúng, đủ về số lượng, khối lượng, tỷ lệ % còn lại của tài sản bị thiệt hại; số nhân khẩu, hộ khẩu đang sống chung cùng gia đình, số lao động trong độ tuổi, ngoài độ tuổi; lao động trực tiếp sản xuất nông nghiệp; đối tượng gia đình chính sách, hộ nghèo...; các tiêu chí này là cơ sở để tổ chức thực hiện bồi thường tiến hành xác định mức các khoản hỗ trợ.

Cần lưu ý: Khi kiểm kê, người bị thu hồi đất cần hợp tác với tổ chức thực hiện bồi thường để đo, đếm cụ thể và thể hiện đầy đủ trong biên bản kiểm kê đất, tài sản trên đất, có chữ ký xác nhận của người có đất bị thu hồi. Trường hợp chưa thống nhất thì ghi rõ ý kiến của mình vào biên bản trước khi ký.

Bước 2. Lập phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư   

Tổ chức thực hiện bồi thường là đơn vị giúp Hội đồng bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất chịu trách nhiệm lập phương án chi tiết đối với từng tổ chức, cá nhân, hộ gia đình bị thu hồi đất, trên cơ sở tổng hợp số liệu kiểm kê, xử lý các thông tin liên quan của từng trường hợp; áp giá tính giá trị bồi thường về đất, tài sản trên đất; áp dụng điều luật để xác định và mức hỗ trợ khác cho từng đối tượng gồm các nội dung chủ yếu sau:

Tên, địa chỉ của người bị thu hồi đất; diện tích, loại đất, vị trí, nguồn gốc của đất bị thu hồi; số lượng, khối lượng, tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của tài sản bị thiệt hại; tỷ lệ % diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi trên tổng diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng trong hạn mức;

Các căn cứ tính toán số tiền bồi thường, hỗ trợ như giá đất, giá nhà, công trình, tài sản trên đất; số nhân khẩu, số lao động trong độ tuổi, số lượng người được hưởng trợ cấp xã hội; số tiền bồi thường (về đất, tài sản trên đất), số tiền được hỗ trợ (bao gồm các khoản); việc di dời các công trình của Nhà nước, của tổ chức, của cơ sở tôn giáo, của cộng đồng dân cư; việc di dời mồ mả.

Phương án tái định cư trong từng dự án cụ thể: Chủ đầu tư phải lập phương án tái định cư cho những hộ thuộc đối tượng phải di dời chỗ ở; giá đất tái định cư; mức hỗ trợ chênh lệch tiền sử dụng đất tái định cư; diện tích đất tái định cư được tính hỗ trợ cho từng hộ gia đình và tổng hợp chung của dự án…

(Phòng Định giá đất & Tái định cư, Sở TN&MT)



 

.
.
.