Huyền thoại về 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc
Ngã ba Đồng Lộc, nơi bắt đầu của con đường Trường Sơn lịch sử đã phải oằn mình hứng chịu những vết thương của chiến tranh. Cách đây 45 năm, nơi đây đã chứng kiến một sự hy sinh của mười cô gái sông Lam mà đến nay vẫn còn làm quặn thắt trái tim những người đang sống khi nghĩ đến Ngã ba Đồng Lộc. Nhà thơ Huy Cận đã nói: “Nghìn năm sau, lịch sử sẽ còn ghi/Những năm tháng chiến tranh ác liệt/Nghìn vạn chuyến xe đi/Qua trái tim Ngã ba Đồng Lộc…” (bài thơ Ngã ba Đồng Lộc).
Khu tưởng niệm Ngã ba Đồng Lộc là một vùng thung lũng được bao bọc bởi những rừng thông xanh ngút ngàn. Nhà trưng bày, Bảo tàng thanh niên xung phong (TNXP), Đài tưởng niệm đã được xây dựng khang trang nằm đối diện với khu mộ của 10 cô gái TNXP nằm gối đầu lên đồi thông của núi Trọ Voi hùng vĩ.
Bốn mươi lăm năm trôi qua, một khoảng thời gian dài để làm những người mới đến không thể hình dung nổi Ngã ba Đồng Lộc ngày ấy là nơi hứng chịu nhiều đợt bom đạn địch tàn phá. Và sau những đợt bom oanh tạc còn chưa tan khói, những cô gái TNXP ào lên để lấp hố bom, dẫn đường cho những chuyến xe chở hàng tiếp tế cho tiền tuyến miền Nam.
Tượng đài thanh niên xung phong. |
Theo tư liệu của Bảo tàng TNXP, Ngã ba Đồng Lộc là “yết hầu” của mạch giao thông nối liền "hậu phương lớn miền Bắc" với "tiền tuyến lớn miền Nam" nên Mỹ đã tập trung toàn lực để cắt đứt con đường này. Chỉ riêng nửa đầu năm 1968, chúng đã trút xuống nơi đây (tập trung ở 1km2 xung quanh Ngã ba Đồng Lộc) 4.200 quả bom và tên lửa các loại, không kể bom nổ chậm và mìn sát thương...
Người ta đã thống kê rằng, mỗi m2 ở Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn. Bên địch càng quyết phá, bên ta càng quyết giữ. Chúng ta đã tập trung mọi nguồn lực để giữ bằng được con đường này. Vào lúc cao điểm nhất, chỉ tại ngã ba này thôi đã tập trung 1,6 vạn người, phần lớn là bộ đội pháo binh và lực lượng TNXP.
Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 2 Tổng đội TNXP 55 của tỉnh Hà Tĩnh gồm 10 cô gái còn rất trẻ (từ 17 đến 24 tuổi) do chị Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng, chịu trách nhiệm san lấp hố bom ở đoạn đường này để không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến. Bình thường, tiểu đội hoạt động về đêm để lấp hố bom mà máy bay đã bắn phá vào ban ngày.
Nhưng ngày 24-7-1968, có lệnh đặc biệt của đại đội phải thông đường nên 10 cô gái TNXP đã ra ngã ba giữa ban ngày để lấp đường. Ngày hôm ấy, sau vài lần máy bay trinh sát bay qua là 15 lần các tốp máy bay khác lao tới trút bom vào ngã ba. Ba lần, cả tiểu đội bị bom vùi, nhưng sau đó các cô lại rũ đất đứng lên tiếp tục công việc. Đến lượt bom thứ 15, một quả bom rơi ngay trước mặt họ. Một phút... rồi năm phút… trôi qua! Trên đài quan sát không thấy ai trong số mười cô rũ đất đứng dậy. Cả trận địa lặng đi, những người đồng đội òa khóc nức nở…
Sau hai giờ đào tìm, đồng đội tìm được xác chín người, riêng xác chị Hồ Thị Cúc vẫn chưa tìm được nhưng cả mặt trận quyết tâm tìm bằng được Cúc mới tổ chức an táng vì cả tiểu đội đã cùng chiến đấu bên nhau, gắn bó thân thiết như chị em một nhà. Mãi ba ngày sau, đồng đội mới tìm thấy thi thể cô nằm sâu trong lòng đất đá, đầu còn đội nón, vai vác cuốc, các đầu ngón tay thâm tím. Hình như cô đã cố gắng bới đất chui lên nhưng đất đá quá sâu...
Một nhà thơ đã xúc động trước sự hy sinh này:
“Tiểu đội đã xếp một hàng ngang
Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp?
Chín bạn đã quây quần đủ hết
Nhỏ-Xuân-Hà-Hường-Hợi-Rạng-Xuân- Xanh
A trưởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em
(Chín bỏ làm mười răng được!)…” (Thơ “Cúc ơi!” - Nhà thơ Yến Thanh).
Mười cô gái ấy đều là người con của Hà Tĩnh, thuộc 7 xã và 1 thị trấn của 3 huyện Đức Thọ, Can Lộc, Hương Sơn và thị xã Hà Tĩnh (nay là thành phố Hà Tĩnh). Người trẻ nhất tiểu đội là Võ Thị Hà, lúc hy sinh chỉ mới tròn 17 tuổi. Ngoài tiểu đội trưởng Võ Thị Tần, chưa ai trong tiểu đội có người yêu. Tất cả đã vĩnh viễn nằm tại ngã ba huyết mạch Bắc - Nam này như họ đã chung một chiến hào lúc còn sống. Tên tuổi 10 cô gái TNXP đã trở thành bất tử như nhà thơ Vương Trọng đã viết trong bài thơ: “Lời thỉnh cầu giữa Ngã ba Đồng Lộc-1995: …Hai bảy năm trôi qua chúng tôi không thêm một tuổi nào…”.
Du khách đến thắp hương ở các ngôi mộ của 10 cô gái hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc. |
Ngày nay, khu mộ của 10 cô gái TNXP tiểu đội 4 đã được xây dựng khang trang nằm cách tượng đài chiến thắng Đồng Lộc gần 200m. Tượng đài người TNXP giơ tay phất cờ báo hiệu mở đường cho xe thẳng tiến là biểu tượng cho sự bất hủ của sức mạnh, tinh thần vươn lên đạp bằng mọi gian nan nguy hiểm của TNXP.
Phía trái trước khu mộ là hố bom nơi các cô đã ngã xuống. Mộ các cô được đặt hai hàng ngang như ngày xưa đã từng xếp hàng điểm danh với tiểu đội trưởng Võ Thị Tần nằm đầu hàng. Những ngôi mộ luôn nghi ngút khói bởi hầu hết ai đến Hà Tĩnh cũng đều đến viếng và thắp nhang. Nhìn những vật dụng đặt trên mộ như gương, lược, vòng tay… đặt cạnh những bó hoa cúc trắng tinh khiết, mắt tôi chợt thấy cay xè! Dưới khói nhang mông lung, ảnh các chị đầu đội mũ tai bèo, vẫn cười hồn nhiên - nụ cười chiến thắng!
Ngày nay, Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một trong những điểm du lịch lịch sử nổi tiếng của Hà Tĩnh nói riêng và vùng Bắc Trung bộ nói chung. Theo anh Lê Thanh Hoàn, BQL khu di tích, trung bình mỗi năm nơi đây đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan và viếng mộ 10 cô gái TNXP. 45 năm sau, nơi các chị ngã xuống đã được phủ lên một màu xanh của lúa, thanh bình đã về đến khắp xóm làng!
Rời Ngã ba Đồng Lộc, tôi chợt như thấy cảnh các cô TNXP sông Lam cất cao tiếng hát dưới làn bom đạn để thông đường khi nghe văng vẳng câu hát: "Hồng Lĩnh ơi... Đỉnh cao mây vờn, đã cùng em từ những đêm thức trọn, nối tiếp những mạch đường quê nhà, đường rộn ràng những chuyến xe qua, tình nghĩa quê em sáng tỏ như ánh trăng đêm rằm, tiền phương... tay lái mang tình em đảm đang" (Chào em cô gái Lam Hồng).
PHÙNG LONG