Sao lại xử lý theo kiểu có người “chọt”?
Đất nhà của một giáo viên (GV) do tổ tiên mấy đời để lại nằm ven đường tỉnh 877A, thuộc địa phận xã Long Bình, huyện Gò Công Tây. Thấy nhiều người ở dọc hai bên đường, nhất là những người hàng xóm xây hàng rào kiên cố, thậm chí là xây nhà trong lộ giới, GV này cứ ngỡ đúng quy định nên tiến hành xây hàng rào và hai trụ cổng bằng bê tông kiên cố.
Công trình thi công không bao lâu thì cán bộ Địa chính xã đến đo đạc, lập biên bản, yêu cầu đình chỉ thi công với lý do: Xây hàng rào vi phạm lộ giới. Vị GV trên đặt vấn đề: Tại sao những nhà gần đó cũng xây hàng rào kiên cố, cất nhà trong lộ giới nhưng lại không bị làm sao? Vị cán bộ Địa chính bảo: Những người đó có vi phạm nhưng không ai “chọt” nên không xử lý; còn trường hợp này có người “chọt” nên bắt buộc phải lập biên bản, đình chỉ thi công, chớ xã không muốn làm vậy (?).
Vị GV và cả gia đình vợ con đều là nhà giáo cứ băn khoăn: Gia đình mình từ mấy đời ông cha cho tới hiện nay sống với bà con xóm giềng có tiếng là thơm thảo. Tại sao bây giờ lại có người “chọt” vụ xây hàng rào vi phạm lộ giới? Cả gia đình cứ kiểm điểm tới lui xem mình đã làm gì mích lòng hàng xóm đến nỗi phải bị “chọt”?
Một hộ dân có nhà ngay dưới dốc cầu Long Bình, do xây dựng lấn chiếm đất công, vi phạm hành lang bảo vệ cầu, làm che khuất tầm nhìn và cản trở lối đi của hộ lân cận nên bị khiếu nại. Chính quyền đã có quyết định buộc phải tháo dỡ.
Hộ dân này cho biết: Khi tiến hành xử lý thì cán bộ xã bảo “Tại nhà hàng xóm thưa kiện hoài rồi cấp trên quyết định mới buộc phải tháo dỡ chứ xã đâu muốn làm vậy”. Câu nói làm tăng thêm mức độ sâu sắc của sự mâu thuẫn sẵn có giữa 2 gia đình lân cận.
Cứ cho là vị GV (đã nêu ở trên) xây hàng rào kiên cố không xin phép và có vi phạm lộ giới… Và căn cứ theo quy định của pháp luật là phải xử phạt thì về nguyên tắc, người đại diện chính quyền cứ đến tuyên bố lý do, đưa ra các văn bản pháp luật, xác định mức độ vi phạm và công bố hình thức xử lý tương ứng.
Nếu như thế thì chuyện sẽ chẳng có gì để nói, cần gì phải viện lý do là “có người chọt”. Trường hợp hộ dân ở gần cầu Long Bình cũng vậy, đừng đổ thừa là vì hộ lân cận thưa kiện hay do quyết định của cấp trên.
Rõ ràng, cán bộ cơ sở đã vô hình trung làm cho dân nghi ngờ, mâu thuẫn với nhau, dẫn tới mất đoàn kết, sứt mẻ tình làng nghĩa xóm. Nhiều người cùng có hình thức vi phạm như nhau mà chỉ xử lý người này lại không xử lý người kia làm cho dư luận có quyền nghi ngờ về sự thiếu trong sạch, thiếu minh bạch trong quản lý Nhà nước.
TRUNG NGÔN