Kỳ 1: Điểm đến “bí ẩn nhất hành tinh”
Tháng bảy, hai từ Côn Đảo lắng đọng trong mỗi người. Với tôi, càng háo hức chờ chuyến đi. Tôi đã đọc, nghe kể nhiều về Côn Đảo và chuyến đi vẫn có ý nghĩa hơn…
VIÊN NGỌC BÍCH GIỮA BIỂN KHƠI
So với những địa danh nổi tiếng được xếp vào tốp 21 khu du lịch quốc gia, Côn Đảo chỉ có diện tích 52,1km2 nhưng có địa thế “độc nhất vô nhị” với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là biển cả mênh mông, sâu thẳm. Đặc biệt là cảnh quan hoang sơ, kỳ vĩ gắn liền với những sự kiện lịch sử đã trở thành huyền thoại. Đó là sức hút du khách đến với Côn Đảo để khám phá địa danh “bí ẩn nhất hành tinh”, một trong mười địa danh vừa được trang Lonely Planet bình chọn.
Cầu cảng Bến Đầm. |
Ngày nay, du khách dễ dàng đến với Côn Đảo qua các phương tiện: Các chuyến bay (từ TP. Hồ Chí Minh hoặc TP. Cần Thơ) và tàu thủy (xuất phát từ Cát Lở, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Theo UBND huyện Côn Đảo, trong 5 tháng đầu năm nay, doanh thu dịch vụ du lịch thực hiện 124,76 tỷ đồng, đạt 41,59% kế hoạch năm, tăng 15,33% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài du lịch, Côn Đảo còn là trung tâm ngư trường khai thác hải sản của tỉnh và phía Nam. Trung ương và tỉnh đã đầu tư xây dựng Cảng cá Bến Đầm dài 336m cho tàu 2.000 tấn cập bến. Riêng huyện cũng có đội tàu khá lớn, hàng năm đánh bắt khoảng 10.000 tấn hải sản các loại. Đường sá, sân bay, bến cảng đang được trùng tu. Theo quy hoạch, tại Bến Đầm sẽ xây dựng các cảng: Cảng Hải sản ở khu vực nước sâu 6 - 8m đã hoàn thành, Cảng Dịch vụ kỹ thuật dầu khí ở khu vực nước sâu 8 - 15m và Cảng Hải quân ở cửa họng Đầm.
Côn Đảo là một quần đảo ngoài khơi, là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách Vũng Tàu 97 hải lý và cách sông Hậu 45 hải lý. Sử Việt trước thế kỷ XX thường gọi đảo Côn Sơn là đảo Côn Lôn hoặc Côn Nôn. Tên gọi cũ trong các văn bản tiếng Anh và tiếng Pháp là Poulo Condor. Năm 1977, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quyết định tên gọi chính thức là Côn Đảo. |
Côn Đảo là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của huyện Côn Đảo, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với khoảng 7.000 dân, tập trung ở 10 khu dân cư (chưa có đơn vị hành chính phường, xã). Huyện Côn Đảo có thế mạnh và tiềm năng để phát triển du lịch, khai thác, chế biến hải sản, phát triển cảng biển, dịch vụ dầu khí và hàng hải.
Bờ biển dài 200 km, có nhiều bãi tắm đẹp tuyệt vời như: Bãi Đất Dốc, bãi Cạnh, bãi Đầm Trầu, bãi Hòn Cau, bãi Hòn Tre... Thêm vào đó là Vườn Quốc gia Côn Đảo có diện tích gần 6.000 ha trên đất đảo và 14.000 ha mặt biển với nhiều loại cây và thú quý hiếm.
Bên cạnh một số di tích lịch sử được bảo tồn, trùng tu đan xen giữa những tuyến phố được quy hoạch, xây dựng mới giúp bộ mặt Côn Đảo dần tỏa sáng giữa biển khơi.
Đời sống chủ yếu của cư dân nơi đây là nghề biển và kinh doanh các dịch vụ du lịch. Côn Đảo có gần 40 khách sạn, nhà nghỉ và hàng chục cơ sở lưu trú gia đình có khả năng phục vụ hơn 1.300 khách lưu trú/ngày đêm. Hàng năm Côn Đảo đón hàng trăm ngàn lượt du khách. Đến với Côn Đảo, du khách được nghỉ ngơi tại những cơ sở lưu trú hiện đại, đầy đủ tiện nghi như: Six Senses Côn Đảo, Sài Gòn Tourist, Khách sạn Công đoàn...
Ngoài ra, Công ty TNHH Việt - Nga đang xây dựng Dự án Khu du lịch nghỉ mát Việt - Nga tại Bến Đầm với khối khách sạn 5 tầng. Trong vài năm trở lại đây, Côn Đảo đã có tới hàng chục dự án đầu tư nước ngoài trị giá hàng chục triệu USD, 9 dự án trong nước khoảng 1.000 tỷ đồng đã và đang được thực hiện...
Cầu tàu du lịch ở Côn Đảo. |
Gần 40 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Côn Đảo - một “địa ngục trần gian” nay đã trở thành địa danh du lịch nổi tiếng cả thế giới biết đến. Trong chiều sâu của chặng đường phát triển, tôi càng thấm thía về trang sử hào hùng với bao câu chuyện huyền thoại trên đất đảo.
ĐỊA CHỈ ĐỎ
Côn Đảo hấp dẫn du khách không chỉ với những vẻ đẹp của đất trời, mà còn có những di tích lịch sử của vùng đất thánh thiêng liêng, là một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Trong suốt 113 năm thống trị (từ năm 1862 đến 1975), thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã giam cầm, đày đọa hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước nhiều thế hệ.
Sống trong “địa ngục trần gian” các chiến sĩ cách mạng càng tôi luyện ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Nhiều sĩ phu yêu nước trong các phong trào: Cần Vương, Đông Du, Đông kinh nghĩa thục… đã bị thực dân Pháp đày ra đây và hành hạ như các cụ: Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh…
Những năm tiếp theo còn có hàng vạn cán bộ, đảng viên cộng sản như: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ, Trương Mỹ Hoa… bị giam cầm.
Dấu vết hệ thống nhà tù khủng khiếp của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với hệ thống những trại giam lớn, chuồng cọp… để giam giữ, tra tấn những tù chính trị Việt Nam yêu nước đã được Nhà nước công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Những cái tên như: Bagne 1 (trại Phú Hải), Bagne 2 (trại Phú Sơn), Bagne 3 (trại Phú Thọ)…, đó chính là nơi đọ sức kiên trung của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã đi vào huyền thoại Côn Đảo.
Di tích Cầu Tàu 914 là một trong những địa danh lịch sử nổi tiếng ở Côn Đảo. “… Từ khi khởi công cho đến hoàn thành, đã có 914 người ngã xuống tại đây...”, là nơi để mọi người thắp hương tưởng nhớ những người tù khổ sai đã hy sinh, là lời nhắc nhở thế hệ mai sau hãy sống xứng đáng với thế hệ đi trước.
Ngày nay Cầu Tàu 914 là nơi cho khách tham quan du lịch, câu cá và là chỗ cho ghe tàu mỗi buổi sớm cập bến cung cấp các loại hải sản từ biển cho các nhà hàng. Địa danh Ma Thiên Lãnh ở phía bờ tây của đảo, hướng thẳng lên đèo Ông Đụng. Theo tài liệu, từ năm 1930 - 1945 thực dân Pháp mở nhánh này đến Sở Ông Câu để tiện việc kiểm soát tù vượt ngục. Để mở đường, chúa ngục bắt tù nhân khiêng đá xây cầu. Do điều kiện địa thế rất cheo leo hiểm trở làm chết hơn 350 tù nhân lao dịch.
Tên “Ma Thiên Lãnh” là do tù nhân lấy tên ngọn núi vốn có địa thế hiểm trở, khó lên xuống ở Triều Tiên để đặt tên cầu này. Đặc biệt, Nghĩa trang Hàng Dương ở Côn Đảo là một trong những điểm đến của rất đông du khách, là nơi yên nghỉ của 1.921 cán bộ, chiến sĩ cách mạng, trong đó có người nữ Anh hùng lực lượng vũ trang Võ Thị Sáu…
Nhìn về lịch sử, hướng tới tương lai, Côn Đảo là pho sử vàng về đất nước và con người. Tất cả những gì Côn Đảo có được và tạo dựng qua thời gian đã và đang từng bước được khai thác trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển của cả vùng phía Nam Tổ quốc.
PHÙNG LONG