Thứ Ba, 30/04/2013, 05:21 (GMT+7)
.

Tháng Tư về xã Bình Ninh anh hùng

Là căn cứ cách mạng của huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho và Gò Công (cũ) trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ nên xã Bình Ninh bị địch tập trung đánh phá ác liệt. Sau 30-4-1975, toàn xã có hơn 80% là hộ nghèo. Tuy nhiên, sau 38 năm, Bình Ninh đang trở thành một trong những địa phương điển hình toàn tỉnh về chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phá thế độc canh cây lúa.

* Khởi đầu bằng hành trang quá khứ anh hùng

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Bình Ninh là đầu cầu tiếp nhận, trung chuyển vũ khí từ Bến Tre về nên thường xuyên là mục tiêu đánh phá ác liệt của địch. Trong 21 năm (1954-1975), địch đã dội xuống xã này hàng ngàn tấn bom đạn.

Sau ngày 30-4-1975, kinh tế xã Bình Ninh thực sự gặp khó khăn! Đồng ruộng tiêu điều, vườn dừa bị bom, chất độc hóa học làm đứt đọt, chết khô; hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng hầu như không có gì. Tỷ lệ nghèo đói ở xã Bình Ninh lúc này gần như dẫn đầu huyện với con số ước tính 40%.

Nhưng hòa chung với công cuộc xây dựng, hàn gắn vết thương chiến tranh của cả nước, chính quyền và nhân dân xã Bình Ninh đã xây dựng lại xã nhà với hành trang quý giá là danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang” được công nhận vào ngày 20-10-1994.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã được giảm khá mạnh, chỉ còn 10,04% cùng bộ mặt nông thôn đã khang trang hơn. Đây là thành quả đạt được đáng trân trọng của một xã vùng sâu với động lực chính là truyền thống anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước!

Bộ mặt khang trang của nông thôn xã Bình Ninh hôm nay.
Bộ mặt khang trang của nông thôn xã Bình Ninh hôm nay.

Người bạn học cùng thời THPT ở trường THPT Chợ Gạo của tôi, nay đang công tác ở Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chợ Gạo, kể về những đổi thay của xã nhà: Tuổi thơ tôi đã gắn liền với con kênh sau nhà từ khi được làm bằng sức người cho đến khi được nạo vét, thi công bằng xe cơ giới nên cảm nhận rõ từng nét đổi thay.

Tuyến đường đất liên xã Bình Ninh - An Thạnh Thủy trước đây đầy bùn vào mùa mưa khiến những đứa học sinh cấp 3 như chúng tôi đi học phải vác xe thì nay đã là con đường nhựa phẳng phiu. Các chỉ tiêu “điện, đường, trường, trạm”, vốn chỉ là ước mơ trong thời kỳ bao cấp của những năm 80 nay đã đạt từ 90-100%.

Để đạt được thành quả này, Đảng ủy - UBND xã Bình Ninh đã mạnh dạn, chủ động tìm ra cách làm mới thích hợp với điều kiện và hoàn cảnh của địa phương; đồng thời phát huy được sự nỗ lực của người dân trong xã trong đồng lòng, đồng sức phát triển kinh tế theo định hướng chung của tỉnh, huyện.

* Những khởi sắc trên quê hương anh hùng

Theo chân một cán bộ văn phòng UBND xã, tôi đi một vòng trên hệ thống đường giao thông nông thôn phần lớn đã được trải đá, sỏi đỏ và bê tông. Riêng con đường vào ấp văn hóa Hòa Mỹ đã được láng nhựa như chứng minh cho sự “trở mình” của một vùng quê.

Dọc theo các tuyến đường, những ruộng ớt đỏ trái, những ruộng cà F1 vàng ươm, xa xa là những mảnh vườn nối vườn, mái ngói xen mái tôn, fiprô và các giàn anten giương cao. Ban đêm, con đường nhựa liên xã càng nhộn nhịp hơn với cảnh chị em phụ nữ đi tản bộ, tập thể dục càng làm cho bức tranh quê ở Bình Ninh càng thêm tràn đầy sức sống.

Một bí quyết thành công trong việc phát triển kinh tế ở xã Bình Ninh là hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng gắn với phát triển giao thông nông thôn; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho người dân. Trước khi chưa có chương trình ngọt hóa và hệ thống đê sông Tiền, gần ½ diện tích của xã nằm dọc sông Tiền chịu ảnh hưởng của nước mặn nên đất ở đây bị nhiễm phèn, mặn nghiêm trọng; cây lúa chỉ đứng một vụ mà còn bấp bênh.

Từ năm 1990-1994, xã đã huy động người dân làm thủy lợi nội đồng để nạo vét bằng cơ giới, thủ công các tuyến kênh với tổng chiều dài 39,7 km, khối lượng 104.000 m3 đất đào đắp, 25 cống với tổng kinh phí 879 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp 300 triệu đồng…

Hệ thống thủy lợi nội đồng sau khi hoàn thành, tiếp tục được duy tu tốt để ngăn mặn, trữ ngọt, ngăn triều chống úng phục vụ sản xuất, đủ sức tưới tiêu cho 1.153 ha diện tích sản xuất và chăn nuôi, ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo sản xuất theo lịch thời vụ. Từ 1,2 vụ lúa bấp bênh, cây lúa dần đứng vững và lên 3 vụ. Đến nay, toàn xã đã có hơn 1.900 ha với năng suất từ 5,3 tấn/ha.

Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xã Bình Ninh đã phân loại từng tiểu vùng kinh tế nông nghiệp rõ rệt phù hợp với điều kiện mỗi ấp. Cụ thể: vùng quy hoạch trồng cây ăn trái; khu vực phát triển tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp; vùng phát triển cây màu và cây lúa. Nổi bật nhất trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Bình Ninh là việc định hướng, hỗ trợ cho nông dân trong việc trồng màu.

Cụ thể, cây ớt đang trở thành cây màu chủ lực của xã với năng suất bình quân đạt 10-12 tấn/vụ, giá bán từ 15.000 đồng/kg trở lên, có lúc cao nhất lên đến 42.000 đồng/kg, nông dân có mức lãi bình quân khoảng 200 - 240 triệu đồng/vụ.  Theo Hội Nông dân xã, một số điển hình nông dân sản xuất giỏi với mô hình trồng ớt như: ông Nguyễn Văn Việt (ấp Bình Quới Hạ), Nguyễn Văn Ánh (ấp Bình Phú), Huỳnh Văn Nghiệp (ấp Bình Qưới Hạ)...

Cây ớt được xem là giống cây chủ lực trong phát triển kinh tế ở xã Bình Ninh.
Cây ớt được xem là giống cây chủ lực trong phát triển kinh tế ở xã Bình Ninh.

Ngoài việc phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy và UBND xã Bình Ninh còn chú trọng khai thác các tiềm lực về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Hiện xã có 5 cơ sở tiểu thủ công nghiệp lớn chuyên làm chỉ xơ dừa, than gáo dừa xuất khẩu giải quyết công ăn việc làm cho 500 lao động. Đặc biệt, những ấp cặp đê sông Tiền đã được huyện khảo sát và quy hoạch thành cụm tiểu thủ công nghiệp, sẽ là một hướng mở ra cho nhu cầu giải quyết việc làm của người dân địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế xã nhà.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định hướng trọng điểm là đưa cây màu xuống chân ruộng tạo ra cơ cấu cây trồng phù hợp, khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản lồng ghép trong các mô hình kinh tế hộ, phát triển các ngành nghề nông thôn gắn với cụm tiểu thủ công nghiệp.

Về xã Bình Ninh vào những ngày tháng Tư này, bắt gặp niềm vui “trúng lúa, trúng màu” của bà con nông dân cũng như thấy sự thay đổi của bộ mặt nông thôn, tôi càng thấy cảm phục hơn ý chí phấn đấu, sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã anh hùng nơi đây! Thành quả về phát triển kinh tế – xã hội mà xã Bình Ninh đã đạt được trong 38 năm sau ngày hòa bình sẽ là nền tảng vững chắc để đơn vị anh hùng này tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa!

MỸ AN


 

.
.
.