Thứ Hai, 16/04/2012, 15:35 (GMT+7)
.

Trắng đêm cùng người giữ nghêu

Mỗi năm, từ tháng 2 đến tháng 8 là mùa thu hoạch nghêu ở vùng biển Gò Công. Dù tình hình “nghêu tặc” không còn phức tạp như trước nhưng sự cảnh giác luôn được mọi người đặt ra. Tháp tùng theo đoàn người giữ nghêu, chúng tôi mới thấu hiểu hết nỗi niềm của họ.

Ánh mặt trời vừa khuất bóng dưới hàng cây. Thủy triều cũng bắt đầu rút chậm chậm ra xa. Đoàn người giữ nghêu chuẩn bị tư trang lên đường ra chòi canh giữ. Súng, roi điện, đèn pha, nước uống… không thể thiếu trên tàu của họ.

Ông Nguyễn Văn Rô, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ của Ban Quản lý Cồn bãi huyện Gò Công Đông hô lớn: “Anh em đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ chưa?”. Có tiếng đáp lại: “Dạ, xong hết rồi sếp ơi! Mình đi được rồi”. Thế là những chiếc tàu mang tên Ban Quản lý dự án Cồn bãi Gò Công Đông và của người dân đồng loạt nổ máy, tiến ra biển.

Khi tàu vừa rời bến chưa xa cũng là lúc trời tối om như mực. Thuyền trưởng Đào Tân Thanh (người chở chúng tôi ra sân nghêu của Ban Quản lý Cồn bãi huyện Gò Công Đông) tâm sự: “Ngày nào chúng tôi cũng đi giữ nghêu. Lúc thủy triều bắt đầu xuống là thời điểm người giữ nghêu phải ra sân canh “nghêu tặc”. Năm nay, giá nghêu cao nên anh em càng phải thận trọng hơn”.

Anh Thanh đã hơn 5 năm làm việc cho Ban Quản lý Cồn bãi huyện Gò Công Đông và gắn bó với công việc giữ nghêu giữa biển khơi. Anh cho biết, mỗi ngày phải ra giữ nghêu 2 lần. Thời điểm nghêu giống xuất hiện thì chúng tôi phải túc trực ở đây 24/24 giờ.

Phóng viên cùng người giữ nghêu
Phóng viên cùng người giữ nghêu.

Vừa lái tàu, vừa rít vài hơi thuốc lá, anh Thanh tâm sự: “Lương bổng chẳng có bao nhiêu (khoảng 2 triệu đồng/tháng) nhưng vì đam mê và thói quen với công việc nên tụi tui gắn bó đến ngày hôm nay. Chứ công việc này cũng nguy hiểm và vất vả lắm! Sợ khi đang đi tuần hoặc nằm ngủ, tụi “nghêu tặc” vào cũng không biết gọi ai”.

Anh Nguyễn Phi Khánh, người đi chung tàu tiếp lời: “Bây giờ ít lắm rồi chứ những năm trước đây, chuyện bắt nghêu trộm cứ diễn ra liên miên, dai dẳng.

Năm 2006, khi nghêu giống vừa xuất hiện chẳng bao lâu, chưa đến tháng tuổi được phép khai thác, lập tức nghêu bị bắt trộm sạch. Những người này rất hung hăng, chúng tôi ngăn chặn được bao nhiêu thì ngăn chặn. Phức tạp quá phải báo công an hỗ trợ”.

“Nhưng số người trộm nghêu từ đâu đến?” - tôi hỏi. Anh Khánh cho biết, ngoài tỉnh có, trong tỉnh có. Họ đi trên những chiếc tàu công suất lớn, đi thuyền nhỏ và đi bộ ra cướp nghêu. Có khi 2-3 người, có khi chục người; nhiều trường hợp, "nghêu tặc" ở xa nhưng có người quen ở địa phương nên họ thuê xe xuống ở nhờ.

Lúc trời tối là họ ra tay. Bên cạnh dụng cụ cào nghêu, họ còn mang theo “binh khí” để khi bị phát hiện là sẵn sàng chống trả lại người dân cũng như lực lượng tuần tra. “Sơ hở một chút là họ tiến ngay vào sân nghêu. Cào được chừng một ly trà nghêu giống là kiếm được vài triệu đồng rồi. Cho nên họ hung hăng lắm!” - anh Khánh nói.

Ngồi uống vài hớp trà, rít vài hơi thuốc lá để giảm bớt cái lạnh trên biển, anh Thanh nói tiếp: “Nghêu tặc” có cách đánh vào các bãi nghêu thật táo tợn. Trong đêm, sau khi nắm thông tin, họ dùng lưới mùng vơ vét nghêu giống, trong khi đó lực lượng bảo vệ chỉ hơn chục người.

Nơi ven biển rộng mênh mông như thế, họ đào hố dưới cát để ẩn mình. Hễ vắng bóng người là ra tay. Còn thấy người hay tàu tuần tra sắp đến thì lặn xuống hố, đấp cát lên. Ở những hướng khác, “nghêu tặc” ẩn hiện như ma trong những vạt rừng ngập mặn, chực chờ cơ hội tiến ra bãi nghêu. Có tốp chống lại người giữ nghêu mỗi khi bị rượt đuổi”.

Tàu của chúng tôi đến vùng nuôi thuộc Ban quản lý Cồn bãi huyện Gò Công Đông khi kim đồng hồ chuyển dần sang ngày mới. Do nước biển còn nhiều nên không thể lội vào bãi nghêu để đi tuần tra mà phải chạy thuyền vòng vòng xung quanh và dùng đèn pha rọi thẳng vào. Chạy được một lúc thì anh Thanh cho tàu dừng lại nghỉ ngơi. Anh em tiếp tục trò chuyện, nằm nghỉ lưng và đợi thủy triều xuống.

Gần 2 giờ sáng, thủy triều rút, bắt đầu cạn khô bãi nghêu ở Cồn Ông Mão của Ban Quản lý Cồn bãi huyện Gò Công Đông. Anh Thanh thúc giục: Tuần tra thôi! Đây là thời điểm "nghêu tặc" xuất hiện đó. Đèn pha, gậy gộc được trang bị sẵn sàng. Tất cả lội xuống nước, ướt cả đồ để vào được bãi nghêu. Đèn pha liên tục khắp vùng nghêu.

Anh Thanh dắt chúng tôi đến từng chòi canh giữ nghêu của Ban Quản lý. Tất cả các chòi đều có anh em túc trực. Vùng nuôi nghêu ở Gò Công Đông này rộng trên 1.000ha; trong đó, Ban Quản lý Cồn bãi huyện nuôi 350ha.

Đi vòng vòng hơn 2 km, chúng tôi đến chòi canh giữ của Đội trưởng Nguyễn Văn Rô (Ban Quản lý Cồn bãi huyện Gò Công Đông). Ông Rô vừa pha đèn, vừa nói: “Tôi mới nghe tiếng súng nổ ở hướng trên nên các anh em phải cảnh giác coi chừng có “nghêu tặc”. Sau khi phân công, các anh em chia nhau tuần tra. Rảo khắp nơi nhưng không phát hiện động tĩnh gì. Chân đã mỏi, người đã mệt nên chúng tôi về lại chòi canh giữ của mình”.

Hơn 4 giờ sáng, thủy triều bắt đầu lên nhanh. Anh em giữ nghêu thu xếp đồ đạc để vào đất liền. Anh Thanh nói: “Thủy triều lên, mình hết sợ "nghêu tặc" rồi. Giờ về thôi. Nước đầy, họ không cào được nữa đâu”. Thế rồi, tất cả tàu giữ nghêu đều đồng loạt nổ máy để tiến vào bờ.

Trời đã rạng sáng, tàu vừa cập bến. Anh em giữ nghêu hớp vội ly cà phê cạnh bờ biển cho tỉnh táo, rồi về nhà tắm giặt và tiếp tục đợi thủy triều xuống để ra biển giữ nghêu. Cái vòng xoay đó diễn ra hằng ngày như một thói quen.   

Chia tay các anh, chia tay vùng biển Gò Công. Nhìn về phía biển, nước đã trắng xóa dưới cái nắng chói chang. Trên mặt biển mênh mông chỉ còn mấy chòi canh trơ trọi, một vùng yên lành và tĩnh lặng.

SĨ NGUYÊN - BÁ THỦY
 

.
.
.