Sử dụng ĐTDĐ khi lái xe: Nhiều người vẫn thờ ơ
Tại Việt Nam, theo Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước có khoảng 122 triệu thuê bao di động. Nếu so với dân số cả nước ước đạt 88 triệu người thì số thuê bao di động hiện nay đã gấp khoảng 1,5 lần dân số cả nước.
Sử dụng ĐTDĐ khi điều khiển ôtô, môtô là hành vi nguy cơ cao gây TNGT. |
Một nghiên cứu được tiến hành bởi Viện Giao thông công nghệ Virginia (Mỹ) cho thấy, những người trao đổi tin nhắn trên điện thoại khi đang lái xe có khả năng làm tăng nguy cơ gây TNGT lên đến 23 lần.
Một nghiên cứu tại Anh cho biết, những người vừa lái ôtô vừa gửi tin nhắn nguy hiểm hơn cả những người lái xe đã uống rượu hoặc dùng ma túy.
Theo đó, tốc độ phản ứng giảm 35% trong khi gửi một tin nhắn, so với 12% đối với người lái xe uống rượu ở giới hạn cho phép và 21% đối với người bị ảnh hưởng của ma túy.
Để nhắn tin khi lái xe, tài xế mất khoảng 63 giây, gấp 3 lần thời gian so với ngồi nhắn tin ở văn phòng. Trong khoảng thời gian hơn 1 phút đó, chỉ cần ở tốc độ trung bình 50km/h, xe đã đi được 800m.
Ngoài ra, họ phải bỏ một tay ra khỏi vô lăng để cầm điện thoại, cố gắng tập trung đọc chữ nhỏ trên màn hình và suy nghĩ nội dung tin nhắn. Những yếu tố đó làm sự tập trung của lái xe giảm đi đáng kể, khiến họ không thể phản ứng kịp thời với những sự cố bất ngờ trên đường.
Tại Việt Nam, Luật Giao thông đường bộ, tại điểm d, khoản 3, điều 28 quy định: “Cấm người đang điều khiển môtô, xe gắn máy có hành vi sử dụng ĐTDĐ”. Mới đây, Nghị định 71/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (có hiệu lực từ 10-11-2012) cũng quy định: Xử phạt 60.000 - 80.000 đồng đối với người đang điều khiển xe máy sử dụng ĐTDĐ.
Nhưng thực tế thì tình trạng người điều khiển môtô, ôtô sử dụng ĐTDĐ vẫn diễn ra khá phổ biến. Nhiều ý kiến cho rằng, một phần do mức phạt thấp, phần khác do lực lượng chức năng ít quan tâm xử lý hành vi này.
Rõ ràng, mối nguy của một hành vi nguy cơ cao gây TNGT mà nhiều người vẫn thờ ơ.
(Theo banduong.vn)