Tháng tám, về thăm Chiến lũy Pháo Đài
Sắp đến ngày giỗ lần thứ 149 của Anh hùng dân tộc Trương Định (20-8-1864 - 20-8-2013), tôi quyết định làm một chuyến hành hương về thăm Chiến lũy Pháo Đài (Phú Tân, Tân Phú Đông). Dù biết khá đầy đủ thông qua nghiên cứu nhiều tài liệu, hình ảnh về Chiến lũy Pháo Đài nhưng thật tình đây là lần đầu tiên tôi mới có dịp đến thăm nên tâm trạng rất phấn chấn.
Chiến lũy Pháo Đài là di tích lịch sử dân tộc, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1987 và năm 2000 Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Tiền Giang đã tiến hành xây dựng nhà bia di tích Chiến lũy Pháo Đài.
Nhà bia có kiến trúc trông rất xinh đẹp, thoáng mát, trang nghiêm, mái ngói, cột bêtông, nền tôn cao và đã tiến hành phục hồi 2 súng thần công. Tôi nghĩ, có lẽ di tích Chiến lũy Pháo Đài luôn được chăm sóc cẩn thận để nơi đây xứng đáng là một điểm mà nhân dân và du khách đến thăm viếng, hồi tưởng lại một quá trình chiến đấu gian lao mà anh dũng của cha ông trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Cùng với Lăng mộ Trương Định, Nhà Đốc Phủ Hải ở TX. Gò Công, Đền thờ Trương Định, Đám lá tối trời… ở huyện Gò Công Đông sẽ tạo nên một chuỗi liên hoàn những điểm tham quan truyền thống, về nguồn, nhất là đối với thanh, thiếu niên trong các trường học. Nhưng khi tìm tới nơi, tôi cảm thấy hụt hẫng, vì thực thế không phải như vậy. Toàn bộ khu di tích lịch sử cấp quốc gia chìm trong cây hoang, cỏ dại, tiêu điều gần như một phế tích.
Đường dẫn vào Chiến lũy Pháo Đài. |
Đường dẫn vào khu di tích là một lối mòn ẩm ướt mà xe máy chỉ có thể đi một chiều, hai bên là những bụi lùm lau sậy, sú vẹt cao khuất tầm nhìn… Lũy hình lục giác được tôn tạo bằng xi măng nay bị cây cỏ dại che phủ, muốn bước đi thật khó khăn.
Trong khuôn viên Chiến lũy Pháo Đài, các loại cỏ dại mọc um tùm, vàng úa nham nhở, có lẽ vừa mới bị phun thuốc diệt cỏ vài hôm. Các bụi cây dại mọc lấn các cây cảnh quanh nhà bia. Trên bậc thềm và nền nhà bia cũng như nhà bát giác đầy lá cây, bụi bẩn; lư hương ở hai bên nhà bia trơ cát, không tìm thấy dấu tích của chân nhang. Giếng khơi thì khô cạn đáy và người ta cắm nhiều cây vào đó, chẳng biết để làm gì…Một cảnh tượng hoang tàn!
Tình cờ gặp một anh nông dân đang cắt cỏ cho dê ăn trong khuôn viên Chiến lũy, tôi bắt chuyện và được anh cho biết: “ Khu di tích này có một người trông coi tên là Tư Sung, nhà cũng gần đây, có hưởng lương hàng tháng nhưng không thấy làm gì nên mới có cảnh hoang phế thế này. Bà con nhân dân ở đây bức xúc lắm nhưng không biết nói với ai!”.
Đọc kỹ nội dung văn bia “Lịch sử Chiến lũy Pháo Đài”, người viết phát hiện một chỗ “lạ” ở đoạn mở đầu: “Để bảo vệ Cửa Tiểu, năm Minh Mạng thứ 15 (1834) triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây một Bảng bằng đất gọi là Đồn Từ Linh…”. Đúng ra phải là “Bảo”. “ Bảo” (堡) có nghĩa là lô cốt, boong ke, ụ súng hay cũng được hiểu là thành nhỏ, bờ lũy. Còn chữ “Bảng” đặt đây hoàn toàn không có nghĩa gì cả.
Người viết bài này nghĩ rằng cơ quan chức năng đã thấy chỗ “lạ” này nhưng có lẽ vì một lý do nào đó mà mặc kệ (!). Thiết nghĩ, đối với một di tích lịch sử cấp quốc gia, mọi thứ đều nhất thiết phải chỉnh chu, dù chỉ là một con chữ trên văn bia.
Điều nữa nghĩ cũng cần phải nói, là đã có hiện tượng mối mọt đụt khoét rui, mè trên nóc nhà bia và nhà bát giác vì nó được làm bằng loại gỗ không thật tốt, chắc chắn tuổi thọ của những mái nhà này cũng sẽ không dài.
Thiển nghĩ, địa phương nào có được di tích lịch sử nói chung, nhất là di tích lịch sử cấp quốc gia là một niềm tự hào rất lớn, nhưng để niềm tự hào đó được tồn tại và phát huy thì phải có trách nhiệm giữ gìn, tu sửa di tích luôn khang trang, sạch đẹp và trang nghiêm. Để một di tích lịch sử cấp quốc gia - Chiến lũy Pháo Đài như tình trạng hôm nay thì thật là có lỗi với tiền nhân đã anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm và cả với nhân dân trong hiện tại.
Chiến lũy Pháo Đài không chỉ mang ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, du lịch, mà còn mang ý nghĩa tâm linh. Đây cũng là một phần hồn cốt quê hương để tạo nên “Gò Công địa linh nhân kiệt”. Mong sao đến ngày giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định sắp tới và mãi mãi về sau, Chiến lũy Pháo Đài sẽ được trùng tu, chỉnh trang, xứng tầm với một di tích lịch sử cấp quốc gia.
LÊ MINH HOÀNG