Thứ Sáu, 02/08/2013, 09:48 (GMT+7)
.
Côn Đảo - Cảm nhận qua chuyến đi

Kỳ 2: Vang mãi bài ca “Mùa lê ki ma nở”

Đến với Côn Đảo, hầu như du khách nào cũng đặt chân đến Nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của 1.921 chiến sĩ cách mạng. Nơi đây ngày nay đã trở thành một “địa chỉ đỏ” của du khách, đặc biệt là ngôi mộ của người nữ Anh hùng - Liệt sĩ Võ Thị Sáu.

Mỗi du khách đến với Côn Đảo đều đến thắp nhang và viếng mộ Anh hùng lực lượng vũ trang Võ Thị Sáu, người con gái của vùng đất đỏ Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong không gian tĩnh lặng hòa quyện khói hương, câu chuyện huyền thoại với những chiến công oanh liệt, ý chí gang thép, hiên ngang, bất khuất trước họng súng của kẻ thù của Anh hùng  - Liệt sĩ Võ Thị Sáu như được hiện ra.

Ngôi mộ của chị Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương.
Ngôi mộ của chị Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Nữ Anh hùng - Liệt sĩ Võ Thị Sáu sinh năm 1933, tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi và nhanh chóng trở thành nữ trinh sát nổi tiếng gan dạ của Đội Công an xung phong Đất Đỏ, huyện Long Đất (tỉnh Bà Rịa).

Năm 1950, chị Sáu bị địch bắt lúc đang tham gia trận đánh tiêu diệt tề ở quê nhà, bị thực dân Pháp bắt giam ở khám Chí Hòa - Sài Gòn và bị kết án tử hình. Ngày 21-1-1952, chúng lén lút đưa chị ra Côn Đảo để thi hành án tử hình nhằm tránh sự phản đối của dư luận cùng phong trào đấu tranh của thanh niên, sinh viên Sài Gòn về việc kết án tử hình một thiếu nữ chưa đến tuổi trưởng thành.

Dù chỉ ở trong nhà tù Côn Đảo chưa trọn 2 ngày đêm nhưng ý chí chiến đấu của chị Sáu trước họng súng kẻ thù đã làm tên cai ngục, cha cố đạo và bọn lính Lê Dương khiếp sợ. Rạng sáng ngày 21-1-1953, bất chấp sự phản đối và đấu tranh quyết liệt của hàng ngàn tù nhân Côn Đảo, thực dân Pháp đã hèn hạ xử bắn Võ Thị Sáu.

Quyển “Võ Thị Sáu, con người và huyền thoại” của TS. Nguyễn Đình Thống, có đoạn: “…Lạ thay, Võ Thị Sáu vẫn hiên ngang đứng đó. Chị nhìn chúng, ngạo nghễ và giễu cợt. Hai vệt máu từ vai và sườn chị tuôn đỏ vạt áo. Chị hát tiếp khúc Tiến quân ca: “Đoàn quân Việt Nam đi...”. 

Những câu chuyện về chị, sự hy sinh oanh liệt của chị Sáu đã được nhanh chóng lan truyền khắp Côn Đảo, được anh em tù chính trị lấy đó làm tấm gương để học tập, noi theo. Hình thức đấu tranh của các anh em trong nhà tù là tìm cách dựng lại bia mộ của chị Võ Thị Sáu mỗi khi bị kẻ thù đập phá trong điều kiện theo dõi, rình rập và đánh đập dã man của bọn cai ngục nhằm loại trừ ý chí đấu tranh của anh em tù chính trị. Bọn cai ngục đập phá bia mộ chị thì sáng ngày sau có một bia mộ khác thay thế, thậm chí bên ngôi mộ còn có những đóa hoa rừng thơm ngát.

Theo lời kể của ông Lê Minh Chương (quê quán xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, là cựu tù Côn Đảo, không ai có thể nhớ hết đã có bao nhiêu tấm bia được dựng trên mộ người nữ anh hùng này. Vào thời điểm Mỹ - ngụy mở chiến dịch “tố cộng”, bọn cải huấn kích động đám tù tay sai đập bia mộ chị Sáu nhằm triệt hạ ý chí nhưng những người cộng sản không hề lung lay trước ý đồ hèn hạ của kẻ thù.

Những tấm bia mộ được làm bằng những loại vật liệu có trên đảo như đá, đất nung, gỗ… và thậm chí còn có cả một tấm bia được chạm bằng đá quý đặt từ một cơ sở chuyên tạc bia mộ nổi tiếng ở đất liền chuyển ra. Đó là tấm bia bằng cẩm thạch đẹp nhất và tồn tại lâu nhất do vợ chồng thiếu tá ngụy quyền Sài Gòn Tăng Tư đặt từ Chợ Lớn chuyển ra nhân dịp y nhậm chức tỉnh trưởng năm 1964…

Những câu chuyện về chị Sáu đã trở thành huyền thoại và linh thiêng được lưu truyền trong tù nhân, kẻ thù và người dân trên Côn Đảo cho đến ngày nay. Mộ chị Võ Thị Sáu được người dân trên đảo thành kính gọi là mộ “Cô Sáu”, ngày nay được xây dựng bằng đá hoa cương, nằm ở phía bên trái của khu trung tâm Nghĩa trang Hàng Dương. Ở phía đầu ngôi mộ là một cây dương cổ thụ, còn phía sau mộ là cây lê ki ma từ Bà Rịa - Vũng Tàu quê của chị được mang ra trồng sau ngày Côn Đảo giải phóng.

Về chuyện này, người dân ở quê nhà Đất Đỏ của chị Sáu đến nay vẫn còn kể mãi về câu chuyện thật cảm động khi bà má của chị tìm cách đến khám Chí Hòa để gặp chị lần cuối. Trong buổi gặp cuối cùng ấy, trong túi quà mang lên thăm còn có cả mấy trái lê ki ma chín vàng ươm do bà mang từ Đất Đỏ lên và câu nói nghẹn ngào của con trước lúc chia tay “Đừng buồn con nghe má!…”.

Hôm chúng tôi đến, cây lê ki ma đang trổ hoa, kết trái như câu hát về người con gái quả cảm trong bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn:“Mùa hoa lê ki ma nở/ Ở quê ta miền đất đỏ/ Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng…”.

Một điều đã thành thông lệ mà chỉ có ở Nghĩa trang Hàng Dương đó là: Phần lớn du khách khi đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương đều đi thắp nhang vào ban đêm, bắt đầu từ 23 giờ. Các ngọn đèn điện sử dụng bằng hệ thống điện năng lượng mặt trời ở các ngôi mộ đều sáng lung linh cùng với các bóng đèn điện ở các lối đi dẫn vào đài tưởng niệm nằm ở vị trí trung tâm của nghĩa trang. Hệ thống loa được bố trí đều khắp nghĩa trang ngân vang tên tuổi các anh hùng liệt sĩ, các cán bộ, chiến sĩ cách mạng đã từng đấu tranh và hy sinh trong ngục tù trên Côn Đảo.

Tháng bảy có Ngày kỷ niệm Thương binh - Liệt sĩ (27-7). Qua chuyến đi Côn Đảo, là lớp trẻ, tôi cảm thấy mình bé bỏng trước sự hy sinh cao cả của các anh hùng, liệt sĩ nằm lại trên đất đảo. Nhưng tôi cảm thấy mình lớn thêm về ý chí, về niềm kiêu hãnh của một dân tộc với bao thế hệ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trên đường đi tới, Côn Đảo đẹp và cao cả với bao câu chuyện huyền thoại về “địa ngục trần gian”, về một hòn đảo “bí ẩn nhất hành tinh”.

PHÙNG LONG

.
.
.