Thứ Hai, 11/06/2012, 23:14 (GMT+7)
.
Ký sự hành trình trên nước Nhật: Trông người mà gẫm lại ta (Kỳ 3)

Nông dân Nhật ung dung làm giàu... nhờ đâu?

Kỳ 1: Người Nhật - bậc thầy tạo tán cây ăn trái

Kỳ 2: Ăn quýt Nhật, nhớ quýt đường!

Kỳ cuối: Người Nhật khéo làm nông nghiệp gắn kết du lịch

Thứ năm (16-2), chúng tôi đi từ thành phố Hamamatsu đến thành phố Shizouka để thăm trường Đại học Nông Lâm Quốc gia Shizouka. Trên đường đi, dù xe đang chạy trên đường cao tốc nhưng ai trong đoàn cũng cố gắng chụp cho được ảnh núi Phú Sĩ.

Tại trường Đại học Quốc gia Shizouka, buổi sáng họ chở đoàn đi thăm vườn thực hành của sinh viên. Một anh giáo sư rất trẻ mời đoàn ăn quýt Ponkan, hình dạng giống như quýt Chum ở Hà Nội. Anh giáo dẫn đi thăm vườn sưu tập các giống cam, quýt, bưởi. Ở đây còn có máy móc nông nghiệp để dạy sinh viên mà Việt Nam mình chưa có như: máy phân loại trái theo kích cỡ và độ đường.

Đoàn tham quan vườn trồng quýt Satsuma được phủ bạt để tăng độ ngọt.
Đoàn tham quan vườn trồng quýt Satsuma ( vườn được phủ bạt để tăng độ ngọt).

Buổi chiều, ông Yuasa đưa đoàn đến thăm khu nhà của Khoa Nông - Lâm nghiệp. Vào hội trường của khoa, chúng tôi nghe ông giáo già Takagi báo cáo các kết quả nghiên cứu của khoa. Ông cho biết, ở Nhật để hỗ trợ sản xuất thì Nhà nước sẽ đào tạo, hỗ trợ cho cả hệ thống sản xuất mà trung tâm của hệ thống này là người nông dân.

Cả hệ thống viện và trường đại học trực thuộc Trung ương, viện trực thuộc tỉnh và Trung tâm Khuyến nông tỉnh liên kết với nhau rất chặt chẽ. Mỗi năm, họ đều ngồi lại với nhau để thông tin các kết quả đã làm được năm rồi và thống nhất các vấn đề cần phải làm trong năm tới. Việc làm này rất khác ở ta, đôi khi chúng ta cũng có ngồi lại giữa các cơ quan nghiên cứu và chuyển giao, nhưng không có thảo luận ai sẽ làm công việc nào trong năm tới mà phổ biến là mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết.

Còn khâu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân thì Trung tâm Khuyến nông tỉnh hoặc HTX (như HTX Mikkbi) sẽ chuyển giao tới nông dân. Tất cả các cơ quan này, từ Trung ương đóng tại tỉnh cho đến các cơ quan trực thuộc tỉnh đều liên kết chặt chẽ với nhau dưới sự hỗ trợ/chỉ đạo của Ủy ban tỉnh.

Nông dân sẽ nhận các tiến bộ kỹ thuật mới từ các trung tâm thí nghiệm cấp tỉnh, trung tâm khuyến nông tỉnh và  từ HTX JA (xem sơ đồ). Việc này ở Việt Nam rất kém, mạnh ai nấy làm, điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong các nguyên nhân là do khó khăn về kinh phí và người đứng ra chủ trì cuộc họp hàng năm như ở Nhật chưa có. Họa chăng chỉ có hai cơ quan họp với nhau, ký kết hợp tác rồi sau đó là... mạnh ai nấy làm là chính.

Sơ đồ: Từ việc phát triển kỹ thuật canh tác mới đến việc phổ cập và chỉ đạo sản xuất.
Sơ đồ: Từ việc phát triển kỹ thuật canh tác mới đến việc phổ cập và chỉ đạo sản xuất.

Trong từng tỉnh ở ta, không có việc ngồi lại với nhau trong từng năm để thông báo kết quả mới giữa cơ quan nghiên cứu và cơ quan khuyến nông và thống nhất các việc cần làm trong năm tới như ở Nhật.      

Về các nghiên cứu mới, ông giáo cho biết các kết quả cho thấy các giống quýt có độ đường rất khác nhau, có giống có độ đường lên tới 18 độ brix. Ông giáo cũng giới thiệu một kết quả khác về nghiên cứu hàm lượng cryptoxan trong trái quýt, đây là chất chống ung thư, hàm lượng chất này rất khác nhau giữa các giống quýt, giống Unshu có hàm lượng chất này cao hơn các giống khác. Đặc biệt là cách tạo tán mới, cây sẽ cho tán rất thấp và trống ở giữa tán cây sẽ giúp tăng tỷ lệ trái, có chất lượng cao.

Sau đó, họ đưa đi thăm các bộ môn nghiên cứu. Tôi thấy họ làm các nghiên cứu cơ bản sâu như bên Trung tâm Nghiên cứu Cây có múi Quốc gia Okitsu, nhiều báo cáo treo ở hành lang đường đi tôi thấy tên các nhà khoa học của hai cơ quan Trung ương đóng ở tỉnh cùng thực hiện như các nghiên cứu về xây dựng bản đồ gen, phát triển công nghệ sử dụng thiên địch trong phòng, chống sâu bệnh trên cây có múi, nghiên cứu tăng độ đường cho quýt...

Thứ sáu (17-2), ăn sáng xong, đoàn lên đường đi về phía Nam theo hướng tỉnh Nagoya để đến HTX Mikkabi (thuộc Liên hiệp HTX JA (Japan Agricultural Cooperative); đây là một Liên hiệp HTX rất lớn ở Nhật, JA có các siêu thị bán lẻ nông sản với giá rẻ ở rất nhiều tỉnh) chuyên đóng thùng quýt để xuất khẩu.

HTX Mikkabi cử người báo cáo tình hình sản xuất của HTX, ông này cho biết HTX có đến 873 hộ, 1.200 ha, bình quân 1,5 ha/hộ, năng suất bình quân 25 tấn/ha, lãi ròng bình quân 2,5 triệu yen/ha, khoảng 2,5 tỷ đồng VN/ha; trong khi ở VN, chúng ta chỉ lãi trung bình 200 - 300 triệu đồng VN/ha (nếu trồng cam sành/quýt).

HTX có một nhà máy đóng thùng lớn lắm, tôi chưa từng được thấy nhà máy nào lớn cỡ này. Nhà máy này có hệ thống thiết bị phân loại được từng trái chạy qua theo kích cỡ và theo độ ngọt ở quy mô lớn hơn HTX Hainan mà tôi đã có dịp tham quan rất nhiều. Đóng gói xong, họ gởi quýt đi Canada, Thượng Hải, Tokyo....  

Thăm nhà máy xong, họ chở đoàn đi thăm một vườn sản xuất quýt có đến 5 ha của một nông dân ở gần đó, cây rất thấp, chủ vườn cho biết nhờ phủ bạt mà năng suất, độ đường, chất lượng tăng lên rõ rệt.

Nhận xét về HTX Mikkabi, tôi thấy quy mô nhà máy quá lớn, như là một công ty lớn. Thăm vườn xong, ông Yuasa đưa đi thăm một siêu thị của Liên hiệp HTX JA, nơi đây có bán nhiều dụng cụ nông nghiệp. Tôi thấy giá một cây giống cam quýt là 998 yen (khoảng 13,3 đôla, tức hơn 270.000 đồng VN, giá này hơn chúng ta 12 lần). Cửa hàng JA bán đủ các loại nông sản do nông dân địa phương sản xuất ra với giá rẻ hơn siêu thị nên người tiêu dùng đến mua rất đông.

PGS-TS NGUYỄN MINH CHÂU

Kỳ sau: Người Nhật khéo làm nông nghiệp gắn kết du lịch.

.
.
.