Thứ Sáu, 15/03/2013, 09:50 (GMT+7)
.

Trạm dừng nghỉ - nhìn từ cách làm của Nhật Bản

Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa phối hợp với Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông vận tải) triển khai dự án hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam, trong đó có khóa đào tạo “Phát triển doanh nghiệp địa phương (mỗi làng một sản phẩm) - Thúc đẩy phát triển địa phương của trạm dừng nghỉ ở Việt Nam”. Là học viên của khóa đào tạo, Ông Huỳnh Văn Nguyện, Phó Giám đốc Sở GTVT chia sẻ:

Khóa đào tạo mang tên “Phát triển doanh nghiệp địa phương (mỗi làng một sản phẩm) - Thúc đẩy phát triển địa phương của trạm dừng nghỉ ở Việt Nam” diễn ra từ ngày 8-10-2012 đến 3-11-2012 tại Nhật Bản với các điểm học tập chính: Trung tâm JICA Kyushu (tỉnh Fukuoka); Trung tâm Jica Chibu (TP.Nagoya) và Trường Đại học Nagoya.

Trạm dừng nghỉ Mekong (Tiền Giang).
Trạm dừng nghỉ Mekong (Tiền Giang).

Đây là chương trình năm thứ 3 trong dự án hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam. Dự án được triển khai từ năm 2009. Đơn vị tiếp nhận dự án: Tổng cục Đường bộ - Bộ GTVT. Đại diện Chính phủ Nhật Bản: Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA); Trung tâm Quốc tế Kyushu.

Đoàn Việt Nam tham gia khóa học có 9 người gồm: Đại diện Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT); đại diện 3 trạm dừng nghỉ: Bắc Giang, Ninh Bình, Mai Linh miền Trung; Tổng Công ty cơ khí 1-5;  2 cán bộ đại diện trường Đại học Tây Bắc (tỉnh Sơn La); Sở GTVT Đaklak; Sở GTVT Tiền Giang.

Người hướng dẫn khóa học là Giáo sư Nishikawa (Trường Đại học Nagoya) và đại diện JICA theo dõi khóa học là bà Nagano Eriko (Jica Kyushu). Kinh phí ăn, ở và đi lại của khóa học do tổ chức JICA tài trợ cho các thành viên trong suốt thời gian lưu trú tại nước Nhật.

Mục tiêu khóa tập huấn: Tìm hiểu bối cảnh về lý luận đẩy mạnh địa phương và cơ cấu liên quan tại Nhật Bản, tìm hiểu cách tiếp cận với các bên liên quan, thông qua phong trào mỗi làng một sản phẩm; xây dựng kế hoạch hành động bao gồm nội dung: Đã tiếp thu được gì, sử dụng kiến thức đó như thế nào để giải quyết vấn đề gì tại địa phương mình; sau khóa học thực hiện báo cáo hành động.

Đoàn Việt Nam được chia thành 4 nhóm căn cứ theo nghiệp vụ gồm: nhóm Quản lý hành chính, nghiệp vụ; nhóm Trường Đại học; nhóm Quản lý các trạm dừng, nghỉ.

Nội dung khóa học gồm hai phần lý luận và tham quan thực tiễn. Trong đó, phần lý luận có 10 nội dung chuyên đề; phần tham quan thực tế đi qua 6 tỉnh, thành phố miền Nam nước Nhật, khảo sát thực tế tại 6 trạm dừng nghỉ và tham quan 4 cơ sở gồm: chế biến bánh ngọt thủ công; chế biến nước trái cây; chế biến rượu nho; sản xuất đồ gốm…

Đoàn đã được nghe báo cáo khái quát về tình hình phân bổ và bố trí các trạm dừng nghỉ tại Nhật Bản. Trạm dừng nghỉ tại nước này được đưa ra khái niệm và được hình thành từ những năm 1990. Toàn nước Nhật có gần 1.000 trạm dừng nghỉ. Trạm dừng nghỉ chủ yếu ở  trục đường giao thông chính như cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh…

Mục đích của các trạm dừng nghỉ là nơi giao lưu giữa thành thị và nông thôn thúc đẩy phát triển kinh tế qua giới thiệu và bán sản phẩm của địa phương…Chức năng của trạm dừng nghỉ tại Nhật là nghỉ ngơi với cơ sở hạ tầng gồm bãi đậu xe, nhà vệ sinh…

Tại đây, các trạm dừng nghỉ còn có chức năng cung cấp thông tin: cung cấp thông tin về giao thông, về du lịch của địa phương…; cung cấp các loại dịch vụ: ăn, uống, nghỉ ngơi… bán các loại hàng hóa; đặc biệt bán sản phẩm chưa qua chế biến của địa phương…

Về kinh phí đầu tư, thông thường, từ yêu cầu thực tế và đề nghị (qua tổ chức kinh tế, hiệp hội, chính quyền...) của địa phương, Bộ Giao thông Nhật Bản sẽ xem xét, thẩm định, cấp phép và đầu tư bãi đậu xe, nhà vệ sinh (cấp kinh phí quản lý và duy tu hàng năm) cho 1 trạm dừng nghỉ.

Tất cả công trình còn lại do địa phương đảm nhận. Đơn vị quản lý và khai thác sẽ là chính quyền địa phương (tỉnh, thành phố…) sẽ giao cho 1 đơn vị quản lý và tổ chức khai thác như: hợp tác xã, hiệp hội…Tất cả trạm dừng nghỉ phải có giấy phép của Bộ Giao thông Nhật (có biểu tượng của trạm dừng nghỉ…).

Một số trạm dừng nghỉ đặc trưng đã được giới thiệu cho đoàn tham quan thực tế gồm:

1. Trạm dừng nghỉ Munakata, là trạm dừng nghỉ có sản phẩm cá biển tươi.
2. Trạm dừng nghỉ Donguri kết hợp tắm suối nước nóng.
3. Trạm dừng nghỉ Sakai kết hợp địa điểm du lịch bờ biển.
4. Trạm dừng nghỉ Mizunashi, kết hợp tham quan núi lửa (phun từ năm 1994 và đã tắt năm 1997).

Phương hướng phát triển địa phương qua trạm dừng nghỉ là xuất phát từ nhu cầu du lịch, an toàn giao thông, thông tin của địa phương… Địa phương muốn giới thiệu sản phẩm đặc trưng của mình đã kết hợp trạm dừng nghỉ để phát triển kinh tế của địa phương; nơi giao lưu giữa thành thị và nông thôn.

Ví dụ, trạm dừng nghỉ có đặc trưng là cam & các sản phẩm từ cam; trạm dừng nghỉ kết hợp giới thiệu và bán sản phẩm đồ gốm… Các sản phẩm tại trạm dừng nghỉ khác với các siêu thị như: sản phẩm chỉ qua sơ chế hoặc chưa qua chế biến, đặc sản mang tính chất địa phương do người dân trực tiếp sản xuất và giới thiệu…

Qua chuyến tham quan thực tế cho thấy, mô hình trạm dừng nghỉ được ra đời xuất phát từ nhu cầu rút ngắn khoảng cách thành phố - nông thôn, từ sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương, khả năng cống hiến làm việc của mọi người… Bên cạnh đó, phong trào của người dân với tiêu chí “Mỗi làng một sản phẩm, phát triển kinh tế địa phương kết hợp trạm dừng nghỉ” đã hình thành và thành công ở nước Nhật.

Với các đặc điểm trạm dừng nghỉ ở nước Nhật có thể vận dụng vào điều kiện thực tế Việt Nam, ví dụ như Trạm dừng nghỉ bò sữa Long Thành (Đồng Nai) hoặc trạm dừng nghỉ MeKong Reststop (Tiền Giang). Quá trình thực hiện dự án, do đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, JICA đã tài trợ xây dựng thí điểm 3 trạm dừng nghỉ ở 3 địa phương là: Bắc Giang, Ninh Bình và Hòa Bình. Hiện nay, chỉ có 2 trạm Bắc Giang và Ninh Bình hoạt động nhưng chủ yếu là phục vụ ăn uống.

Thời gian qua, Bộ GTVT đã có Thông tư 24/2010/TT-BGTVT ngày 31-8-2010 quy định về bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Tuy nhiên, vẫn chưa thúc đẩy được các trạm dừng nghỉ ở Việt Nam phát triển vì chưa có một cơ chế thích hợp khuyến khích đầu tư.

Từ đó, Bộ GTVT cần có quy chế riêng cho hoạt động của trạm dừng nghỉ: khả năng đầu tư của Nhà nước cho trạm; quy hoạch hệ thống trạm dừng nghỉ trên đường bộ; hướng dẫn hoạt động của trạm, gồm phần phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt góp phần giảm tai nạn giao thông.

Đối với tỉnh Tiền Giang, trên cơ sở có được các quy định, chính sách từ cơ quan liên quan (Bộ GTVT), với các đặc sản có được từ địa phương như trái cây ở Cái Bè, Cai Lậy, Mỹ Tho… Sở GTVT phối hợp chính quyền địa phương, liên minh hợp tác xã… nhất là các doanh nghiệp đang quản lý các trạm hiện nay (chỉ có khai thác kinh doanh ăn uống) như trạm dừng chân Mê Kông (MeKong Reststop), trạm dừng chân Phương Trang (Cái Bè)... để định hướng phát triển theo tiêu chí và chức năng của trạm dừng nghỉ.

H.V.N

.
.
.