Ký sự Đài Loan: Cảm nhận văn minh đô thị Đài Bắc (Kỳ 1)
Kỳ 2: Với nhà nông, không chỉ tôn vinh…
Chuyến công tác tại Đài Loan (từ ngày 26 đến 30-5) đã để lại cho tôi khá nhiều ấn tượng. Không chỉ xứ người quy hoạch và xây dựng hạ tầng giao thông, quản lý đô thị khá bài bản mà còn có cách tôn vinh nghề nông… khiến cho không chỉ riêng tôi mà cả đoàn công tác 60 người của các tỉnh, thành Tây Nam bộ lý thú với bài học “đi ngày đàng…”.
LỊCH TRÌNH DÀY ĐẶC
Sau 4 giờ đồng hồ (do lệch múi giờ mất 1 tiếng, thực tế bay chỉ gần 3 tiếng), đoàn công tác gồm 60 cán bộ lãnh đạo UBND và các sở, ngành của 12 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đáp xuống sân bay Đài Loan lúc 21 giờ, nhiệt độ lúc này khoảng 28-29oC. Sau đó, đoàn di chuyển về khách sạn The Am bassador, là một trong những khách sạn cổ kính nhất Đài Bắc - theo lời hướng dẫn viên thì nơi đây thường được Tổng thống Đài Loan tiếp khách nước ngoài hoặc khách VIP.
Tác giả trên 1 đoạn phố ở Đài Loan. |
Lịch trình của đoàn được bố trí dày đặc: đi tham quan tại dinh thự Shilin (trước đây là nơi ở của vợ chồng Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh), tham quan vườn Horticultural (phong lan và hoa hồng), thăm trang trại “Trái tim và Hy vọng” của tổ chức Nông hội quận Taipei City-Yingge để thị phạm một số sản phẩm nông nghiệp sạch và nhà lưới trồng rau sạch, tham quan bảo tàng gốm sứ, thăm cảng cá Taoyuan, cảng cá Zhuwe...
Đoàn còn làm việc với Ủy ban Nông nghiệp COA (tương tự như Bộ NN&PTNT của ta), Viện Nghiên cứu thủy sản COA, Viện nghiên cứu và phát triển nông nghiệp quận Taichung để nghe giới thiệu về lĩnh vực nhân giống cho các loại cây trồng chủ lực có tầm quan trọng trong xuất khẩu, nghe giới thiệu về 6 giống lúa chủ lực ở Đài Loan và các sản phẩm có nguồn gốc từ hạt gạo…
QUẢ LÀ THÀNH PHỐ XANH - SẠCH - ĐẸP
Cảm nhận chúng tôi quả là thành phố Đài Bắc “xanh - sạch - đẹp”. Đường phố không thấy bụi bặm, có lẽ những ngày này Đài Loan “sáng nắng - chiều mưa” nên đường phố khá sạch? Tuy nhiên, một điều thấy rất rõ là công tác quản lý đô thị ở đây rất tốt, từ việc bố trí các mảng xanh trong thành phố đến việc cắt tỉa cây cảnh với những tán che đều đặn tăm tắp đã cho thấy các nhà quản lý đô thị xứ Đài đã “làm tốt chức trách của mình”.
Khắp nơi trong thành phố, nhìn cận cảnh cũng như nhìn xa xa, không lúc nào là “mất dấu” mảng xanh - có lẽ một phần do đất nước này có 2/3 diện tích là đồi núi chăng? Dù tự lý giải thế nào cũng dễ thấy việc duy trì các mảng xanh hài hòa với các công trình đô thị đã tạo được ấn tượng tốt về một đô thị xanh - sạch - đẹp, tạo sự thư giãn đáng kể cho du khách.
Một điểm khiến chúng tôi cảm nhận được cái “tầm” quy hoạch phát triển giao thông của bạn. Trong 5 ngày ở đây, tôi thấy mặc dù đường phố khá rộng rãi (nhiều tuyến đường 4-6 làn xe được phân đôi bằng dãy phân cách trồng cây), có cả hệ thống tàu điện ngầm, hoàn toàn không thấy một chút nào dấu hiệu có vẻ ùn tắc giao thông.
Thế nhưng hầu như khắp thành phố và cả tuyến cao tốc đi dọc chiều dài của Đài Loan đều đang xây dựng dở dang “tầng giao thông” trên cao (giống như các tuyến đường vượt cắt ngang đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương nhưng ở đây là các tuyến kéo dài ngút mắt). Hỏi ra mới biết bạn đang chuẩn bị quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, quả là tầm nhìn chiến lược!
Đến một số điểm du lịch, bảo tàng nổi tiếng, chúng tôi càng nhận ra chính quyền và doanh nghiệp Đài Loan đã biết tận dụng cơ sở vừa làm du lịch, kinh doanh, vừa dành riêng một khoảnh nào dó dành cho giáo dục hoặc trẻ em vui chơi.
Ví dụ dinh thự Shilin dành một “khu sinh thái” để học sinh các trường tiểu học đến quan sát các loài cây cỏ, côn trùng trong tự nhiên sau những bài học lý thuyết trong lớp; Bảo tàng gốm sứ Yingge bố trí riêng khu cho gia đình đưa trẻ em vào vui chơi, cũng là vừa để cho trẻ nhận thức được quá trình phát triển xã hội thông qua “lịch sử hình thành nền gốm sứ Đài Loan”…
QUẢN LÝ TRẬT TỰ ĐÔ THỊ BẰNG... CAMERA
Trên các chuyến di chuyển bằng xe bus 2 tầng, chúng tôi có dịp ngắm nhìn hầu hết cảnh “phố phường” Đài Bắc. Lúc đầu có điểm hơi là lạ không hiểu sao xứ văn minh như vậy mà xe cộ (xe con và xe tay ga) để dài dài trên lòng đường sát lề, còn trên lề đường thì tuyệt nhiên không có vật cản trở.
Quan sát mãi mới thấy, thì ra có lẽ do mật độ giao thông ít nên chính quyền đã “quy hoạch” nhiều chỗ để xe bằng các ô vạch sơn trắng, mà lại để suốt ngày đêm không ai trông coi cả! (bên ta chắc là khó áp dụng cách làm này).
Hỏi vui về chuyện có bị mất cắp không thì phía bạn cho biết chưa bao giờ xảy ra bởi hầu hết nhà đều có xe 2 bánh hoặc 4 bánh; mặt khác đô thị được quản lý bằng camera (thực tế tôi cũng để ý thấy trước cửa nhiều nhà đều gắn camera hướng ra đường), hễ xảy ra bất kỳ sự cố nào là cảnh sát “truy” ra ngay.
Điều này được xác tín trong buổi chiêu đãi vào ngày cuối cùng trước khi đoàn về nước, ông tham tán thương mại Văn phòng Kinh tế Việt Nam tại Đài Bắc cũng cho biết như vậy: An ninh trật tự được bạn quản lý bằng… camera, hầu hết người dân đều tuân thủ nghiêm pháp luật (hèn gì có bữa dạo phố khoảng 12 giờ đêm tôi thấy khi có đèn đỏ thì các phương tiện lưu thông đều nghiêm túc chấp hành chứ không tranh thủ “vượt” như ở ta!).
Nếu lòng đường được sử dụng khá khoa học và hợp lý thì lề đường không ai được phép xâm phạm. Theo bạn cho biết, chính quyền Đài Loan quy định ở các khu đô thị lớn khi người dân xây nhà hoặc đầu tư cơ sở kinh doanh phải chừa “mái che” khoảng 4-5m tùy tuyến đường để người dân sử dụng, nghiêm cấm lấn chiếm vỉa hè lề đường; từng khu dân cư, khu kinh doanh… đều có mái che “bằng bê tông” (do nhà xây thụt vào 4-5m) dài và đều tăm tắp, dòng người đi lại vội vã, trật tự bất kể ngoài trời đang mưa to… nhìn tổng thể là hết sức “văn minh đô thị”.
THỊ DÂN THÍCH THIÊN NHIÊN
Những luống đất có đánh số được dân thành phố thuê để thư giãn cuối tuần. |
Trong chuyến tham quan trang trại có tên New Taipei City Farm rộng 5ha ở ngoại vi thành phố Đài Bắc, ngoài thị phạm các công nghệ mà bạn giới thiệu, chúng tôi khá ngạc nhiên trước những “khoảnh đất nho nhỏ” cỡ vài chục m2.
Trên đó đang có người tới lui nhổ cỏ, trồng hoặc thu hoạch nông sản. Mới đầu chúng tôi ngạc nhiên, vài mảnh đất be bé thế này thì “làm ăn” gì được, nhưng sau đó được ông Yeng - chủ trang trại, giải thích đây là một hình thức kinh doanh mới của nông dân: Cho người thành phố thuê đất để họ tự trồng rau trên luống đất của mình.
Ông Yeng giải thích, do tiến trình đô thị hóa diễn biến quá nhanh, người dân không còn đất, nhà ở đô thị thì diện tích chật hẹp, do vậy nhiều người dân (nhất là giới công chức) thường về vùng ven thuê đất để những ngày cuối tuần họ về đây “vui thú điền viên” xả stress sau một tuần “cày” ở đô thị (theo ông Yeng, luống đất khoảng 80-100m2 được cho thuê giá cũng rẻ, chỉ khoảng 5.000 đài tệ/năm, chiều cuối tuần cả gia đình có thể về làm nông để thư giãn).
PHÙNG QUỐC ANH
Kỳ 2: Với nhà nông - không chỉ tôn vinh