BĐBP Tiền Giang: Tăng cường tuyên truyền Luật Biển đến với ngư dân
Trong thời gian qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Tiền Giang cũng như các ngành, các cấp đang tập trung tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Biển Việt Nam với nhiều hình thức phong phú và đa dạng cho bà con ngư dân trên khu vực biên giới biển của tỉnh.
Theo thống kê của BĐBP Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có 1.365 tàu thuyền các loại trong đó tàu hoạt động xa bờ có 808 chiếc, ven bờ có 557 chiếc với trên 8.300 ngư dân đang khai thác trên các vùng biển Trường Sa, Côn Sơn và vùng biển Gò Công.
Ngoài ra còn hàng trăm phương tiện nhỏ chưa đăng ký hành nghề, riêng trong khu vực biên giới biển của tỉnh chiếm trên 60% số lượng ngư dân và phương tiện. Tuy nhiên, do còn nhiều ngư dân chưa nắm vững các quy định của pháp luật về biển, đảo, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế... nên hiệu quả hoạt động trên biển bị hạn chế.
Thượng tá Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ nhiệm chính trị BĐBP Tiền Giang, tuyên truyền Luật Biển tại xã Vàm Láng. |
Thời gian qua, Bộ Chỉ huy (BCH) BĐBP tỉnh chỉ đạo các đồn, Hải đội phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền rộng rãi các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chính sách của địa phương.
Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật Biên giới quốc gia, Nghị định 161/CP về “Quy chế khu vực biên giới biển”, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa”… và các văn bản khác có liên quan đến khu vực biên giới biển và hoạt động trên biển.
Kết quả đã góp phần làm cho nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, nắm vững luật pháp, yên tâm bám biển làm ăn và làm chủ trên vùng biển của Tổ quốc. Ngoài ra, nhiều ngư dân tích cực tham gia cùng với BĐBP, phát hiện, đấu tranh với các hoạt động của tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển, đảo, tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển...
Luật Biển Việt Nam đã được thông qua ngày 21-6-2012 tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 13. Luật gồm 7 chương 55 điều, có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2013. Việc thông qua Luật Biển Việt Nam, lần đầu tiên nước ta có một văn bản quy định đầy đủ các chế độ pháp lý của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. |
Đặc biệt, để ngư dân kịp thời nắm bắt về Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, BCH BĐBP tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho bà con ngư dân ở các xã, thị trấn trên khu vực biên giới biển và một số địa phương khác trong nội địa có nhiều phương tiện đang đánh bắt, khai thác thủy, hải sản trên biển.
Tại các buổi sinh hoạt, bên cạnh được tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc Quốc hội thông qua Luật Biển Việt Nam, bà con ngư dân còn được cán bộ BĐBP phổ biến nhanh về tình hình Biển Đông hiện nay; quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong giải quyết các vấn đề về Biển Đông...
Tại buổi tuyên truyền tại thị trấn Vàm Láng (Gò Công Đông), địa phương có rất nhiều bà con hành nghề đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển, bà con đều đồng tình về Luật Biển Việt Nam. Ông Trần Ngọc Lễ, một ngư dân bám biển lâu năm ở thị trấn Vàm Láng cho biết: “Tôi có tàu đánh bắt xa bờ, mình phải phấn đấu, cố gắng để bảo vệ vùng biển của mình hoặc mình đi đánh bắt trong vùng biển của mình có ai bị tàu nước ngoài xâm lấn hay bạo hành thì chúng ta phải đấu tranh để quốc tế ủng hộ cùng lên án hành vi này”.
Còn ông Huỳnh Văn Mẫn, thể hiện rõ tâm huyết của mình khi được tuyên truyền về Luật Biển Việt Nam: “Qua tuyên truyền, tôi biết được vùng biển của nước mình rộng lớn, có nguồn tài nguyên phong phú và có vị trí quan trọng trong khu vực và trên quốc tế. Sau khi tiếp thu, tôi sẽ về phổ biến lại cho bà con trong khu phố, con cháu trong gia đình về ý nghĩa và tầm quan trọng của biển Việt Nam để mọi người được hiểu rõ hơn”.
Tại điểm tuyên truyền ở xã Kiểng Phước, sau khi nghe BĐBP nêu lên ý nghĩa, nội dung và tầm quan trọng của Luật Biển Việt Nam, bà con nhận thức rõ về ý nghĩa của Luật Biển cũng như trách nhiệm của mình đối với vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Lực lượng BĐBP Tiền Giang kiểm tra, nhắc nhở ngư dân chấp hành các quy định an toàn trước khi ra khơi. |
Việc tuyên truyền Luật Biển Việt Nam của BĐBP không chỉ giới hạn trong khu vực biên giới biển, mà còn triển khai tại một số địa phương trong nội địa như: xã Tân Phú, xã Tân Thới (Tân Phú Đông), xã Bình Xuân (TX. Gò Công), xã Bình Đông (Gò Công Đông).
Bà con thật sự phấn khởi khi thấy một số hình ảnh của biển, đảo, ngư dân khai thác trên biển và các chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, BĐBP ngày đêm đang làm nhiệm vụ giữ biển, đảo của Việt Nam. Ông Nguyễn Văn On, một người dân ấp Cộng Lạc (xã Bình Đông) bày tỏ: “Biển Đông của Việt Nam rất giàu đẹp và rất quan trọng, không chỉ bản thân tôi mà bà con ở đây luôn nhận thức rõ điều đó. Do vậy, ngoài việc các lực lượng của Nhà nước đang làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển thì ngư dân cũng phải có trách nhiệm góp phần bảo vệ và giữ biển, đảo Việt Nam”.
Thượng tá Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ nhiệm chính trị BĐBP Tiền Giang, người trực tiếp tuyên truyền về Luật Biển Việt nam cho biết: Qua các buổi tuyên truyền, chúng tôi nắm được tâm lý và nhận thức của bà con rất phấn khởi vì Việt Nam của chúng ta có một văn bản pháp lý quy định đầy đủ về các vùng biển, đảo của Việt Nam để từ đó tạo nên ý thức trách nhiệm cho mọi người đối với việc quản lý bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc nói chung và vùng biển của tỉnh nhà nói riêng.
P.LONG - Đ.PHÁT