Về thăm Hòn Đất
Hòn Đất, nơi còn lưu lại những dấu tích bom đạn một thời, những chiến công oanh liệt của người nữ Anh hùng Phan Thị Ràng - nhân vật chị Sứ, người con gái xứ Hòn trong tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức.
Trong kháng chiến chống Mỹ, khu căn cứ Ba Hòn chính là cơ sở hoạt động cách mạng của huyện Châu Thành A và thị xã Rạch Giá. Tất cả các cơ quan như: Huyện ủy, Tuyên huấn, Ủy ban, Huyện đội, Công an,… đều đóng tại Hòn Me và Hòn Đất để chỉ đạo phong trào cách mạng.
Tượng đài ở Khu di tích Hòn Đất. |
Căn cứ kháng chiến Ba Hòn suốt 20 năm đánh Mỹ vang dội cả nước bởi những trận đánh lịch sử, những chiến công oanh liệt, trong đó có những con người mà tên tuổi của họ sống mãi với tình cảm của nhân dân như: Người nữ Anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng, Anh hùng thiếu niên Nguyễn Văn Kiến và còn biết bao con người của quê hương Hòn Đất đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc mà hai tấm bia tại khu di tích đã khắc tên 960 liệt sĩ.
Mộ nữ Anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng. |
Khu trưng bày chứng tích chiến tranh tại Trung tâm phát sóng Hòn Me do Đài Phát thanh - Truyền hình Kiên Giang xây dựng có bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Ba Hòn, máy bay trực thăng, pháo 105 ly, vỏ bom, miểng đạn, súng cối và các loại vũ khí khí tài khác mà Mỹ - ngụy đã dùng trong chiến tranh Việt Nam và tại vùng Ba Hòn lịch sử.
Đặc biệt năm 2011, khu trưng bày tiếp nhận quà từ Trường Sa là đá chủ quyền và cây bàng trái vuông được đưa về từ quần đảo Trường Sa. Ngoài ra còn phục dựng xong cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đỉnh Hòn Me, với sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Hải quân.
Đoàn Thanh niên Công an Tiền Giang nghe thuyết minh tại khu di tích. |
Khu di tích lịch sử Hòn Đất được Bộ VHTTDL công nhận năm 1989 và được đầu tư hàng chục tỷ đồng, mở rộng quy mô lên tới 14 ha. Nhà bia ghi danh 960 anh hùng liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và nhà trưng bày giới thiệu di tích, lịch sử, thắng cảnh Ba Hòn được khánh thành năm 2009.
P.LONG-T.NHỰT