Bị nghi trộm tiền, một học sinh lớp 3 tự tử
Hơn 1 tuần trôi qua, mặc dù đã qua cơn nguy hiểm nhưng em Nguyễn Thanh T., học sinh lớp 32, Trường Tiểu học Bình Nhì 1 (Gò Công Tây) vẫn trong tình trạng hoảng loạn và tạm thời phải nghỉ học.
Trước đó, chỉ vì bị nghi ngờ lấy cắp tiền của cô giáo mà T. đã lấy thuốc diệt cỏ tự tử. Sự việc đáng để các bậc phụ huynh, nhà trường suy ngẫm.
Ông Nguyễn Văn Cửu, Hiệu trưởng trường tiểu học Bình Nhì 1 cho biết, trước đó vào ngày 17-11, cô T.T.K.C, giáo viên của trường, bị mất 500 ngàn đồng để trong cặp nhưng chưa rõ thủ phạm. Đến ngày 29-11, khi cô C. để cặp ở băng đá trước lớp thì phát hiện em T. mở cặp. Khi cô giáo hỏi: “Sao em mở cặp của cô?” thì T. nói là lấy lộn cặp.
Theo tường trình của cô C. với nhà trường thì sau đó, cô bảo T. viết một tờ giấy và T. nhận là có lấy tiền của cô giáo về đưa cho mẹ. Sau giờ học, cô C. cho một học sinh cùng T. về nhà nhưng không tìm thấy tiền. Ngày hôm sau (30-11), mẹ của em T. đến trường và khẳng định T. không có đưa tiền cho bà.
Lúc này vì quá hoảng sợ nên T. nói là để ở trong mấy quyển tập. Nhưng khi về nhà T. cũng tìm không có. Bị mẹ trách mắng, quở phạt, quá uất ức nên T. đã lấy chai thuốc diệt cỏ uống tự tử ngay sau đó. Vì uống phải loại thuốc cực độc nên em được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. Hồ Chí Minh cứu chữa. Theo một số giáo viên của trường, T. là học sinh có học lực khá.
“Sự việc xảy ra quá bất ngờ, Ban Giám hiệu đã họp, yêu cầu cô C. tường trình và đã báo cáo lên Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện” – ông Nguyễn Văn Cửu xác nhận.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Gò Công Tây cho biết đã nhận được báo cáo của Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Nhì 1 về vụ việc này; đồng thời sẽ kiểm điểm những sai phạm của cô C.
Qua báo cáo của trường, ông Hoàng chỉ rõ những sai phạm trong cách giáo dục tâm lý học sinh của cô C. là phân công một học sinh cùng về nhà T. để tìm số tiền mà cô C. nghi ngờ T. lấy cắp. Sai phạm thứ hai là quá nóng vội trong xử lý, yêu cầu T. viết giấy có thừa nhận lấy cắp tiền mà không có người giám hộ hay giáo viên của trường là không khách quan dẫn đến tâm lý hoảng sợ.
Khi nói về sự việc đáng tiếc trên, nhiều người cho rằng, trách nhiệm lớn nhất thuộc về gia đình và nhà trường. Họ đã không quan tâm và có biện pháp quá cứng rắn.
Trên thực tế, khi trẻ gặp bế tắc, không tìm ra hướng giải quyết thì với sự bồng bột, ngây thơ, việc các em tìm đến cách giải quyết tiêu cực là điều rất dễ xảy ra.
KIỀU TƯỚC NGUYÊN