Ký sự Đài Loan: Với nhà nông, không chỉ tôn vinh… (Kỳ 2)
Kỳ 1: Cảm nhận văn minh đô thị Đài Bắc
Trong tâm thế của công chức tỉnh nông nghiệp, những cảm nhận về nông dân trên xứ Đài là điều đương nhiên, không chỉ tôi mà cả đoàn cán bộ miền Tây đều quan tâm. Những ghi chép dưới đây cho thấy cách làm nông nghiệp gắn chặt với nông dân ở Đài Loan quả là đáng tham khảo.
DỰNG BIA TÔN VINH NÔNG DÂN
Trong ngày thứ ba của chuyến công tác (28-5), đoàn chúng tôi đến Đài Trung (Taichung) thăm Viện Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp quận Taichung. Tại đây chúng tôi đã được ông Wang - Viện trưởng giới thiệu xoay quanh việc chọn lọc và nhân giống các loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao của Đài Loan.
Sau buổi làm việc, đoàn tham quan một số nơi và đã bắt gặp không ít bia được dựng trên các tuyến đường “mặt tiền” có tạc hình những người nông dân với bó lúa trên tay.
Bia tôn vinh nông dân. |
Theo ông Wang, nền nông nghiệp Đài Loan phát triển rất sớm, từ sau năm 1948 - tức chỉ 3 năm sau khi thế chiến thứ II kết thúc. Chính phủ Đài Loan đã nhận thức rõ vai trò của ngành Nông nghiệp nên đã nhanh chóng tiến hành cải cách nông nghiệp và nhập khẩu công nghệ từ thế giới - trong đó có cả công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích những người có đất (chủ đất) nhưng không sử dụng bán lại cho nông dân có nhu cầu để tạo tích tụ ruộng đất.
Kết quả từ diện tích bình quân 1ha/người (Đài Loan có 800.000 ha đất canh tác với số dân nông nghiệp là 800.000 người thời kỳ sau chiến tranh), đến nay bình quân mỗi nông dân sở hữu khoảng 8 ha, tạo thuận lợi cho tập trung sản xuất hàng hóa…
Bên cạnh đó, để hỗ trợ sát sườn cho nông dân, Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan (tương tự như Bộ NN&PTNT ở ta) đã hình thành hệ thống hàng trăm nông hội (hiệp hội nông nghiệp) được xem là “cánh tay nối dài” của cấp Trung ương đến với nông dân.
Hàng năm, mỗi nông hội được cấp kinh phí khoảng 8 triệu USD để làm chức năng hỗ trợ nông dân về thủy lợi nội đồng, khuyến nông, cung ứng hạt giống, điều hành chương trình cấp vốn cho nông dân phát triển các loại giống mới, đào tạo miễn phí các kỹ năng, kiến thức trong trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch; đồng thời giúp nông dân quảng bá, bán sản phẩm với giá nhà nước quy định (có danh mục) ngay từ trước khi nông dân “gieo hạt giống đầu tiên”.
Tính ra với giá bao tiêu của nhà nước, nông dân lãi ròng trên 100.000 đài tệ/ha/vụ (tương đương 72 triệu đồng VNĐ/ha) mỗi năm làm 2 vụ.
Đặc biệt nông hội này còn có chức năng “an sinh xã hội” như hỗ trợ y tế, chăm sóc nông dân già yếu, neo đơn; thành viên nông hội còn được vay vốn lãi suất thấp để mua máy móc, thiết bị sản xuất… Nói chung, người nông dân ở đây được chăm sóc tới “tận chân răng”, xứng đáng với những gì họ đã cống hiến cho xã hội.
NÔNG DÂN ĐƯỢC “LÊN HÌNH” TRÊN CHÍNH SẢN PHẨM CỦA MÌNH
Đến thăm một nhà máy chế biến lúa gạo thuộc một nông hội tại quận Wu-Feng, cảm giác đầu tiên là… không có gì lạ so với các nhà máy xay xát, lau bóng gạo ở Tiền Giang: Cũng kho bãi rộng, thiết bị xay xát chạy ầm ì…
Ảnh nông dân in trên bao bì thành phẩm. |
Tuy nhiên, cái khác biệt thấy rõ là nơi đây phân biệt từng khu vực sản xuất tương ứng với từng quy trình. Ví dụ khu xay xát xong có hệ thống dây chuyền tách trấu, cám riêng ra ở kho (vỏ trấu được chế thành bánh dùng làm chất đốt hoặc bán ra bên ngoài cho người có nhu cầu), thành phẩm gạo được chuyển vào phòng đóng gói, bao bì và chuyển vào kho… máy lạnh ở nhiệt độ 22oC.
Cả một khu vực rộng với quy mô dây chuyền hiện đại như vậy mà chúng tôi cố tìm cũng chỉ thấy năm ba công nhân đi lại lo phần việc của mình chứ không phải hàng loạt người vác bao gạo “kìn kìn” như ở ta, họ chả buồn nhìn ngó đoàn khách tham quan (ai nói nông dân không có tác phong công nghiệp?!).
Ấn tượng nhất mà chúng tôi thấy ở nhà máy này chính là mỗi bao gạo thành phẩm đều có in gương mặt một người nào đó, hỏi ra chính là hình ảnh và địa chỉ của nông dân sản xuất ra loại gạo này - quả là một cách “truy xuất nguồn gốc” độc đáo, một cách tôn vinh người nông dân khá thông minh!...
TĂNG HIỆU SUẤT SỬ DỤNG NÔNG SẢN THÔNG QUA CHẾ BIẾN
Trong ngày cuối (29-5), khi đến tham quan nông hội quận Wu-Feng và cơ sở chế biến rượu đặc sản xứ Đài, chúng tôi ngạc nhiên khi ngoài quy trình nấu rượu (nhìn chung các công đoạn cũng na ná như bên ta như từ gạo xay thành tấm, rửa sạch, ngâm nước khoảng 5 giờ, hấp, làm lạnh, phủ men, lên men, ủ 25 ngày ở nhiệt độ 10oC, ép chặt lại, chưng cất, thanh lọc chất bã và tạp chất - bên ta gọi là “hèm” và vào chai, đóng gói là xong) cho ra nhiều loại rượu - kể cả rượu sữa (!).
Cơ sở này còn sản xuất các “sản phẩm đính kèm” cũng khá độc chiêu, một số sản phẩm phụ có nguồn gốc từ… bã hèm, từ gạo hoặc các nông sản khác như bánh ống làm từ “bã hèm” cũng khá ngon (!).
Ngoài ra, bánh tráng gạo, các thực phẩm khô khác vừa lạ mắt, vừa lạ miệng như: nấm đông cô sấy, rồi thì khoai, cà rốt, mít sấy… cứ nếm thử thoải mái trước khi mua! Điều cảm nhận ở đây chính là hạt gạo cũng như các nông sản khác đều được tận dụng để chế biến ra các loại thực phẩm hết sức đa dạng với giá cả hợp lý (bình quân có giá 100 đài tệ - một giá khá “bình dân”, vừa túi tiền với người tiêu thụ).
Rõ ràng, từ một loại nông sản “thô” đã nâng lên giá trị khá cao thông qua con đường chế biến.
Mô hình tôn vinh công nhân nấu rượu. |
CẦN NGHIÊN CỨU SÂU HƠN CÁCH LÀM NÔNG NGHIỆP ĐÀI LOAN
Có thể nói, nền nông nghiệp Đài Loan đã tiến một bước dài trên con đường phát triển. Những thành tựu đạt được gắn liền với sự sáng tạo và cần cù của người nông dân cộng với một chính sách phát triển nông nghiệp phù hợp của chính quyền, cũng như sự trợ giúp của các nhà khoa học, của các đối tác bên ngoài.
Chuyến khảo sát tuy ngắn nhưng cũng cho chúng tôi cảm nhận là trong lĩnh vực nông nghiệp, Đài Loan có công nghệ cao, công nghệ lai tạo, sản xuất giống, công nghệ sinh học phát triển…
Trong điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, đất đai... cũng khá tương đồng với vùng ĐBSCL thì bài học mà tôi cảm nhận là chính quyền Đài Loan rất khuyến khích và có chính sách hỗ trợ người dân tạo ra các sản phẩm chế biến từ nông, thủy sản và thực tế trên thị trường các sản phẩm chế biến này của Đài Loan rất phong phú, đa dạng, giá cả hợp lý.
Thiết nghĩ không riêng Tiền Giang mà các địa phương trong vùng cần nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn trong lĩnh vực này để có thể học tập kinh nghiệm, hợp tác hoặc nhận chuyển giao công nghệ từ nơi này để góp phần đưa nền nông nghiệp địa phương phát triển nhanh…
PHÙNG QUỐC ANH