Thứ Hai, 29/04/2013, 05:54 (GMT+7)
.
Nhà giáo - Liệt sĩ Lê Thị Thiên và quyển nhật ký còn lại

Bài 1: Những dòng nhật ký tuổi 20 đầy chất “lửa”

Bài 2: Tìm lại ký ức...

Bài 3: Cảm nhận & hành động

LTS: Nữ Nhà giáo - Liệt sĩ Lê Thị Thiên (sinh năm 1945) quê quán ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, nhập ngũ ngày 8-2-1962, hy sinh ngày 10-10-1966. Liệt sĩ Lê Thị Thiên được tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng III và được truy tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng II.

Sau khi hy sinh, gia đình được nhận giấy báo tử, nhưng không biết hài cốt của Liệt sĩ Lê Thị Thiên ở đâu. Đó là nỗi trăn trở của người thân liệt sĩ từ thời chiến đến thời bình. Năm 2012, Báo Bình Dương tiếp nhận quyển nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”. Trân trọng từng trang nhật ký, Báo Bình Dương cùng các cơ quan hữu quan của 2 tỉnh Bình Dương và Tiền Giang nỗ lực tìm tác giả. Qua đó xác định Liệt sĩ - Nhà giáo Lê Thị Thiên là người viết quyển nhật ký tại chiến trường miền Đông Nam bộ.

Cảm nhận về cuốn nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” của Nhà giáo - Liệt sĩ Lê Thị Thiên, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viết: “Tôi thật sự xúc động, tự hào và khâm phục khi đọc những dòng nhật ký này. Nhớ lại Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… cũng lứa tuổi đôi mươi tràn đầy nhiệt huyết, họ đã sống, chiến đấu xả thân vì Tổ quốc, vì nhân dân…”.

Được tìm thấy từ lòng đất sau gần nửa thế kỷ, quyển nhật ký vỏn vẹn 35 trang giấy học trò và 6 bức ảnh mà chứa chan ký ức về đồng đội một thời cùng chiến đấu, hy sinh. Những dòng chữ đầu tiên được viết vào tháng 12-1962 và trang cuối cùng của quyển nhật ký được viết vào ngày 20-10-1966.

“Thế hệ Hồ Chí Minh” là tiêu đề của quyển nhật ký mà tác giả ghi ở trang đầu. Xuyên suốt quyển nhật ký, chị xác định cho mình một lý tưởng và quyết tâm cao từ những việc làm rất bình thường.

Ở những trang đầu quyển nhật ký, chị Thiên (tự xưng là M.) viết: “Tháng 12-1962: Rời mái trường trở về địa phương tham gia cách mạng. Vừa dạy học, vừa tham gia các mặt công tác kháng chiến ở địa phương. Tháng 5-1964: Được tin chuẩn bị đi dự lớp sư phạm ở R (họp ngày 30-5), rất phấn khởi về tư tưởng. Vì khi đi học sẽ có kiến thức, phục vụ cách mạng nhiều hơn.

Ngày 4-6-1964: Ngày giỗ ngoại. Qua lời khuyên của cậu, M. cố khắc sâu vào tư tưởng, cố gắng làm thế nào cho xứng đáng là đứa cháu của cậu, đứa con ngoan của ba má, đứa con ưu tú của Đảng. Ngày 22-6-1964: Rời gia đình lên đường học tập, M. có cảm nghĩ mới lạ. Khi học tập phải cố gắng với bổn phận của mình để xứng đáng là đứa con yêu của ba má, đứa em của các chị, đứa con của cách mạng, của Đảng”.

Tuy sống, học tập, chiến đấu trong điều kiện khắc nghiệt và ác liệt, nhưng Lê Thị Thiên vẫn canh cánh bên lòng nỗi lo cho người thân và bà con quê nhà. “Được tin giặc càn bố xã nhà, M. cảm thấy buồn và lo lắng nhiều. Không biết bà con ở đây ra sao? Gia đình M. thế nào? Sốt ruột mong biết tin” (nhật ký ngày 16-7-1764). Và chị xác định “CĂM THÙ -> HÀNH ĐỘNG + CÔNG TÁC + HỌC TẬP TỐT”.

Đối với chị nói riêng và các chiến sĩ nói chung, gia đình và người thân luôn là hậu phương vững chắc trong cuộc chiến đấu với kẻ thù. Nhật ký ngày 9, 10, 11 và 12-9-1966 ghi: “Mấy ngày nay, sau khi được thư người anh (Quang), M. có mừng nhưng rồi lại cũng nghĩ nhiều đến gia đình. Nghĩ và nhớ, phải nói như vậy…”. “Được thư của người anh ruột thịt, M. mừng biết bao! Đọc đi đọc lại mấy lần vẫn muốn đọc mãi. Qua những lời khuyên lơn, dặn dò, M. cố khắc ghi mãi mãi trong lòng… Anh ơi! Em sẽ cố gắng trui rèn bản thân nhiều hơn nữa để xứng đáng là đứa em gái của anh, đứa con yêu của ba má, một đảng viên ưu tú của Đảng”.

Khi đọc quyển nhật ký của Nhà giáo - Liệt sĩ Lê Thị Thiên, chúng tôi bắt gặp một cảm xúc giống nhau đến lạ thường giữa ý chí, hành động cùng lý tưởng cao đẹp của tuổi 20 lúc bấy giờ như của Bác sĩ - Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là khát khao được cống hiến cho Tổ quốc.

Chị Thiên viết: “Đêm 1-1-1965: Đêm nay được nghe chú Năm nói chuyện tình hình thời sự, M. rất phấn khởi. Quân và dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, ngày một nhiều hơn, vẻ vang hơn. M. phải nỗ lực trau dồi để tiến kịp bè bạn, giàu lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc và dám hy sinh tính mạng khi Tổ quốc cần đến… M. phải soi rọi bản thân, phải cần học tập thêm, tư tưởng luôn hướng đến lý tưởng cộng sản, chân lý của cách mạng.

“Ta hãy nghĩ đến Tổ quốc nhiều hơn - vì Tổ quốc”. Tuổi còn trẻ - Đời còn dài - Vì Tổ quốc - Nghĩ đến Tổ quốc nhiều hơn - Gạt bỏ tư tưởng cá nhân - Học tập trau chuốt nhiều hơn, tốt hơn…”.

Chị đặt ra mục tiêu cho mình “Chiến sĩ giết nhiều giặc, người giáo viên trên trận tuyến văn hóa cần nỗ lực nhiều hơn với vai trò, nhiệm vụ của mình mà Đảng, nhân dân đã giao cho. Ngày 8-1-1966: Tình hình động, giặc càn vào C2. Đây là lần đầu M. có nhiều ý nghĩ mới: Làm công tác gì cho phù hợp với tình hình giai đoạn hiện tại…?”. Chị luôn khao khát được hoạt động, được cống hiến ngay cả những lúc khó khăn, gian khổ nhất của cuộc chiến đấu: “Một tuần qua là thời gian lộ chết (nằm hầm). Rất mong tình hình trở lại bình thường để tiếp tục công tác. Không làm được gì, M. buồn nhiều…”.

Quyển nhật lý của Liệt sĩ - Nhà giáo Lê Thị Thiên.
Quyển nhật lý của Liệt sĩ - Nhà giáo Lê Thị Thiên.

Một chi tiết khác trong quyển nhật ký đã minh chứng thêm ý chí kiên định vững vàng của một chiến sĩ, một đảng viên trong những ngày chiến tranh ác liệt. Chị viết: “Chính trị là thống soái, nghiệp vụ là trung tâm, văn hóa là cơ sở” phải là người học trò nhỏ của quần chúng… (nhật ký ngày 27-2-1965).

Về tình cảm riêng tư, chị thổ lộ: “Có người đến tìm hiểu và hỏi ý kiến muốn xây dựng cùng M. nhưng ý nghĩ, tư tưởng chưa nghĩ tới. Cho nên M. không thể nhận lời, không thể vừa lòng người được” (nhật ký ngày 20-10-1965).

Ngày 21-1-1966, chị viết: “Đến gặp anh C. để bàn công tác. Một tin làm M. xúc động vô cùng: Người thân (10T) đã rơi vào tay giặc hôm 8-1 (ngày đầu địch càn vào bắc C2). M. buồn và suy nghĩ nhiều. Dù rằng đối với M. chưa có gì là kỷ niệm sâu sắc, nhưng trong lòng ngoài tình đồng chí, tình cảm cách mạng ra, còn có tình yêu thương đồng chí, bước đầu của tình cảm riêng tư. Đó là tình đồng chí, là người bạn và coi là người… lý tưởng của M.”

Tình yêu thời chiến quả là cao đẹp, soi rọi cho chị. Chị viết: “M. lại nghĩ đến tình yêu cao thượng của anh Trỗi - chị Quyên. Đôi vợ chồng vừa mới cưới nhau 20 ngày, mới sống chung thời gian ít như vậy”. Biến đau thương thành hành động cách mạng, M. phải làm tốt mọi công tác được giao.

Qua từng dòng nhật ký với lời văn giản dị, gần gũi và chân tình càng trân quý từng câu chuyện trên đường cống hiến cho lý tưởng cao đẹp. Nhật ký ngày 22-6-1966, chị Thiên viết: “Bữa nay đi xem bệnh. Trong người thấy uể oải, mệt mỏi lắm. Từ lâu M. vẫn biết bệnh của mình, ngày nào người cũng không được khỏe, làm việc được đó là sự cố gắng vươn lên. Nay có điều kiện, có thuốc men, M. nên giữ tư tưởng, tư tưởng thật thoải mái.

Làm việc thế nào sau khi chữa bệnh, M. lại đến chiến trường đảm bảo công tác, có sức khỏe, vui tươi, không lề rề, tâm trạng trở lại bình thường.” Đến ngày 01-10-1966 (10 ngày trước khi chị Thiên hy sinh), những dòng nhật ký của chị ghi lại ý chí quyết tâm của bản thân khi sắp tới kỷ niệm ngày giỗ thứ hai của anh Trỗi: “Để thiết thực kỷ niệm ngày hy sinh anh dũng của anh, M. phải làm gì? Trong công tác: Đối với kẻ thù? Đối với đồng chí? Đối với bản thân?... Hãy đi lên để tìm chân lý sống!...”.

Và những câu thơ trong bài thơ có tên “Nói đi em” đề gửi tặng em H., người em cùng quê hương mà chị Thiên cảm tác nhân kỷ niệm 2 năm ngày Anh hùng - Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, thể hiện niềm tin tất thắng:

“…Hãy nghĩ đến ngày mai tươi sáng
Miền Nam ta giải phóng tự do
Gia đình sum họp một nhà
Cùng nhau vui hát bài ca “Thanh bình”…

Đọc và cảm nhận nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viết: “Tôi học tập nhiều ở những con người bình dị mà cao cả; tâm hồn của họ luôn trẻ trung trong sáng; lý tưởng cách mạng như ngọn đuốc rực cháy trong tim gan. Họ hết lòng yêu thương đồng chí, đồng bào; tính tự giác, tự phê bình, tự chịu trách nhiệm nghiêm túc, sâu sắc…”.

PHÙNG LONG

Bài 2: Tìm lại ký ức
 

.
.
.