Những khoảnh khắc của quy trình sản xuất giống cá tra nhân tạo
Trong thành tựu của ngành Thủy sản xuất khẩu, con cá tra được xem là đã mang lại nhiều kỳ tích. Chỉ hơn 10 năm tham gia xuất khẩu, năm 2012 con cá tra của ĐBSCL đã mang về hơn 1,74 tỷ USD, riêng 6 tháng đầu năm 2013 cũng mang về khoảng 800 triệu USD.
Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, năm 2012 xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 450 triệu USD, trong đó con cá tra chiếm trên 80%; riêng 6 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu thủy sản của Tiền Giang cũng đạt trên 145 triệu USD.
Sở dĩ con cá tra mang lại những kỳ tích to lớn có phần đóng góp không nhỏ của khâu sản xuất giống. Từ chỗ khai thác giống tự nhiên, hơn 10 năm trở lại đây con giống cá tra được sản xuất nhân tạo, với quy mô ngày càng lớn. Đây là một trong những thành công to lớn của ngành nuôi trồng thủy sản.
Quy trình sản xuất con giống cá tra nhân tạo với quy mô lớn gồm:
- Cá tra bố mẹ được tuyển chọn kỹ lưỡng từ đàn cá thịt. Sau thời gian nuôi vỗ, cá tra bố mẹ được chích hormon (chất kích thích sinh sản) để kích thích rụng trứng. Thông thường là hormon HCG (Human Chorionic Gonadotropin).
- Sau thời gian chích hormon sinh sản, cán bộ kỹ thuật dùng que kiểm tra độ chín của trứng cá.
- Cá tra đực cũng được lựa chọn, chích hormon để lấy tinh trùng.
Cán bộ kỹ thuật lấy tinh trùng của cá tra đực. |
Cán bộ kỹ thuật vuốt trứng cá tra mẹ. |
Cán bộ kỹ thuật trộn trứng và tinh trùng của cá tra. |
- Khi trứng cá mẹ đủ độ chín, cán bộ kỹ thuật sẽ vuốt lấy trứng. Thông thường là sau 3-7 ngày tùy theo kích cỡ của trứng cá trước khi chích hormon.
- Sau đó trứng và tinh trùng cá tra được trộn vào nhau cùng với hóa chất để kích thích sự thụ tinh.
- Sau hơn 2 ngày ấp, trứng cá tra sẽ nở. Sau thời gian được ương dưỡng trên bồn, cá tra giống được chuyển xuống ao để tiếp tục nuôi. Khi cá tra giống cỡ 1,5-2 cm (tính theo chiều ngang của cá) sẽ được bán cho các ao nuôi cá thịt.
PHƯƠNG ANH