Chủ Nhật, 28/04/2013, 02:26 (GMT+7)
.
Kỷ niệm 5 năm thành lập huyện Tân Phú Đông:

Tân Phú Đông - Những đổi thay sau 5 năm phát triển

Năm năm là một chặng đường không dài so với lịch sử hình thành vùng đất cù lao Phú Tân - Phú Đông hoang sơ, nhưng thật hào hùng và sôi nổi, nhân dân huyện nhà đã đoàn kết, nỗ lực và không ngừng phát huy tinh thần lao động sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế huyện nhà từ những ngày đầu vừa đựơc thành lập đến nay.

Kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2012 đạt 10,5% (tăng 1,1% so với năm 2008) cùng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 2.008 tỷ đồng… là minh chứng cho nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Phú Đông trong xây dựng và phát triển kinh tế.

*  “Vạn sự khởi đầu nan…”

Lễ công bố quyết định thành lậ
Lễ công bố quyết định thành lập huyện Tân Phú Đông cách đây 5 năm.

Huyện Tân Phú Đông được thành lập theo Nghị định số 09/2008/NĐ-CP ngày 21-01-2008 của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Gò Công Tây và Gò Công Đông. Huyện có 6 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các xã: Phú Đông, Phú Tân, Tân Thới, Tân Phú, Tân Thạnh và Phú Thạnh. Vị trí địa lý phía đông giáp biển Đông, phía tây giáp huyện Chợ Gạo, phía nam giáp tỉnh Bến Tre và phía bắc giáp huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông và Chợ Gạo.

Nhớ lại những ngày vừa mới thành lập, nhân sự của các ban ngành, đoàn thể và cơ sở hạ tầng của huyện Tân Phú Đông còn gặp vô vàn khó khăn. Cán bộ ban ngành đoàn thể huyện phải làm việc và sinh hoạt trong những dãy nhà tiền chế tạm bợ, đặc biệt thiếu nước sinh hoạt trong những tháng mùa khô nóng bức do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của vùng biển Gò Công.

Hệ thống giao thông của huyện lúc bấy giờ chỉ có được tuyến đường chính 877B kéo dài suốt địa bàn huyện được rải đá đỏ; việc giao thông đi lại cũng như vận chuyển, giao thương hàng hóa của người dân trong huyện gặp nhiều khó khăn. Việc nối liền giữa huyện cù lao Tân Phú Đông và những huyện ở đất liền chỉ có 3,4 bến đò ngang vượt sông cửa Tiểu với những con sóng cuồn cuộn quanh năm…

Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt do hàng năm vào mùa khô xâm nhập mặn lấn sâu vào các cửa sông hàng chục km, đời sống người dân rất khó khăn. Ai cũng biết con tôm là một lợi thế kinh tế của cù lao nhưng các đầm nuôi tôm vẫn lao đao với dịch bệnh do nuôi tự phát, mạnh ai nấy làm. Nhiều chủ đầm mắc nợ ngân hàng chồng chất, giấy chủ quyền đất luôn nằm trong ngân hàng, cũng vì con tôm gặp nhiều quá rủi ro.

Những hộ làm lúa thì chỉ một vụ nhưng năng suất thì bấp bênh, có lúc lúa “phơi cờ trắng” trắng đồng vì lép hết. Người dân ở huyện lúc này đa số là tha phương, đi nơi khác để mưu sinh… Theo điều tra vào thời điểm 1-4-2009, toàn huyện có 40.221 người, số hộ nghèo là 5.735 hộ (chiếm 52,18%) và số hộ cận nghèo là 687 hộ (chiếm 11,98%).

Cơ sở vật chất của hệ thống trường học các cấp ở huyện lúc bấy giờ còn ọp ẹp, học sinh thì do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chuyện đi học của các em chẳng được quan tâm. Số lượng học sinh học hết cấp 2 và qua đất liền để học cấp 3 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đội ngũ thầy cô giáo từ đất liền qua dạy đã cố gắng hết lòng vì đàn em thân yêu nhưng cũng hết cách vì không đủ sức phải thường xuyên đến từng nhà vận động các em bỏ học đến trường.

Các trạm y tế cơ sở cũng gặp khó khăn về nhân sự cũng như trang thiết bị nên công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ở huyện cù lao lúc này chủ yếu là chuyển tuyến sang các bệnh viện ở đất liền để điều trị. Hệ thống cung cấp nước sạch của địa phương vào thời điểm này chưa được hoàn chỉnh nên chuyện thiếu nước ngọt sinh hoạt trong 6 tháng mùa khô, lúc nước mặn đã tràn vào các kinh, rạch, là chuyện bình thường…

Sau lễ ra mắt chính thức vào ngày 30-4-2008, UBND lâm thời huyện Tân Phú Đông đã từng bước đi vào hoạt động ổn định, đây là mốc thời gian cho thử thách ở vùng đất cù lao có tiềm năng trong việc khai thác, và là nền tảng của sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng an ninh đến nay.

* Những thành quả bước đầu sau 5 năm phát triển

Vượt qua những khó khăn, gian khổ trong những ngày đầu mới thành lập, bộ máy lãnh đạo của huyện mới đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm khắc phục khó khăn để cùng người dân địa phương từng bước phát triển kinh tế huyện nhà. Phát huy nội lực cùng với sự quan tâm đầu tư của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự hỗ trợ, giúp đỡ chí tình của các ban ngành đoàn thể tỉnh, các địa phương lân cận, bộ mặt huyện Tân Phú Đông đã dần dần khởi sắc. Nhờ sự quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, các ngành, các cấp và nhân dân, tình hình phát triển kinh tế xã hội của huyện đã đạt đựơc một số thành tựu bước đầu như sau:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, trong đó năm 2012 đạt 10,5% (tăng 1,1% so năm 2008). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 2.008 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách là 440,758 tỷ đồng, chiếm 21,9% (vốn xây dựng nông thôn mới là 5,2 tỷ đồng, chiếm 1,18%; vốn xây dựng cơ bản 435,558 tỷ đồng, chiếm 98,82%) và vốn ngoài ngân sách là 1.567, 242 tỷ đồng, chiếm 78,1%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng/năm (tại thời điểm năm 2012). Tình hình quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội được giữ vững. Công tác tuyển quân hàng năm đều đạt 100% chỉ tiêu được giao.

Qua 5 năm xây dựng và phát triển, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn chỉnh. Đường tỉnh 877B dài 35,3 km chạy dài từ đầu đến cuối huyện đã được trải nhựa theo tiêu chuẩn đường cấp VI với tổng kinh phí 150,730 tỷ đồng; 18,62km/53,63 km đường huyện đã được đầu tư láng nhựa; 67,73km/173,9 km đường giao thông nông thôn đã được đầu tư bê tông xi măng (trong đó có 6,14 km đạt chuẩn cấp A, 8 km đạt chuẩn cấp C và 72 km đá cấp phối).

Một đoạn đường ở huyện Tân Phú Đông đã được trải nhựa.
Một đoạn đường ở huyện Tân Phú Đông đã được trải nhựa.

Hệ thống các bến phà chính được phân bổ đều trên địa bàn với 3 bến phà, 18 bến đò và bến phà Tân Thạnh - Tân Phú đang được xây mới. Hiện nay, bến phà Tân Long đang được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 50 tỷ đồng, dự kiến sẽ thông xe vào dịp 30-4-2013. Bến phà Phú Đông - Phước Trung đang được triển khai với tổng kinh phí 11 tỷ đồng, bến phà đi huyện Bình Đại (Bến Tre) đang hoàn chỉnh thủ tục đầu tư.

Về kinh tế, dự án đê biển Gò Công và hạng mục “ngăn sông cửa Trung để trữ và cung cấp nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của toàn huyện” đang được Bộ NN&PTNT xem xét đầu tư với tổng kinh phí khoảng 1.400 tỷ đồng, đây sẽ là công trình mang tính đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế huyện Tân Phú Đông.

Do đặc thù của điều kiện địa lý, địa bàn huyện đang có 3 vùng sản xuất ở các loại nước ngọt - lợ - mặn khác nhau. Đó là vùng trồng cây ăn trái với 3.346 ha trồng dừa và mãng cầu xiêm; 4.400 ha nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ với sản lượng trung bình hàng năm đạt 12.500 tấn; 1.500 ha đất ven biển có sản sinh giống nhuyễn thể hai mảnh (nghêu và sò huyết giống). Đây là tiềm năng mang giá trị kinh tế lớn mà huyện đang tập trung quản lý đảm bảo phát triển tốt và bền vững để tăng nguồn thu, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, giảm nghèo bền vững.

Đặc biệt, huyện còn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái ở khu vực cồn Ngang và cồn Cống. Hiện UBND tỉnh đã giao cho Công ty cổ phần thương mại Kinh Thành đầu tư trong lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với diện tích 150 ha ở cồn Ngang cùng kinh phí 1.300 tỷ đồng; công ty TNHH TM DVDL Lợi Đạt đầu tư với tổng diện tích là 100 ha ở cồn Cống với tổng kinh phí đầu tư là 300 tỷ đồng.

Với một khu di tích lịch sử Lũy Pháo đài Trương Định được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, là một địa chỉ đỏ đang được tỉnh đầu tư quy hoạch kết hợp với du lịch, kết nối với khu du lịch sinh thái cồn Ngang sẽ tạo thêm sức hấp dẫn đối với du khách.

Thu mua mãng cầu xiêm - một giống cây chủ lực trong cơ cấu cây trồng của huyện.
Thu mua mãng cầu xiêm - một giống cây chủ lực trong cơ cấu cây trồng của huyện.

Công tác giáo dục đào tạo được huyện quan tâm, chỉ đạo hàng đầu. Bằng các nguồn vốn đầu tư, đến nay, đã xây dựng được các trường học, nhà công vụ cho đội ngũ giáo viên…với tổng kinh phí 52.334,8 triệu đồng với cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên ở các bậc học được đảm bảo theo quy định, huyện đã duy trì được chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở 6/6 xã.

Công tác chăm lo, giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng đảm bảo đúng quy định, công bằng, không để xảy ra thắc mắc. Công tác xây dựng nhà theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg đảm bảo đúng theo quy định. Đến nay, đã xây dựng được 844 ngôi nhà với tổng kinh phí thực hiện là 22.349 triệu đồng.

Công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo thực hiện. Xã điểm Tân Thới đã được phê duyệt đề án, đồ án, hiện đã đạt được 3/19 tiêu chí. Dự kiến đến năm 2015, xã Tân Thới sẽ được công nhận xã nông thôn mới. Các xã còn lại đang được lập quy hoạch theo hướng dẫn đến đầu năm 2013 sẽ hoàn chỉnh đưa vào triển khai thực hiện.

Theo kế hoạch, đến năm 2015, khu hành chính, trụ sở làm việc của Huyện ủy, UBND huyện với tổng kinh phí xây dựng khoảng 90 tỷ đồng sẽ hoàn thành và tiếp tục xây dựng đề án thành lập thị trấn Tân Phú Đông của huyện…

Những kết quả đã đạt được trong 5 năm qua là kết quả của sự đoàn kết một lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Phú Đông và bằng sự lao động không mệt mỏi của người dân ở mảnh đất cù lao cùng chung sức xây dựng cho mảnh đất này ngày càng giàu mạnh thêm.

Hiệu quả đạt được trong thời gian qua là rất lớn, sự thành lập huyện mới Tân Phú Đông là một quyết định hết sức đúng đắn, kịp thời, phù hợp với nguyện vọng của bao người. Nhân dân Tân Phú Đông có thể tự hào trước những thay đổi do chính bàn tay mình làm ra.

Phát huy thành quả đạt được, phấn đấu vượt qua đói nghèo và lạc hậu, toàn Đảng, toàn dân huyện Tân Phước vững tin bước vào nhiệm vụ mới. Bằng quyết tâm và sự lao động cần cù, nhẫn nại, huyện Tân Phú Đông sẽ hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - chính trị và xã hội với hiệu suất cao hơn, đời sống nhân dân trong huyện tiếp tục được nâng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng Gò Công nói riêng và tỉnh nhà nói chung.

HOÀNG AN

.
.
.