"Lênh đênh" cùng lực lượng kiểm ngư
Sau những ngày “lênh đênh” cùng lực lượng kiểm ngư thuộc Thanh tra Sở NN&PTNT, chúng tôi mới cảm nhận hết những khó khăn mà các anh đang đối mặt để giữ gìn và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong khu vực. Khi phát hiện đối tượng vi phạm thì bất kể ngày hay đêm các anh đều tiến hành xử lý mọi hành vi vi phạm.
Ngày đêm xử lý vi phạm
Một ngày đầu tháng 10, chúng tôi tháp tùng cùng lực lượng kiểm ngư (KN) Tiền Giang thực hiện chuyến kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển Gò Công. Chiếc ca nô rước chúng tôi vừa cập vào tàu KN thì trời đã xế chiều. Các anh trên tàu cũng bắt đầu cho bữa cơm trưa. Khi vừa ăn hết chén cơm đầu tiên thì các anh nhận được nguồn tin đối tượng “cào bay” ở Vũng Tàu và Kiên Giang vi phạm khu vực đánh bắt thuộc tỉnh ta quản lý.
Thuyền trưởng tàu KN Nguyễn Thanh Sơn yêu cầu lực lượng nhanh chóng xuống ca nô tiến đến nơi nguồn tin báo về. Sau khi xác định tọa độ, chiếc canô thẳng hướng các đối tượng “cào bay” đang hoạt động. Tuy nhiên, khi cách đối tượng 3km thì mưa rất to, sóng đánh dữ dội, chiếc ca nô phải rẽ sóng để cầm cự chờ tàu KN đến hỗ trợ. Lúc này, chúng tôi trên ca nô đều ướt như tắm. Khoảng 30 phút chống chọi với mưa to, sóng lớn mà không tài nào tiếp cận được đối tượng vi phạm.
Rồi tàu KN cũng đến hỗ trợ nhưng lúc này các đối tượng đã di chuyển ra phạm vi mà mình được quyền đánh bắt. Lực lượng chức năng bước lên tàu, trở về đất liền và ăn vội chén cơm còn bỏ dở lúc trưa để sẵn sàng cho cuộc “chiến đấu” mới.
Nhân viên kiểm ngư phất cờ yêu cầu tàu đánh bắt dừng lại để kiểm tra. |
4 giờ sáng ngày hôm sau, tàu KN tiếp tục tuần tra từ phao số 0 trở vào thì phát hiện tàu khai thác của ông Tề Văn Mây, ngư dân tỉnh Kiên Giang có nhiều biểu hiện khả nghi trong khai thác. Qua kiểm tra thì tàu này đã khai thác thủy sản sai tuyến lộng, sử dụng lưới mắt nhỏ, không có chứng chỉ thuyền trưởng, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm nên đoàn ra quyết định xử phạt 26 triệu đồng.
Nhìn dáng vẻ khắc khổ, bàn tay thô ráp bởi nắng gió biển khơi của ông Mây ký vào biên bản xử phạt, thuyền trưởng tàu KN Nguyễn Thanh Sơn nói như chia sẻ: “Vẫn biết bà con vì cuộc sống mưu sinh nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật. Chúng tôi cũng chẳng muốn xử phạt, tịch thu cái gì của bà con đâu. Nhưng nếu hôm nay không làm nghiêm để bà con khai thác đến mức tận diệt thế này thì con cháu đời sau còn đâu nguồn lợi để mà sống, mà làm giàu từ biển”.
Những ngày sau, thông tin tàu KN có mặt ở vùng biển Gò Công nên những đối tượng “cào bay” đã án binh bất động, tiếp tục chờ thời cơ để hoạt động. Không phát hiện đối tượng “cào bay”, lực lượng KN đã chuyển sang đóng chốt tại cửa cảng Vàm Láng để kiểm tra giấy tờ và nhắc nhở các tàu đánh bắt ngoài khơi của ngư dân.
Còn đó những khó khăn
Trong quá trình tháp tùng cùng đoàn, chúng tôi mới thấy hết những khó khăn của lực lượng KN. Giữa biển khơi, sóng đánh dữ dội nhưng nhiệm vụ của các anh là phải sang tàu, thuyền của ngư dân để kiểm tra. Quá nguy hiểm đến tính mạng nếu lỡ trượt chân xuống biển khi nhảy từ tàu này sang tàu khác. Chưa kể đến những lần lực lượng KN bị các đối tượng vi phạm chống trả bằng nhiều hình thức khác nhau.
Trong lúc uống trà với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết: “Các đối tượng vi phạm thường lợi dụng ban đêm, sáng sớm hay chiều tối đưa tàu vào xâm phạm vùng nghiêm cấm khai thác để đánh bắt, gây nguy hại nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Tuy nhiên, điều khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát ngư trường của chúng ta là lực lượng KN mỏng, thiếu phương tiện và kinh phí hoạt động; đối tượng sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản ngày càng nhiều và tinh vi, khó có thể bắt quả tang hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, biện pháp chế tài, xử phạt khi phát hiện, bắt giữ phương tiện khai thác thủy sản trái phép còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe”.
Vượt lên những khó khăn chung, lực lượng KN vẫn âm thầm ngày đêm tuần tra, kiểm soát, đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản trên biển, đặc biệt là các vùng biển có nguy cơ bị phá hoại.
Anh Lê Hải Phong, Thuyền phó tàu KN tâm sự: “Sau những chuyến đi, chúng tôi mới nhận ra các đối tượng vi phạm thường tìm đủ mọi cách để trốn tránh sự phát hiện của lực lượng tuần tra. Hiện nay, mạng thông tin phủ kín, nếu bị lộ họ sẽ thông báo cho nhau qua điện thoại để tìm cách đối phó, chẳng hạn như: đưa tàu ra khỏi khu vực cấm hay cho bộ kích điện vào túi ni lông ném xuống nước để phi tang và sau đó vớt lên tiếp tục sử dụng...
Điều đáng báo động là ngoài những ghe, tàu có sử dụng kích điện để đánh bắt ven bờ, lực lượng KN còn phát hiện nhiều tàu cá công suất từ 40-100 CV trang bị bộ kích điện để khai thác thủy sản. Với hình thức khai thác hủy diệt này, các loài thủy sản đủ mọi kích cỡ đều không còn khả năng sống sót, dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi thủy sản trong khu vực”.
Toàn tỉnh có 1.379 tàu/295.689CV, với các nghề chủ yếu là lưới vây, lưới kéo, câu mực, trong đó trên 500 tàu công suất từ 90 CV trở lên đánh bắt xa bờ. Ngoài ra, tỉnh ta còn rất nhiều ghe cào có sử dụng xung điện đánh bắt cá theo kiểu hủy diệt ở các huyện phía Tây. Trong khi đó lực lượng KN chỉ có 1 tàu và 1 ca nô không thể kiểm soát hết các phương tiện. |
Với vùng biển rộng lớn và sông ngòi chằng chịt, để bảo đảm cho công tác tuần tra cũng như kiểm soát hay xử phạt các đối tượng vi phạm, tỉnh ta cần nhiều tàu túc trực thường xuyên tại các cửa biển, cửa sông. Thế nhưng, hiện nay tỉnh ta chỉ có 1 tàu và 1 ca nô phục vụ cho công tác tuần tra.
Thiết nghĩ, để công tác thanh tra, kiểm tra trên sông, trên biển mang lại hiệu quả cao, các ngành chức năng cần tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho các chủ phương tiện nắm bắt về pháp luật quy định vùng được phép đánh bắt và khai thác thủy sản.
Bên cạnh đó, tổ chức thanh tra phải lớn mạnh, hoạt động độc lập về kinh phí cũng như tổ chức, phương tiện đa dạng, trang bị các loại công cụ chống lại những đối tượng có hành vi chống đối lực lượng làm nhiệm vụ; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ngư dân không xâm phạm các vùng biển cấm khai thác, không sử dụng kích điện và nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như môi trường biển.
Suốt 1 tuần tháp tùng cùng đoàn kiểm tra, chúng tôi mới thấy vì cuộc sống mưu sinh, bà con ngư dân sẵn sàng thực hiện tất cả các loại hình khai thác kể cả mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát thì chúng ta cần phải hướng dẫn bà con tìm kế sinh nhai bền vững. Khi cuộc sống ổn định tự khắc bà con sẽ ý thức hơn trong việc khai thác và gìn giữ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
SĨ NGUYÊN