Cần quy định cụ thể về phân loại đất trồng lúa
Qua nghiên cứu Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thế Khải đã có nhiều ý kiến đóng góp xoay quanh các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảng giá đất cũng như các quy định về đất nông nghiệp và giải quyết tranh chấp đất đai.
Theo Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thế Khải, ở khoản 2, Điều 109 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Trường hợp cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường chậm chi trả thì khi thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi, ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì người có đất thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả”.
Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thế Khải. |
Quy định như thế là chưa đủ vì chưa có quy định cụ thể thời hạn chi trả bao lâu thì mới tính là chậm chi trả. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thời hạn chi trả cụ thể vào Luật thì mới xác định được thời gian chậm trả (Luật Quản lý thuế tính thời gian chậm nộp khi người nộp thuế chậm nộp so với thời gian cơ quan thuế quy định phải nộp).
Đề nghị Ban soạn thảo nhập hai điều gồm Điều 147 dự thảo Luật về các khoản thu tài chính từ đất đai và Điều 149 về các khoản thu từ dịch vụ công về đất đai của dự thảo, bởi vì đều là khoản thu cho ngân sách nhà nước liên quan đến đất. Nếu không nhập lại thì đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm 1 khoản tại Điều 149 nói rõ khoản thu này như thế nào vì không có quy định trong khi khoản 2, Điều 147 về các khoản thu tài chính từ đất đai quy định cụ thể là “Các khoản thu tài chính từ đất đai là nguồn thu của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước”.
Quy định ở điểm b, khoản 1 Điều 153 của dự thảo Luật về nguyên tắc, phương pháp định giá đất “Theo thời hạn sử dụng đất và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất” cần phải quy định cụ thể “các yếu tố khác” là yếu tố nào, rõ ràng trong Luật, không nên ghi chung chung dễ bị lạm dụng cũng như không biết để áp dụng.
Quy định “Bảng giá đất được xây dụng định kỳ hằng năm được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1-1 của năm” ở Điều 154 có ưu điểm là giá đất theo sát thị trường. Tuy nhiên, việc thực hiện hằng năm với quy trình thủ tục để quyết định giá đất có nhiều bước, nhiều đơn vị tham gia, mất nhiều thời gian tiếp cận thực tế giá đất trên thị trường, có khi vừa công bố xong thì phải chuẩn bị cho xây dựng giá đất năm sau.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng 2 hoặc 3 năm công bố 1 lần hoặc khi chênh lệch giá với thị trường từ 20% trở lên. Điều quan trọng là Nhà nước tăng cường các biện pháp không để giá đất tăng ngoài vòng kiểm soát. Việc tăng giá đất như thời gian qua làm đa số người dân, công nhân, viên chức, lao động có mức sống trung bình không thể mua đất xây nhà để ổn định cuộc sống.
Đối với các quy định về đất trồng lúa, lý do chia đất trồng lúa ra làm 2 loại không được giải thích cụ thể ở khoản 1, Điều 176 quy định “Đất trồng lúa gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại. Đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ hai vụ lúa trở lên”. Giả sử người dân có đất chuyên trồng lúa, do thất mùa nên trồng 1 vụ lúa, 1 vụ màu được không? Hoặc đất trồng lúa còn lại kết hợp trồng màu được không? Quyền lợi, nghĩa vụ của 2 loại đất này có gì khác biệt, vì vậy nên bổ sung những quy định cụ thể về sự phân loại này.
Cùng với đó, người dân được quyền hiểu là nếu có tiền thì được chuyển sang đất phi nông nghiệp theo quy định ở khoản 4 “Nhà nước có chính sách bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp” và khoản 5 “Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa phải nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ” của Điều 176 của dự thảo Luật. Vì thế, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu một cách thấu đáo hơn để bảo vệ đất trồng lúa, mặc dù đã có quy định “hạn chế” nhưng hạn chế như thế nào, định mức ra sao chưa có trong Luật sẽ rất dễ bị lạm dụng.
Ở Điều 225 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai có 2 khoản quy định theo hướng các tranh chấp đất đai được chuyển toàn bộ cho Tòa án giải quyết, UBND các cấp chỉ cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý sử dụng đất cho Tòa án giải quyết. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét giữ theo quy định hiện hành, có nghĩa là UBND các cấp giải quyết các tranh chấp đất đai chưa có giấy tờ, Tòa án giải quyết các tranh chấp đã có giấy tờ chứng nhận hoặc do đương sự yêu cầu. Nếu Tòa án giải quyết toàn bộ thì chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều.
CAO THẮNG (lược ghi)