Thứ Tư, 26/09/2012, 14:51 (GMT+7)
.

Xây dựng lớp thanh niên tiên tiến, có lý tưởng và đạo đức cách mạng

Trong nhiệm kỳ qua, hướng về cơ sở, Đoàn Thanh niên các cấp có sự đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, nâng hiệu quả các chương trình, các cuộc vận động, đã khẳng định những đóng góp tích cực của tuổi trẻ Tiền Giang vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Cùng với thành quả đạt được, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên vẫn còn những hạn chế nhất định. Trước thềm Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Tiền Giang lần thứ IX, nhiệm kỳ 2012 - 2017, Bí thư Tỉnh Đoàn TRẦN THANH NGUYÊN thẳng thắn nhìn nhận:

Trong nhiệm kỳ qua, dù nỗ lực đầu tư nghiên cứu mô hình, phương thức mới trong các phong trào, các hoạt động nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Việc nắm bắt tư tưởng thanh thiếu niên chưa thường xuyên và kịp thời, từ đó chưa giải quyết tốt những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, thanh thiếu niên (ĐV-TTN).

Tuyên dương cán bộ Đoàn tiên tiến  làm theo lời Bác.
Tuyên dương cán bộ Đoàn tiên tiến làm theo lời Bác.

Một số hoạt động phong trào còn mang tính hình thức, chưa phát triển sâu rộng, thiếu tính bền vững. Nội dung và hình thức sinh hoạt chi đoàn chậm đổi mới. Công tác phát triển đoàn viên, đặc biệt là trong đoàn viên trên địa bàn dân cư còn gặp nhiều khó khăn. Công tác cán bộ thường xuyên biến động, nhất là đối với cấp cơ sở nên việc vận động, triển khai các hoạt động chưa kịp thời...

* PV: Theo anh, đâu là nguyên nhân dẫn đến những hạn chế?
* Anh Trần Thanh Nguyên: Nguyên nhân là do một bộ phận cán bộ Đoàn còn hạn chế về  kỹ năng, nghiệp vụ, ảnh hưởng đến chất lượng công tác chỉ đạo, khả năng vận dụng và cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đoàn cấp trên. Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào, các cuộc vận động do Đoàn phát  động có lúc, có nơi còn chậm so với yêu cầu.

Công tác kiểm tra, giám sát tại các cơ sở Đoàn còn hạn chế. Môi trường và việc đầu tư cho hoạt động của Đoàn - Hội - Đội còn hạn hẹp và sân chơi cho TTN chưa đáp ứng nhu cầu nên ảnh hưởng đến việc tập hợp thanh niên.

Một số cấp ủy Đảng cơ sở chưa thật sự quan tâm, lãnh đạo thiếu sâu sát công tác thanh niên. Một số nơi chưa xác lập cơ chế phối hợp giữa chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể nên việc đầu tư phát triển phong trào TTN chưa ngang tầm.

* PV: Mục tiêu của Đoàn trong nhiệm kỳ mới?

* Anh Trần Thanh Nguyên: Xuất phát từ tình hình thực tế, trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm công tác Đoàn và phong trào TTN nhiệm kỳ 2007 - 2012, Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn xác định mục tiêu công tác Đoàn và phong trào TTN nhiệm kỳ 2012 - 2017 là: “Xây dựng lớp thanh niên Tiền Giang giàu lòng yêu nước, có ý thức công dân, lý tưởng, đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị.

Tạo bước chuyển biến mới về chất lượng tổ chức, đặc biệt là chất lượng cán bộ, chất lượng chi đoàn cơ sở, chất lượng đoàn viên. Nâng cao sức hấp dẫn các phong trào thanh niên, khơi dậy tinh thần tự giác của ĐV-TN tham gia các hoạt động của Đoàn.

Tích cực chăm lo bảo vệ lợi ích chính đáng của TTN; khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão; xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học - công nghệ hiện đại; hình thành lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Phát huy tiềm năng to lớn của thanh niên Tiền Giang góp phần xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quê hương giàu đẹp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Một nội dung không kém phần quan trọng là tập trung thực hiện tốt “Quy chế cán bộ Đoàn” theo hướng đổi mới công tác cán bộ Đoàn. Chú trọng việc bồi dưỡng đoàn viên ưu tú, tạo nguồn cán bộ cho cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh niên đảm bảo có trình độ chuyên môn theo tiêu chuẩn, có nghiệp vụ công tác thanh niên và kinh nghiệm thực tiễn.

* PV: Từ thực trạng thanh niên hiện nay, theo anh, tổ chức Đoàn cần phải làm gì để thanh niên sống tốt, sống đẹp và sống có ích hơn?

* Anh Trần Thanh Nguyên: Trong nhiệm kỳ tới sẽ tập trung giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, bồi đắp niềm tin, văn hóa lối sống, truyền thống lịch sử dân tộc cho TTN. Khơi dậy và phát huy mạnh mẽ trí tuệ và sức trẻ của thanh niên với vai trò xung kích trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ, giúp TTN phát huy năng lực cá nhân, tích cực học tập, lao động, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành về mọi mặt.

Để thực hiện được điều đó, trong nhiệm kỳ tới cần đổi mới sinh hoạt Đoàn theo hướng linh hoạt, phù hợp với điều kiện sinh hoạt, học tập, công tác của ĐV-TN. Chú trọng nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Đoàn.

Nâng cao tính hấp dẫn, cụ thể, thiết thực trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho ĐV-TN, trọng tâm là đổi mới hình thức học tập lý luận chính trị, đưa nghị quyết của Đảng, của Đoàn vào cuộc sống sinh động, hấp dẫn hơn…

Phát động rộng rãi phong trào thi đua yêu nước trong TTN, đa dạng hóa các loại hình sinh hoạt văn hóa lành mạnh tại cộng đồng; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, đặc biệt là Hội Cựu chiến binh các cấp tăng cường các mô hình giáo dục truyền thống.

Giáo dục ĐV-TN tự ý thức và rèn luyện  phẩm chất đạo đức với phương châm “Mình vì mọi người”, “Sống đẹp - sống có ích”. Tổ chức các diễn đàn “Thanh niên sống đẹp, sống có ích”; phát động hưởng ứng Cuộc vận động “Văn minh, thanh lịch là nếp sống đẹp của đoàn viên, thanh niên”. Đấu tranh chống lối sống thực dụng, ích kỷ trong một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay; quan tâm, gần gũi động viên, cảm hóa giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến.

Tăng cường vận động và tổ chức cho ĐV-TN tham gia các hoạt động từ thiện - xã hội; phát huy vai trò tích cực của thanh niên trong việc kế thừa và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đi đầu trong việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại; đấu tranh bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, văn hóa phẩm độc hại.

Đoàn Thanh niên các cấp phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường quản lý văn hóa, kịp thời ngăn chặn các sản phẩm không lành mạnh tác động xấu đến thanh thiếu niên, nhất là qua Internet và các phương tiện thông tin đại chúng khác.

* PV: Xin cảm ơn anh!

NGUYÊN CHƯƠNG (thực hiện)

.
.
.