Dẹp loạn nạn "xiệt" điện như “bắt cóc bỏ dĩa”
Sau chuyến tháp tùng cùng đoàn thanh tra liên ngành, liên tỉnh nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản bằng xung điện, phóng viên Báo Ấp Bắc có bài phóng sự “Dẹp loạn đánh bắt thủy sản theo kiểu hủy diệt".
Một tháng sau trở lại các địa bàn thì tình trạng giống như “bắt cóc bỏ dĩa”, những người đánh bắt thủy sản bằng xung điện vẫn “làm giàu” và họ không hề động lòng mà ngược lại càng dùng mọi cách hủy diệt môi trường…
THÁP TÙNG CÙNG DÂN "XIỆT" CÁ
Nhiều ngày qua, chúng tôi về các huyện: Cái Bè, Cai Lậy để tìm hiểu thực trạng đánh bắt thủy sản bằng xung điện. Khi xe vừa dừng lại ở xã Hậu Mỹ Bắc A (Cái Bè) thì chúng tôi thấy 2 nông dân lưng quảy, tay mang đi về phía cánh đồng. Hỏi thăm người dân ở đây thì họ nói đó là những người đi xiệt cá, lươn.
Ngay lập tức, chúng tôi gửi xe và chạy theo họ. Khi bắt kịp họ, một trong 2 người này nói: “ Đi theo làm gì? Về đi”. “ Dạ! Em nghe nói mấy anh bắt cá, lươn nhiều nên theo kiếm ít cá, lươn về làm lai rai”- tôi giả lả. Rồi vòng vo thêm một hồi thì họ cho theo.
Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên về cách đánh bắt này, một anh tên H. bình thản giải thích: “Bây giờ bắt cá ngoài đồng còn mấy ai dùng chài, lưới nữa. Làm vậy mất thời gian mà hiệu quả chẳng được bao nhiêu. Bắt cá nhanh và nhiều phải dùng món đồ chơi này (xiệt điện)”.
Theo anh H., thiết bị điện dùng để bắt cá, lươn rất đa dạng, nhiều chủng loại. Với xiệt điện thì có các loại từ 12-16 con sò, có bán kính hoạt động từ 8-10m và tùy vào mục đích sử dụng hoặc loại dùng bình ắc quy 24V, kích lên dòng điện 220V cũng có khả năng sát thương tương tự.
Chỉ mất khoảng 1,7 triệu đồng là có thể mua một bình ắc quy 12V và một bộ kích điện tại bất cứ hiệu sửa chữa điện nào, cộng với một bình nhựa và hai cần tự chế là có ngay một bộ xiệt điện ngon lành.
Vừa tâm sự, anh H. vừa đưa 2 cần xiệt điện xuống các vũng nước còn đọng ở các cống, rãnh trên ruộng. Bộ xiệt điện phát ra tiếng e… e… rồi te…te... Dưới cống, rãnh, tất cả các loại cá đều nổi lình phình trên mặt nước; cá trê, cá phi thì chìm dưới đáy bùn.
Anh cầm giỏ anh N. nhanh chóng lượm các loại cá bỏ vào bao. Đi một chút, anh H. bảo anh N.: “Mau mò đi, lươn bự lắm đó, ngay chỗ này nè!”. Anh N. hì hục mò dưới bùn và kéo lên con lươn gần 300gram. Cả hai cười sảng khoái, nói: Có chú mày đi hên thiệt. Lâu lắm rồi, tui mới bắt được con lươn vàng tươi như vầy.
“Bây giờ, cá, lươn cũng ít. Xiệt điện tối ngày hà. Có khi một cống, rãnh mà có tới 3-4 người xiệt thì làm sao sống sót. Con cá, con lươn xẩy người này cũng chết với người kia hà”- anh H. phân bua. Tuy vậy, chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ mà các anh đã kiếm được hơn 2kg lươn và 1,5kg cá.
Hình ảnh "xiệt" cá vẫn phổ biến ở các huyện phía Tây. |
Bất luận vì mục đích mưu sinh hay lợi nhuận, tình trạng đánh bắt thủy sản bằng xung điện ồ ạt trong thời gian qua đã hủy hoại không nhỏ đến môi trường sinh thái. Đã có những cái chết đau lòng từ việc bất cẩn khi đánh bắt cá bằng xung điện. Để bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường mặt nước, cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, các ngành và nhân dân; tạo ra thế trận toàn dân tham gia quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. |
Tối đến, chúng tôi thuyết phục anh H. và anh N. tiếp tục cho theo chơi. Anh H. nói đi ban đêm nguy hiểm lắm, không quen sẽ bị điện giật chết. Năn nỉ thêm một lúc các anh cũng xiêu lòng.
Khi màn đêm buông xuống, 2 anh bắt tay vào chuẩn bị đồ nghề lên đường. Cẩn thận đấu những đầu dây từ bộ kích điện vào hai chiếc cần tự chế, anh H. giải thích: “Cần thường dài từ 1,5-2m nhưng phổ biến là 1,5m do đem lại hiệu quả cao nhất; tuy nhiên, khoảng cách này lại không an toàn, nếu sơ xẩy sẽ bị điện giật”.
Anh H. thử điện bằng cách dùng 2 cây vợt va vào nhau làm lửa xanh nẹt ra tung tóe. Anh H. bảo: “Bây giờ đã sẵn sàng rồi, chúng ta đi thôi”.
8 giờ tối, chúng tôi bắt đầu men theo những nhánh kinh nhỏ dẫn vào các khu ruộng bưng (ruộng đất thấp). Thỉnh thoảng phía trước mặt, ánh đèn lập lòe xuất hiện. Anh H. nói: Đó là những người đi xiệt điện. Tụi mình tránh đi chỗ khác thôi. Họ bắt cá, lươn hết rồi. “Đêm nay thấy ít người đi xiệt cá, lươn, chứ hôm nào sau những trận mưa to, cánh đồng này có đến hàng chục người đi bắt cá kiểu này”- anh H. cho biết.
Theo anh H. nơi có thể bắt được nhiều lươn, cá là những cánh đồng trũng, ven sông, đìa hoang hay đơn giản là các vùng có cống thông ra sông. “Xiệt lươn, cá khá đơn giản, chỉ cần đưa hai cây vợt xuống nước là dòng điện từ nguồn qua cần kích phóng điện ra nguồn nước. Những con cá, lươn bị “dính” điện sẽ phình lên mặt nước hay nằm chết dưới bùn.
Thấy tôi thắc mắc làm sao phát hiện cá chết dưới đáy bùn hay lươn chết trong bùn, anh H nói: “Tôi làm nghề này nhiều năm mới có kinh nghiệm đó. Mới sắm “đồ nghề”, mình chỉ bắt được cá sặt, cá rô, cá lóc con con, chứ cá trê, lươn thì không biết. Giờ thì khác, nơi nào tui đi thì khó có con nào sống sót”.
Nói xong, anh H. chỉ “chiêu”: “Chú mày phải bấm mối nhập điện từ từ. Bấm một cái rồi buông ra để con cá ngoi đầu lên. Thấy nó trúng điện, mình bắt đầu bấm thí cho nó chết. Chứ bấm liên tục, cá chết dưới đáy bùn mà mình không biết. Vả lại, nó mau hết bình”.
Anh H. và anh N. ở ấp Hậu Phú I, xã Hậu Mỹ Bắc A. Gia đình 2 anh đều ít ruộng và thường đi xiệt điện để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Mỗi ngày, mỗi anh kiếm được từ 50-70 ngàn đồng. Những hôm thất thì cũng kiếm được con cá, con lươn cho bữa ăn gia đình, đỡ tốn tiền chợ. 2 anh tâm sự: “Cực chẳng đã, nghèo quá, chúng tôi mới làm nghề này. Chứ “sinh nghề tử nghiệp chú ơi”. Người ta chết vì đi xiệt cá thiếu gì. Nghe cũng sợ…”.
Gần 11 giờ đêm, bình điện đã hết nên chúng tôi về. Khoảng 3 tiếng đồng hồ đi xiệt cá, anh H. và anh N. cũng kiếm được trên 2kg lươn, cá. Với số này, anh H. nói bán được khoảng 80 ngàn đồng.
THỰC TRẠNG ĐÁNG BÁO ĐỘNG
Là vùng rốn lũ, nhiều xã ở huyện: Cái Bè, Cai Lậy đã trở thành “điểm nóng” đánh bắt cá bằng xung điện, nhất là vào thời điểm chuẩn bị nước lên. Qua cảnh báo tình trạng có dịu xuống, không còn ngang nhiên nhưng nhiều người vẫn hoạt động lén lút, nhất là vào ban đêm ở các cánh đồng lúa, ven sông, trên sông.
Việc quản lý vấn đề này còn quá lỏng lẻo. Một phần lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở cơ sở quá mỏng và chưa có sự vào cuộc một cách tích cực, quyết liệt của chính quyền ở một số địa phương, mặt khác cũng chưa có biện pháp chế tài đủ mạnh để xử phạt, nghiêm cấm.
Ghe cào bằng điện vẫn lộng hành. |
Theo Nghị định 128-2005-NĐ-CP ngày 11-10-2008 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản thì đối với hành vi sử dụng kích điện không giao thẩm quyền xử phạt hành chính cho chính quyền cơ sở mà chỉ dừng ở biện pháp tịch thu phương tiện nên không đủ sức răn đe và việc quản lý cũng trở nên khó khăn.
Nhận thức của người dân chỉ nghiêng về khai thác, còn việc bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản chưa cao, trong khi đó công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa được xã hội hóa; sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các địa phương chưa chặt chẽ, không thường xuyên; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản còn bị bỏ ngỏ.
Đánh bắt thủy sản bằng xung điện là một cách khai thác phản khoa học, có tác hại lâu dài, phá hủy sinh cảnh, gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản. Hệ quả của việc đánh bắt đó là phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được môi trường thủy sinh.
Hiện chưa có con số thống kê cụ thể và kiểm soát chặt chẽ hết được số người trên địa bàn tỉnh sử dụng các phương tiện đánh bắt, khai thác thủy sản không đúng quy định. Số người tham gia đánh bắt thủy sản bằng xung điện nhiều nhưng ngành chức năng cũng như các lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở cơ sở phát hiện và xử lý còn ở mức độ khiêm tốn.
Phó Chủ tịch UBND xã Hậu Mỹ Bắc A Nguyễn Văn Út cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã mời họp một số hộ có đánh bắt cá bằng xung điện. Đây là những hộ nghèo, không ruộng đất canh tác. Sau cuộc họp, nhiều hộ hứa sẽ chuyển đổi nghề nếu được hỗ trợ vốn làm ăn. Tuy vậy, vẫn còn nhiều trường hợp lén lút hoạt động. Khó khăn trong việc xử lý chính là con người, công cụ hỗ trợ…”.
Ông Lê Công Định, Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT cho biết, những người đi đánh bắt cá bằng xung điện không hiểu bắt được 1 con thì giết chết 200 con khác. Và cứ thế, thủy sản ngày càng cạn kiệt.
“Chúng ta đã có văn bản chỉ đạo về nghiêm cấm sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản và đã triển khai nhiều biện pháp để “dẹp loạn” những người đánh bắt theo kiểu này. Tuy nhiên, xử lý họ như “bắt cóc bỏ dĩa”; hôm nay bị phạt, mai họ lại tái diễn và cứ thế tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp. Đây cũng là nguyên nhân do lực lượng thanh tra nông nghiệp mỏng, các ngành chức năng của huyện, xã chưa quyết liệt trong việc xử lý các trường hợp vi phạm.
Thời gian tới, chính quyền cơ sở cần thành lập tổ, đội hoặc nhóm thường xuyên kiểm tra và kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. Thực tế cho thấy đã có những trường hợp sử dụng kích điện để bắt trộm cá của các hộ dân có ao đầm lớn và số lượng nhiều, gây mất an ninh trật tự xã hội. Với những trường hợp này cần xử lý nghiêm để làm gương cho các đối tượng khác noi theo” - ông Định nói.
SĨ NGUYÊN