Thứ Ba, 12/02/2013, 07:01 (GMT+7)
.
Bút ký:

Xuân về ở cồn Ngang

Vào những ngày đầu năm khi cơn gió chướng thổi tràn qua hàng dừa trước ngõ báo hiệu Tết đến xuân về, tôi được Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tạo điều kiện ra thăm cồn Ngang (Phú Tân, Tân Phú Đông).

Nằm xa đất liền với điều kiện đi lại khó khăn nhưng không khí mùa xuân cũng đã đến với các cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên cồn qua màu xanh của rừng dừa, rừng dương phủ màu xanh khắp đảo. Với vị trí địa lý và đặc điểm sinh thái của đảo trên biển, cồn Ngang hứa hẹn một tiềm năng lý tưởng về phát triển du lịch sinh thái biển, đảo.

* Bất ngờ cồn Ngang về đêm

Chiếc tàu Biên phòng của Hải đội 2 phải mất hơn một giờ vượt sóng mới đưa chúng tôi ra đến cồn Ngang. Những cơn sóng mùa gió chướng làm thiếu úy Nguyễn Văn Tiễn (Hải đội 2) phải tập trung tinh thần cao độ mới điều khiển chiếc tàu vượt sóng thẳng tiến ra cồn Ngang.

Cặp theo sông cửa Tiểu, những hàng bần trổ đầy bông tím, những bụi thốt nốt, dừa nước…xanh tươi như một bức tranh thủy mặc. Thỉnh thoảng, vài cửa sông hiện ra với cơ man nào là rừng bần, vẹt mọc đan xen nhô lên trải dài ngút mắt.

Theo thiếu úy Tiễn, những cánh rừng ngập mặn ở đây là chỗ kiếm ăn lý tưởng của các loài cá, tôm, cua nên người dân ở vùng biển thường đi bắt cá bằng đóng đăng ở khu vực các cửa sông. Khi nước ròng, người ta cắm cọc, kéo lưới nằm sát góc cọc rồi phủ bùn lên ở những nơi có cá thường vào tìm thức ăn khi thủy triều lên; khi nước chuẩn bị đứng ròng thì tay lưới sẽ được kéo lên khỏi mặt nước, khép kín hai đầu.

Nước rút cạn, các bầy cá, tôm cũng vội vã lội ra sẽ bị lưới chặn lại đành nằm trên bùn chờ người đến bắt. Còn nhớ, cách đây vài năm, tôi có đi theo chú Ba Bờ (xã Phú Đông) đi đóng đăng ở sông cửa Đại, một đêm bắt được gần vài chục kg cá, tôm và cua.

Hoàng hôn ở cồn Ngang.
Hoàng hôn ở cồn Ngang.

Chiều xuống! Hoàng hôn dần buông để rớt lại những tia nắng hiếm hoi rọi xuống mặt biển tạo thành từng đường sáng nhấp nhô theo con sóng. Cồn Ngang từ từ hiện ra với màu xanh của rừng dương và tòa nhà làm việc của Đội kiểm soát Biên phòng cao hai lầu giống như một lâu đài nhỏ bé giữa biển.

Càng vào gần bãi biển, nước càng cạn nên chiếc tàu chạy chậm lại. Xa xa hàng đàn chim muồng biển đang đậu trên bãi cát lâu lâu bay túa lên khi thấy động; trên không đây đó thấp thoáng vài cánh hải âu lượn lờ về chỗ ngủ…Nếu như những năm trước đây, khu vực cồn Ngang còn vắng người thì nay đã nhộn nhịp hơn với những chiếc ghe của ngư dân đánh bắt cá về đậu nằm nghỉ, những chiếc ghe giữ sân nghêu của HTX Thủy sản Phú Tân cũng nằm ở đây…

Đêm ở cồn Ngang, ánh trăng nhuộm bóng vàng êm ả trên những hàng dương trải dài. Nằm nghe tiếng sóng vỗ rì rầm, gió biển thổi rì rào xuyên qua những hàng dương, tôi liên tưởng đến giai điệu khó tả mà đó đã trở thành nguồn cảm xúc của cố nhạc sĩ Hoàng Phương - người nhạc sĩ tài hoa, bạc mệnh - với những ca khúc sáng tác cho riêng vùng đất Gò Công: “Chiều trên bãi biển Gò Công”, “Về nông trường Phú Đông”, “Chuyện tình hoa muống biển,”…

Thiếu úy Trương Thành Luân (quê quán ở tỉnh Thái Bình) cán bộ đồn Biên phòng Phú Tân, chỉ tay ra hàng dương có nhiều đốm sáng lập lòe của những bầy đom đóm, kể: Những đêm không trăng, anh em ở đây tắt đèn điện (xài bằng pin năng lượng mặt trời) nhìn “đèn” đom đóm ở rừng dương, đẹp lắm! Vào năm 2004, cồn Ngang chỉ có căn nhà sàn để làm chỗ ở tạm cho lực lượng BĐBP khi ra đây tuần tra, trồng dương trên cồn, sau này đã bị mục.

Đến năm 2008, BĐBP đã đưa vào sử dụng công trình tòa nhà làm việc của Đội Kiểm soát Biên phòng ở cồn Ngang có kiến trúc một trệt, một lầu cùng sân thượng với tổng diện tích 375m2 được xây dựng kiên cố với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng do UBND tỉnh đầu tư. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng đối với BĐBP Tiền Giang trong công tác giữ gìn an ninh trật tự khu vực bãi bồi trên biển Gò Công cũng như kiểm soát tình hình hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân đánh bắt ven bờ.

Sinh hoạt đêm ở cồn Ngang.
Sinh hoạt đêm ở cồn Ngang. Ảnh: Đoàn Phát

* Khu du lịch sinh thái hứa hẹn trong tương lai

Theo các bậc cao niên ở Gò Công, cồn Ngang ngày xưa còn có tên là cồn Gầm vì mỗi khi mùa gió chướng về, người dân ở các xã Tân Thành, Phú Tân... sẽ nghe tiếng sóng vỗ vào cồn lúc mới hình thành nghe như tiếng gầm rõ mồn một. Cồn Ngang là vùng bồi tụ tự nhiên hình thành với hệ sinh thái rừng ngập mặn có tính đa dạng sinh học phong phú gồm cây bần, đước, mắm…cùng hệ động vật vùng biển gồm các loại cá ngát, cá đuối, ốc hương…

Bên cạnh những cảnh quan sinh thái tự nhiên hết sức lý thú, cồn Ngang còn có một vành đai xanh gồm rừng cây dương, đước do lực lượng BĐBP trồng từ những năm cồn vừa nổi lên để bảo bọc cồn Ngang khỏi xói mòn và gió, bão. Hiện nay, các cán bộ chiến sĩ trên cồn Ngang đã và đang trồng, chăm sóc hàng trăm cây dừa đang phát triển tốt, góp phần tạo thêm màu xanh cho đất cồn ngoài biển. Ngoài ra, cồn Ngang còn có một loại rau đặc sản do thiên nhiên ưu đãi cho đất cồn ở đây mà anh em BĐBP gọi là “sâm đất”. Rau mọc tự nhiên rất tốt trên đất cồn, đem luộc hoặc nấu canh ăn có mùi vị rất ngon!

Mặc dù ở xa đất liền nhưng việc ăn Tết ở cồn Ngang năm nào cũng được tổ chức khá tươm tất! Sau khi ăn Tết sớm ở đơn vị là Hải đội 2, các cán bộ chiến sĩ quản lý cồn Ngang đã mang thực phẩm được cấp phát đủ dùng trong mấy ngày Tết gồm bánh mứt, thịt heo…trở về cồn và dọn dẹp, trang hoàng nơi làm việc để đón Tết.

Theo thiếu úy Luân, trong đêm giao thừa, anh em ở đơn vị tập trung nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết qua TV, xem truyền hình trực tiếp cảnh đón giao thừa ở các nơi trong nước. Trong mấy ngày Tết, cán bộ chiến sĩ ở cồn Ngang tiếp khách là chỉ huy của BCH BĐBP, đại diện các đồn Biên phòng, lãnh đạo huyện Tân Phú Đông cùng xã biên phòng đến thăm hỏi, chúc Tết!

“Những tình cảm này đã giúp chúng tôi yên tâm và vững vàng tay súng để bảo vệ sự bình yên của cồn Ngang nói riêng và biển quê hương nói chung! Hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi là góp phần bảo vệ cái Tết  yên bình cho người dân vùng biển!”, thiếu úy Luân tâm sự. Và chính trách nhiệm của những người lính biên phòng với khẩu hiệu “đồn là nhà, biển đảo là quê hương” đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái của cồn Ngang trong tương lai.

Canh gác ở cồn Ngang.
Canh gác ở cồn Ngang.

Theo ông Đoàn Văn Thơ, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái của cồn Ngang là rất đa dạng và phong phú, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của huyện mới. Vừa qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số 3441/QĐ-UBND phê duyệt chi tiết quy hoạch khu du lịch sinh thái Cồn Ngang.

Theo quy hoạch, Cồn Ngang sẽ được xây dựng thành khu dịch vụ đa dạng với khu vui chơi giải trí, khu nhà nghỉ cao cấp, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và dã ngoại vui chơi, khám phá thiên nhiên cho du khách muốn tìm hiểu về thiên nhiên miền Tây Nam bộ. Việc phát triển du lịch sinh thái sẽ nâng cao giá trị của nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng ngập mặn và các hệ sinh thái đặc thù của vùng biển.

Hiện nay, UBND huyện đã và đang kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, khai thác cồn Ngang. Việc lập qui hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch sinh thái cồn Ngang của huyện Tân Phú Đông là bước đầu khẳng định vị trí du lịch đã được mọi người biết đến từ lâu nhưng vẫn còn ngủ yên, chưa được đánh thức.

Trong tương lai, tiềm năng du lịch của cồn Ngang nếu được khai thác đúng mức sẽ trở thành một bộ phận lý tưởng trong hệ thống du lịch sinh thái biển Tân Thành của huyện Gò Công Đông và những di tích văn hóa lịch sử ở TX. Gò Công (Lăng mộ Hoàng Gia, Lăng Trương Định) nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vốn có của vùng Gò Công.

…Xuân về, xin chúc các cán bộ chiến sĩ biên phòng ở cồn Ngang nói riêng và ở các đồn Biên phòng nói chung hưởng một cái Tết thấm đượm tình nghĩa quân dân và luôn vững tay súng để bảo vệ bình yên của biển đảo!

PHÙNG LONG

.
.
.