Triển khai Luật Biển & Luật Phòng, chống rửa tiền
Ngày 13-12, tại hội trường UBND huyện Châu Thành, hơn 100 cán bộ của 23 xã, thị trấn về dự triển khai Luật Biển Việt Nam và nghe thông tin về tình hình Biển Đông.
Hội nghị nhằm quán triệt và phổ biến sâu rộng các quy định của Luật Biển; đồng thời nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức và nhân dân hiểu đúng về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế - xã hội các vùng biển.
Luật Biển Việt Nam có 6 chương, 55 điều, được Quốc hội thông qua ngày 21-6-2012 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2013. Nội dung luật bao gồm: Các nguyên tắc xây dựng luật; nguyên tắc, chính sách quản lý và bảo vệ biển; quản lý nhà nước về biển; các quy định về vùng biển Việt Nam: Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, đảo, quần đảo; các quy định về hoạt động trong vùng biển Việt Nam; quy định về phát triển kinh tế biển, quy định lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển và quy định về xử lý vi phạm…
* Sáng ngày 14-12, Hội đồng Giáo dục pháp luật huyện Gò Công Tây tổ chức hội nghị triển khai Luật Phòng, chống rửa tiền. Luật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2013. Luật áp dụng với tất cả các tổ chức tài chính, cá nhân tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…
Luật Phòng, chống rửa tiền có 5 chương, 50 điều nêu rõ các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền; các quy định về mức giao dịch có giá trị lớn, về giao dịch chuyển tiền điện tử vượt mức giá trị theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Luật cũng quy định chi tiết các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, trò chơi có thưởng, casino, bất động sản.
Ngoài ra, Luật cũng nêu rõ những hành vi bị nghiêm cấm như: lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống rửa tiền để xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng chống rửa tiền; đe dọa trả thù người phát hiện, cung cấp thông tin, tố cáo về hành vi rửa tiền.
Luật cũng nêu rõ quy định trách nhiệm bảo mật thông tin, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền. Luật nêu rõ vai trò của Ngân hàng Nhà nước là đơn vị đầu mối thu thập, phân tích, lưu giữ các báo cáo giao dịch đáng ngờ, báo cáo giao dịch có giá trị lớn…
A. TUẤN – K. LAN