Thứ Hai, 10/06/2013, 06:10 (GMT+7)
.

Lực lượng bảo vệ biển, đảo: Chỗ dựa vững chắc cho ngư dân bám biển

Khi ra khơi đánh bắt hải sản trên vùng biển xa xôi và thiêng liêng nhất của Tổ quốc, ngoài sự nỗ lực của bản thân, các ngư dân còn được sự hỗ trợ của các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, đảo. Đây chính là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân bám biển, bám ngư trường để sản xuất, đồng thời qua đó góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương.

Trong mỗi chuyến đánh bắt lênh đênh trên biển vài tháng ròng rã và trong điều kiện sóng gió khắc nghiệt, ngư dân rất khó tránh được ốm đau, tai nạn bất ngờ. Nếu trở về đất liền để cấp cứu thì đường quá xa, mất nhiều thời gian, có thể nguy hiểm tính mạng và thiệt hại đến cả chi phí hàng trăm triệu đồng cho chuyến đánh bắt vì thế, lựa chọn số một là cầu cứu bác sĩ các trạm xá quân y trên quần đảo Trường Sa.

Điều đáng mừng là trong những năm gần đây, các bệnh xá của các điểm đảo đã được trang bị các trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ y bác sĩ của hệ thống các bệnh viện quân y và Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa nên đã đáp ứng được công tác cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân, thậm chí thực hiện được những ca phẫu thuật tương đối phức tạp mà trước kia phải chuyển về đất liền.

Tàu đánh bắt xa khơi của ngư dân Gò Công đang chuẩn bị nguyên liệu trước khi ra khơi.
Tàu đánh bắt xa khơi của ngư dân Gò Công đang chuẩn bị nguyên liệu trước khi ra khơi.

Thuyền viên Lê Văn Cảnh (35 tuổi, xóm Lăng, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông) trên tàu TG 9235TS vào năm 2008 trong lúc đang đánh bắt ở ngư trường Trường Sa thì bị trật quai hàm rất nặng. Cơn đau nhức làm cho anh không thể cử động được nên làm sức khỏe anh suy giảm rất nhanh. Mặc dù gặp luồng cá lớn nhưng thuyền trưởng Nguyễn Văn Tuấn quyết định ngừng thả lưới để đưa bạn vào điểm đảo gần nhất để cấp cứu. Tàu ghé vào đảo Nam Yết ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, nằm ở vĩ độ 10o10’54N và kinh độ 114o21’36E, và được bác sĩ trên trạm quân y tiến hành giải phẫu kịp thời nên bảo toàn được tính mạng.

Anh Cảnh xúc động kể lại: Bác sĩ trên đảo nhiệt tình lắm, trước khi về còn dặn dò chu đáo và cho thêm thuốc uống nên nhờ vậy mà tôi còn sống trở về đất liền! Được biết, mỗi năm trên bệnh xá của đảo Nam Yết đã cấp cứu hơn 100 lượt ngư dân bị nạn trên biển, trở thành điểm tựa vững chắc cho những con tàu đánh bắt xa bờ.

Lão ngư Nguyễn Văn Năm (63 tuổi, ấp Lăng), được xem là người đầu tiên tiến ra Trường Sa để đánh bắt hải sản từ năm 40 tuổi, khẳng định chắc nịch: Bộ đội Hải quân của mình đối với ngư phủ đúng là “tình quân - dân như cá với nước”. Khi ngư phủ hết nguyên liệu (dầu, nước ngọt) đột xuất cứ ghé đảo sẽ được hỗ trợ; còn ngư phủ sẽ tặng ngược lại bộ đội hải sản bắt được…Còn những lúc biển động, có bão lớn, ngư dân trú bão ở các đảo còn được các anh chia sẻ chỗ ở và thức ăn từ lát thịt hộp đến chén canh rau cải xanh hiếm hoi trên đảo.

Còn thuyền trưởng Nguyễn Văn Tuấn nhớ hoài sự việc anh và các thuyền viên được cứu sống trong sự cố tàu bị chìm trong cơn áp thấp nhiệt đới năm 2000. Lúc đó, cả 3 trong 4 chiếc tàu của nhà anh đều bị chìm, chiếc tàu do anh lái chìm ngay cửa biển. Anh và các thuyền viên đeo phao và bám với nhau trôi dạt trên biển phó mặc số phận theo dòng nước gần một đêm.

Khi phao trôi vào gần đến nhà dàn DK1 nhưng sóng to nên không thể tắp vào được nên anh Tuấn và người em thứ 4 là còn sức khỏe, khó khăn lắm bơi vào nhà dàn và leo lên để cầu cứu. Nhờ sự nhiệt tình của cán bộ chiến sĩ trên nhà dàn liên hệ với trung tâm cứu hộ nên toàn bộ thuyền viên của tàu được trực thăng cứu hộ đưa vào đất liền. Tuy nhiên, khi vào đất liền, rất tiếc có một thuyền viên tử vong sau đó do trước đó đã bị mất nhiều sức vì cái lạnh và đói trên biển.

Anh Tuấn chia sẻ: “Lúc đó, nếu không có các anh trên nhà dàn thì toàn bộ thuyền viên chúng tôi khó có khả năng sống sót. Do vậy, các anh trên nhà dàn cũng như trên các đảo được xem là vị cứu tinh của ngư dân trên biển khi gặp tình huống thời tiết xấu! Sau đó, các can bộ, chiến sĩ trên nhà dàn còn gởi tiền phúng điếu cho gia đình người thuyền viên bị tử nạn.”

Sự hiện diện và mối liên hệ, gắn kết giữa ngư dân cùng các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đã giúp ngư dân Gò Công nói riêng và trong cả nước nói chung yên tâm, vững lòng tin bám ngư trường ở Trường Sa, Hoàng Sa. Trong đất liền, các ngư dân được lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh hướng dẫn cụ thể về thông tin tìm kiếm cứu nạn trên biển, tần số gọi cấp cứu và hệ thống thông tin liên lạc…

Thiếu tá Nguyễn Hữu Nhâm, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Vàm Láng (BĐBP Tiền Giang) cho biết: “Theo quy ước của Đồn Biên phòng Vàm Láng, cứ 15 phút các tàu liên lạc với tổng đài Biên phòng một lần để vừa cung cấp thông tin thời tiết cho ngư dân, vừa thu thập những thông tin trên biển mà ngư dân cung cấp để kịp thời báo cáo, đề xuất Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp các lực lượng khác kịp thời có biện pháp hỗ trợ, bảo vệ ngư dân khi cần thiết”.

Khi đánh bắt trên biển, các tàu sẽ liên hệ với lực lượng Hải quân khi có tình huống cấp thiết cần giúp đỡ. Tuy nhiên, các thuyền trưởng và thuyền viên đều có ý thức cảnh giác và đề phòng các tàu Trung Quốc theo sự hướng dẫn của lực lượng Hải quân.

Thuyền trưởng tàu TG 92447TS Lê Văn Toàn cho biết: Chúng tôi vững lòng tin và cũng không sợ tàu Trung Quốc vì các anh Hải quân cũng đã cung cấp nhiều thông tin và cách để tránh chạm mặt với các tàu Trung Quốc trong quá trình đánh bắt gần những điểm đảo mà họ đang chiếm giữ trái phép. Nhờ vậy, từ khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động ngăn cấm, cản trở ngư dân Việt Nam đánh bắt cá ở vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa đến nay thì đoàn tàu của ấp Lăng chưa có trường hợp nào bị tấn công.

Còn thuyền trưởng tàu TG2995TS Nguyễn Văn Tuấn vừa trở về sau chuyến đánh bắt ở thềm lục địa phía Nam và khu vực các nhà dàn (Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Quế Đường…) tự hào: “Chúng tôi vững tâm đánh bắt trên vùng biển đã được khẳng định thuộc chủ quyền của Tổ quốc vì đã có sự hỗ trợ và bảo vệ của lực lượng Hải quân trên biển khi xảy ra những tình huống xấu nhất.”

Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây thuộc huyện đảo Trường Sa của Khánh Hòa, được thành lập từ tháng 5-2005, đã trở thành người đồng hành thân thuộc của bà con ngư dân. Khu Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây (thuộc Công ty TNHH một thành viên dịch vụ Khai thác hải sản Biển Đông) được cất kiên cố trên bãi san hô rộng khoảng 3.000 m2 với các kho chứa hàng, nhà nghỉ, nhà kính trồng rau…

Đơn vị đã cung ứng nhiên liệu cho ngư dân bằng giá bán ở đất liền; cung cấp nước ngọt miễn phí; miễn phí tiền công khi sửa chữa tàu cá bị hư, có phao neo đậu cho tàu vào trú ẩn tránh bão… Điều này đã giúp ngư dân đánh bắt xa bờ tiết kiệm được khá nhiều chi phí và thời gian đi lại, tăng thời gian bám biển để khai thác ở những ngư trường thuận lợi.

Theo thống kê, năm 2012, gần 1.500 lượt tàu vào đảo làm dịch vụ hậu cần, cấp miễn phí 1.150m3 nước ngọt, cung ứng hơn 300.000 lít dầu DO, hơn 20 tấn thực phẩm các loại, sửa chữa thành công 18 máy tàu và cứu hộ hàng hải ba tàu bị hỏng máy trôi dạt trên biển.

Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây thuộc huyện đảo Trường Sa của Khánh Hòa.
Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Ngoài điểm chính ở Đá Tây, Trung tâm còn có một số điểm như ở đảo Tốc Tan, Đá Lớn, Sinh Tồn… với đội tàu chín chiếc vừa cung ứng hàng hoá vừa thu mua hải sản ngư dân đánh bắt được chuyển về đất liền, bảo vệ ngư dân ở trên biển tránh bị tàu nước ngoài xua đuổi.

Bên cạnh đó, Đội nuôi trồng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá của Công ty Hải sản Trường Sa đang triển khai mô hình thí điểm nuôi thủy sản với các loại cá có giá trị kinh tế cao trong lồng trên biển theo công nghệ Na Uy như cá chim trắng, cá chẻm, cá hồng đen, cá mú… đã cho kết quả ban đầu rất khả quan.

Cũng tương tự như Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, Đội dịch vụ hậu cần nghề cá tại âu tàu đảo Song Tử Tây, thị trấn Trường Sa cũng thực hiện dịch vụ cung ứng nhiên liệu, lương thực, thực phẩm; dịch vụ y tế, dịch vụ sửa chữa tàu thuyền; dịch vụ thu mua và sơ chế hải sản, cung cấp vật tư nghề cá….

Đến đây, tàu thuyền sẽ được cung ứng nhiên liệu theo giá quy định của Nhà nước trong đất liền, được sửa chữa miễn phí tiền công, được cung ứng lương thực, thực phẩm, bán sản phẩm và dịch vụ vận chuyển sản phẩm vào đất liền tiêu thụ theo giá thỏa thuận. Tàu thuyền cũng được hướng dẫn vào âu neo đậu tránh gió, tránh bão miễn phí và cứu hộ, cứu nạn kịp thời.

Tháng 5-2011, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cùng các cán bộ ngành Thủy sản đã đến thăm và làm việc với hai đơn vị trên. Thứ trưởng khẳng định là sau khi tổng kết và đánh giá về mô hình dịch vụ hậu cần nghề cá cũng như nuôi trồng hải sản ở đảo Đá Tây, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ giao cho các Viện Thủy sản phối hợp cùng các ngành hữu quan lập dự án hỗ trợ, đưa người dân ra biển khai thác và nuôi trồng, đặc biệt đề xuất với Chính phủ có những chính sách hỗ trợ hợp lý.

Việc đầu tư khai thác tiềm năng đánh bắt, nuôi trồng hải sản ở quần đảo Trường Sa sẽ góp phần khẳng định chủ quyền trên  vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đó cũng là một trong chương trình quan trọng của Chiến lược biển đảo Việt Nam đến năm 2020.

Những trung tâm dịch vụ nghề cá ra đời đã hỗ trợ bà con ngư dân nhiều mặt và mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: giảm chi phí nhiên liệu đi về, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc, tăng thêm thu nhập cho từng ngư dân đi biển. Từ đó, giúp ngư dân yên tâm kiên trì bám biển, góp phần khẳng định mạnh mẽ chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

PHÙNG LONG

.
.
.