Thứ Sáu, 27/09/2013, 10:28 (GMT+7)
.

“Cào bay” hoành hành ở biển Gò Công

Thời gian gần đây, khoảng 20 phương tiện cào khơi (còn gọi “cào bay”) đến từ tỉnh Kiên Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu khai thác thủy sản tại khu vực biển Vàm Láng (thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông). Tình trạng các phương tiện này tận diệt nguồn lợi thủy sản khiến nhân dân trong khu vực vô cùng bức xúc, nhất là ngư dân đang khai thác thủy sản ở hàng đáy sông Cầu.

Ghe “cào bay” của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vi phạm trong hoạt động đánh bắt thủy sản.
Ghe “cào bay” của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vi phạm trong hoạt động đánh bắt thủy sản.

Do các phương tiện “cào bay” ngày càng hoạt động công khai và lấn sâu vào đất liền nên hơn 20 hộ ngư dân ở hàng đáy sông Cầu thuộc thị trấn Vàm Láng làm đơn gởi chính quyền địa phương và ngành Nông nghiệp. Họ đề nghị hỗ trợ kiểm tra xử lý và không cho số phương tiện này vào khai thác tại vùng biển Vàm Láng để đảm bảo quyền lợi khai thác chính đáng của ngư dân địa phương.

Ông Nguyễn Văn Dứt, đại diện người dân khai thác ở hàng đáy sông Cầu cho biết, khi ghe “cào bay” đi qua thì không một loại thủy sản nào sống sót. Không những vậy, những vật cản, kể cả ngư cụ của những người dân đang đánh bắt trên biển cũng có thể bị cuốn mất.

Theo ông Dứt, trước đây hàng đáy của ông mỗi đêm thu  được từ 5-7 triệu đồng, nhưng từ khi xuất hiện ghe “cào bay” thì chỉ còn từ 2-3 triệu đồng. “Ghe “cào bay” thường xuyên hoạt động trước họng đáy sông Cầu của chúng tôi, gây thất thoát nguồn lợi thủy sản.

Ngoài ra, sau khi đánh bắt, các phương tiện trên còn mang thủy sản vào Cảng Vàm Láng bán với giá rẻ hơn rất nhiều, gây khó khăn đến nguồn thu nhập của chúng tôi” - ông Dứt bức xúc. Ghe “cào bay” thường đi 1 cặp (2 chiếc), kéo 1 miệng lưới từ 300 - 500 mét.

Sau khi ngư dân Vàm Láng làm đơn tập thể gởi chính quyền thị trấn nhưng chưa kịp giải quyết thì ngày 9-9, khoảng 20 hộ ngư dân kéo lên UBND thị trấn Vàm Láng đề nghị chính quyền thị trấn nhanh chóng có biện pháp can thiệp, giải quyết bức xúc của họ.

Ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch UBND thị trấn Vàm Láng cho biết: “Sau khi bà con kéo đến UBND thị trấn, chúng tôi đã có cuộc họp với dân và yêu cầu bà con nên bình tĩnh, không để xảy ra xô xát trên biển với các phương tiện trên. Chúng tôi đã có văn bản gởi Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông báo cáo về tình hình “cào bay” của Kiên Giang và Bà Rịa- Vũng Tàu.

UBND huyện Gò Công Đông cũng đã chỉ đạo UBND thị trấn Vàm Láng phối hợp với Bộ đội Biên Phòng (BĐBP) tuần tra, kiểm soát, xử lý các phương tiện trên. Thanh tra Sở NN&PTNT cũng đã phối hợp với BĐBP kiểm tra và xử lý nhiều vụ khai thác sai tuyến, không có giấy phép đánh bắt…”.

Nhận được phản ánh và đơn của bà con ngư dân, UBND huyện Gò Công Đông đã có văn bản gởi Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh và Sở NN&PTNT đề nghị hỗ trợ tăng cường công tác kiểm tra hoạt động của các phương tiện “cào bay” nhằm ổn định tình hình sản xuất, bảo vệ ngư trường và an ninh tuyến biển trên địa bàn huyện Gò Công Đông.

Trong những ngày qua, phóng viên Báo Ấp Bắc tháp tùng cùng tổ thanh tra gồm Sở NN&PTNT và BĐBP tuần tra dọc theo các tuyến biển thuộc địa phận biển Vàm Láng.

Số phương tiện còn lại đang “án binh bất động” chờ lực lượng rút đi sẽ tiếp tục hoạt động trở lại. Nhưng với tinh thần xử lý triệt để các trường hợp vi phạm, tổ thanh tra sẽ còn bám địa bàn để có biện pháp xử lý các chủ phương tiện vi phạm.

Thanh tra Sở NN&PTNT sau khi nhận được yêu cầu, ngày 27 và 28-8 đã phối hợp với Lực lượng Biên phòng Gò Công Đông thành lập tổ thanh tra tiến hành kiểm tra và xử phạt 2 cặp phương tiện (4 chiếc) ghe “cào bay” do lỗi khai thác thủy sản sai tuyến quy định, sử dụng mắt lưới nhỏ, không có bằng thuyền trưởng, không có giấy phép khai thác... (được quy định tại Nghị định 31/NĐ-CP ngày 29-3-2010 của Chính phủ và Quyết định 24-2011/QĐ-UBND ngày 5-9-2011 của UBND tỉnh Tiền Giang).

Tuy nhiên, sau khi lực lượng thanh tra rút về thì các phương tiện này lại tiếp tục hoạt động khai thác thủy sản, gây bức xúc cho bà con ngư dân địa phương.

Ngày 12-9, Thanh tra Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với Lực lượng Biên phòng Gò Công Đông tiến hành kiểm tra và xử phạt 5 cặp nghe “cào bay” (2 cặp Kiên Giang, 3 cặp Bà Rịa - Vũng Tàu) với những lỗi như trên...

Hoạt động khai thác thủy sản của các phương tiện “cào bay” tại vùng biển Vàm Láng đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thủy sản của vùng biển địa phương. Bởi họ đã sử dụng lưới mắt nhỏ, công suất máy lớn (từ 330 - 420CV), khai thác chủ yếu trên mặt nước… Vì vậy, những hộ ngư dân hành nghề đáy sông Cầu rất lo lắng không còn thủy sản để khai thác sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống của bà con.

Hiện tại, một số phương tiện “cào bay” này vẫn còn neo đậu tại vùng biển Vàm Láng và hoạt động ngày càng tinh vi như: ngụy trang, nghe ngóng tình hình, đối phó với cơ quan chức năng… khi nào cảm thấy có điều kiện thuận lợi, không có lực lượng kiểm tra thì tiếp tục khai thác thủy sản trái phép, bất chấp sự phản ứng của người dân địa phương.

SĨ NGUYÊN

.
.
.